Làm thế nào khi bị dị ứng thức ăn?

Có những câu hỏi do các bậc phụ huynh đặt ra đó là cách chữa dị ứng thức ăn nhanh nhất là gì hay trẻ bị dị ứng thức ăn uống thuốc gì, tuy nhiên cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào đưa ra cách chữa dị ứng thức ăn và cũng chưa có thuốc để phòng ngừa phản ứng của cơ thể đối với thức ăn.

Mặc dù vậy, cũng có những điều cần phải tuân theo để quản lý tình trạng dị ứng thức ăn của bệnh nhân, bao gồm:

  • Đọc thành phần trên bao bì thức ăn một cách kỹ càng để đảm bảo không chứa những loại thức ăn có khả năng gây dị ứng cho cơ thể, thường là những loại thực phẩm sau: Sữa bò, trứng, cá, đậu phộng, đậu nành, động vật có vỏ, hạt cây, múa mì. Khi đi ăn tại nhà hàng hoặc ở nơi khác cần phải hỏi rõ thành phần chế biến để tránh tiếp xúc với loại protein gây ra dị ứng thức ăn.
  • Không ăn những thực phẩm hư hỏng, hết hạn sử dụng.
  • Tìm hiểu về cách dùng thuốc tiêm chống dị ứng và luôn mang theo thuốc trong người để đề phòng bị dị ứng thức ăn, ví dụ như thuốc epinephrine auto injectable được sử dụng khi có phản ứng phản vệ.
  • Vệ sinh những dụng cụ nhà bếp trước khi nấu và chế biến thức ăn cho trẻ.
  • Thông báo cho giáo viên, người trông trẻ về tình trạng dị ứng thức ăn của bé.

Phòng tránh dị ứng thức ăn ở trẻ trong giai đoạn sơ sinh là cực kỳ quan trọng vì theo tiến trình dị ứng, nếu trẻ bị dị ứng thức ăn từ nhỏ sẽ có khả năng cao mắc những bệnh dị ứng khác trong quá trình phát triển của mình như viêm mũi dị ứng, chàm, hen phế quản. Do đó cần ngăn ngừa dị ứng thức ăn cho trẻ từ lúc nhỏ bằng những biện pháp sau:

  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, loại những tác nhân gây dị ứng thức ăn trong thành phần bữa ăn của người mẹ đang cho con bú.
  • Khi mẹ không có sữa để cho con bú, nên sử dụng những loại sữa giảm tính dị ứng với đạm thủy phân và tránh việc sử dụng sữa bò.