Bị chấn thương dẫn tới sưng, bầm tím cơ thể, phải xử trí thế nào?

Những vết sưng mất thẩm mỹ

Sưng – đau – đỏ là bộ ba triệu chứng cơ bản của chấn thương, thương tổn, tụ máu. Sưng do chấn thương phần mềm đến từ những tác động vật lý như va đập, té ngã hay thể thao… Trong đó, bầm mắt và u đầu là hai chỗ sưng thường gặp nhất.

Sưng nôm na là mô dưới da phồng lên do bị chất lỏng len vào. Khi mô tổn thương, cơ thể lập tức phái một “biệt đội” đến chữa lành gồm bạch cầu, tiểu cầu, collagen… Nếu vết sưng to cho thấy tổn thương “không phải dạng vừa”. Nếu vết sưng xẹp nhanh cho thấy chấn thương sắp khỏi.

Minh họa: FREEPIK

Sưng gây khó chịu, nhất là mất thẩm mỹ nên chúng ta thường tìm cách tống khứ chúng. Tuy nhiên, sưng là biện pháp tự vệ của cơ thể. Do vậy nếu vết sưng không chuyển biến xấu thì hạn chế đụng chạm, kẻo vết sưng “nổi giận”.

Một tuần chờ đợi

Thông thường những vết sưng sẽ xẹp, biến mất hẳn trong 4 – 6 ngày. Đây cũng là mốc thời gian theo dõi chỗ sưng có diễn biến bình thường hay không. Nếu quá 1 – 2 tuần mà tình trạng “combo” sưng – đau – đỏ vẫn không giảm hoặc sưng to thêm thì nên nghĩ tới chuyện xấu. Đặc biệt, nếu vết sưng “đính kèm” những biểu hiện như sốt, chảy dịch, nổi hạch thì nên nghĩ đến nhiễm trùng.

Nếu chỗ sưng khó chịu, phình to thì làm sao?

Áp dụng quy tắc PRICE:

Ngoài PRICE, teen cũng có thể mát xa nhưng nên thực hiện nhẹ nhàng, tránh gây áp lực lên chỗ sưng.

Một số chống chỉ định

Sưng nề đôi khi là nạn nhân của các kiểu chữa bệnh “truyền miệng”. Trong 48 – 72 giờ sau sưng nề, bạn không nên làm những điều sau:

– Không được chườm nóng sớm bởi sức nóng sẽ làm giãn mạch máu, khiến vết sưng phình to lên.

– Không nên bôi dầu gió, bóp rượu, hơ vật nóng.

– Không được mát xa. Để an toàn chỉ nên mát xa khi chỗ sưng đã đỡ chút đỉnh.

Khi bị sưng nên làm gì?

* Uống thuốc: Thuốc giảm đau (paracetamol), NSAID (kháng viêm)… hay dùng cho sưng nề. Riêng kháng viêm cần phải có toa của bác sĩ. Ngoài ra có nhiều loại thuốc giúp làm tan máu bầm, giảm sưng nhanh nhưng chỉ áp dụng với những ca nặng, còn nếu chỉ sưng mô mềm thì không cần thiết.

* Ăn uống: Chế độ ăn giàu magiê (hạnh nhân, hạt điều, bina, khoai tây); kali (đậu lăng, mơ, khoai tây, bí, dâu tây); chất chống oxy hóa (dâu tây, mâm xôi, việt quất, cà rốt, bông cải xanh…); vitamin K (rau xanh đậm), dứa (enzyme bromelain), kẽm (thịt bò, hàu, tôm, hạt điều, đậu xanh); vitamin C.

Nên ăn nhạt, ăn lỏng, uống đủ nước, tránh đồ chế biến sẵn, đồ ngọt…

Tránh chật chội

Để tránh căng ép lên vết sưng nên chọn quần áo rộng rãi, giày dép đúng cỡ, giảm cân nặng. Một số bài vật lý trị liệu có thể cải thiện tình hình. Tuy nhiên với chỗ sưng do va đập nhẹ thì việc cử động đơn giản đã là vật lý trị liệu.

Trị sưng dân gian

Chữa sưng nề là “đất dụng võ” của nhiều “phác đồ” cây nhà lá vườn, đa số dưới hình thức giã ra, đắp lên vết sưng. Những phương thuốc chữa sưng “mát tay” có thể kể đến như nha đam, ngò tây, hành tây, khoai tây, giấm táo, tỏi…

Khi bị sưng bầm mắt có thể chườm lạnh, mát xa hoặc đắp thêm bã trà, lăn trứng gà. Trong thuốc thang chống sưng bầm, trứng gà có vẻ được thổi phồng công năng hơi quá. Nhiều người cho rằng các lỗ li ti trên vỏ trứng hút máu bầm như mút xốp là tưởng tượng. Thật ra lăn trứng nóng cũng chỉ là biện pháp chườm nóng. Chưa kể, không cẩn thận có thể gây nhiễm trùng mắt.

Trừ một số biến chứng, hầu hết sưng nề do chấn thương phần mềm đều nhẹ. Chúng ta cứ để yên hay xử lý đơn giản trong 1 – 2 tuần là hết. Những khổ chủ bị chỗ sưng làm khổ thường do sốt ruột rồi chữa chạy mạnh tay, dẫn đến sai phương pháp.