Quy chuẩn mới, Biển cấm quay đầu có được rẽ trái không?

Khi tham gia giao thông đường bộ, vẫn còn khá nhiều người còn đang lúng túng trong việc phân biệt các biển báo, chỉ dẫn mà pháp luật quy định và chính điều đó đã làm cho họ bị cảnh sát giao thông “tuýt còi”. Biển cấm quay đầu là một trong những biển báo cấm thường xuyên xuất hiện tại các cung đường, đặc biệt là tại các ngã ba, ngã tư hoặc tại các cung đường thường xuyên có nhiều phương tiện giao thông đi qua. Vậy theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ mới ban hành năm 2019 thì đối với biển báo cấm quay đầu có được rẽ trái không?.

Căn cứ pháp lý:

– Luật giao thông đường bộ 2008

– Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính an toàn giao thông

– QCVN 41:2019/BGTVT được ban hành kèm theo với Thông tư 54/2019/TT-BGTVT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ

Luật sư tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568

1. Biển cấm quay đầu:

Biển báo giao thông là một trong những hệ thống báo hiệu đường bộ. Tại khoản 1 điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rõ:

“Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn”.

Theo pháp luật về giao thông đường bộ Việt Nam, biển báo giao thông gồm 05 nhóm, cụ thể:

– Biển báo cấm: Thể hiện các điều cấm mà những người tham gia giao thông không được phép vi phạm.

– Biển báo hiệu lệnh: Thể hiện cho những người điều khiển phương tiện giao thông biết các điều bắt buộc mình phải chấp hành khi tham gia giao thông đường bộ.

– Biển báo nguy hiểm và cảnh báo: Thể hiện cho người điều khiển phương tiện giao thông biết trước được tính chất của những sự nguy hiểm hoặc các điều cần phải chú ý để phòng ngừa trên những tuyến đường tham gia giao thông nhằm chủ động phòng ngừa kịp thời những tai nạn có thể xảy ra.

– Biển báo chỉ dẫn: Được dùng để chỉ dẫn các hướng đi hoặc các điều cần thiết nhằm mục đích giúp cho việc điều khiển phương tiện giao thông và hướng dẫn chi tiết giao thông trên các tuyến đường được thuận lợi hơn, đảm bảo an toàn cho mọi người

– Biển phụ, biển viết bằng chữ: Được dùng để thuyết minh, bổ sung thêm các nội dung cho các nhóm biển còn lại.

Như vậy biển báo cấm là một trong những biển báo giao thông nhằm chỉ dẫn những phương tiện giao thông trên đường để duy trì an toàn giao thông cũng như trật tự an toàn giao thông.

Hình dạng và cách nhận biết của biển báo cấm đó chính là biển có dạng hình tròn, có viền màu đỏ, có nền màu trắng, trên nền có hình vẽ hoặc chữ số, chữ viết màu đen để thể hiện điều cấm (ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt).

Theo quy định của pháp luật về giao thông thì biển cấm có mã là P (cấm) và DP chính là hết cấm.

Theo quy định thì có tổng cộng 66 loại biển báo cấm, bao gồm:

Đường cấm; Cấm đi ngược chiều; Cấm các xe ô tô; Cấm các xe ô tô rẽ trái; Cấm các xe ôtô rẽ phải; Cấm các xe máy; Cấm các xe ô tô và xe máy; Cấm các xe ô tô tải; Cấm các xe chở hàng hoá nguy hiểm; Cấm các xe ô tô khách và xe ô tô tải; Cấm các xe ô tô khách; Cấm các xe ô tô taxi; Cấm các xe kéo rơ-moóc; Cấm các xe sơ-mi rơ-moóc; Cấm các loại máy kéo; Cấm các loại xe đạp; Cấm xe đạp thồ; Cấm các loại xe gắn máy; Cấm xe ba bánh loại có động cơ ( như xe lam, xích lô máy); Cấm các xe ba bánh loại không có động cơ (như xích lô); Cấm người đi bộ; Cấm những xe người kéo, đẩy; Hạn chế trọng tải toàn bộ xe được cho phép; Hạn chế tải trọng trục xe (trục đơn); Hạn chế chiều cao của xe; Hạn chế chiều ngang của xe; Hạn chế chiều dài của xe; Hạn chế chiều dài của xe cơ giới kéo theo rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ moóc; Cự ly tối thiểu giữa hai xe; Cấm phương tiện rẽ trái; Cấm phương tiện rẽ phải; Cấm phương tiện quay đầu xe; Cấm những ô tô quay đầu xe; Cấm phương tiện rẽ trái và quay đầu xe; Cấm phương tiện rẽ phải và quay đầu xe; Cấm các ô tô rẽ trái và quay đầu xe; Cấm các ô tô rẽ phải và quay đầu xe; Cấm vượt; Cấm các xe ô tô tải vượt; Tốc độ tối đa cho phép; Tốc độ tối đa được cho phép về ban đêm; Biển ghép tốc độ tối đa cho phép trên từng làn đường; Biển ghép tốc độ tối đa cho phép theo từng phương tiện, trên từng làn đường; Biển hết tốc độ tối đa được cho phép trên biển ghép; Cấm sử dụng còi phương tiện; Kiểm tra; Cấm dừng các loại xe và đỗ xe; Nhường đường cho xe cơ giới đi ngược chiều qua cung đường hẹp; Hết cấm vượt; Hết tốc độ tối đa được cho phép; Hết tất cả các lệnh cấm; Cấm phương tiện đi thẳng; Cấm phương tiện rẽ trái, rẽ phải; Cấm các phương tiện đi thẳng, rẽ trái; Cấm các phương tiện đi thẳng, rẽ phải; Cấm xe công nông và các loại xe tương tự.

Như vậy, biển cấm quay đầu là một trong những loại biển báo nằm trong các loại biển báo cấm.

Biển báo cấm quay đầu bao gồm những loại biển báo sau:

– Biển báo cấm quay đầu xe (P.124a,b)

– Biển cấm rẽ trái và quay đầu xe (P.124c)

– Biển cấm rẽ phải và quay đầu xe (P.124d)

– Biển cấm ô tô rẽ trái và quay đầu xe (P.124e)

– Biển cấm ô tô rẽ phải và quay đầu xe (P.124f)

2. Biển cấm quay đầu có được rẽ trái không?

Quay đầu xe chính là hành động của những người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thực hiện khi tham gia giao thông nhằm mục đích thay đổi hướng di chuyển của xe mình theo hướng ngược lại so với hướng đi của những phương tiện còn lại đang di chuyển cùng chiều.

Khi tham gia giao thông trên đường bộ, không phải bất cứ khi nào các phương tiện cũng có thể tự ý quay đầu xe khi đang di chuyển mà những phương tiện cần phải tuân thủ theo những quy tắc mà các biển báo được cắm tại những nơi quy định. Những người lái xe chỉ được phép quay đầu tại những cung đường cho phép bởi những biển báo hoặc không có biển báo cấm quay đầu. Việc có những biển báo này nhằm đảm bảo được trật tự an toàn giao thông đồng thời đảm bảo được an toàn cho cả tài xế và những người tham gia giao thông khác.

Thông thường, hình dạng của biển báo cấm quay đầu xe sẽ là hình tròn, có nền trắng, viền màu đỏ, có vạch kẻ đỏ từ góc trái sang góc bên phải biển báo, có chiều mũi tên phù hợp với chiều cấm quay đầu xe. Và trong trường hợp cấm quay đầu xe đối với xe ô tô thì biển báo này sẽ hiển thị thêm hình ảnh của phương tiện là xe ô tô ở góc bên phải.

Với quy chuẩn mới QCVN 41:2019/BGTVT được ban hành kèm theo với Thông tư 54/2019/TT-BGTVT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ có quy định rõ:

– Đối với biển báo cấm tất cả các loại xe (cơ giới và thô sơ) quay đầu thì đặt biển báo cấm quay đầu số P.124a với chiều mũi tên phải phù hợp với chiều mà cung đường đó cấm quay đầu xe.

– Đối với biển báo cấm riêng xe ô tô (ô tô và xe máy ba bánh) quay đầu thì đặt biển báo cấm quay đầu đối với xe ô tô số P.124b với chiều mũi tên phải phù hợp với chiều cấm xe ô tô quay đầu.

– Đối với biển báo cấm tất cả các loại xe rẽ trái đồng thời cấm quay đầu thì đặt biển báo số P.124c

– Đối với biển báo cấm tất cả các loại xe rẽ phải đồng thời cấm quay đầu thì đặt biển báo số P.124d

– Đối với biển báo cấm riêng đối với phương tiện là ô tô rẽ trái đồng thời cấm quay đầu thì đặt biển báo số P.124e

– Đối với biển báo cấm riêng đối với phương tiện là ô tô rẽ phải đồng thời cấm quay đầu thì đặt biển báo số P.124f

Đặc biệt, tại điểm g của B.24 tại Phụ lục B trong quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT có quy định rõ:

“g) Biển số P.124a có hiệu lực cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) và biển số P.124b có hiệu lực cấm xe ô tô và xe máy 3 bánh (side car) quay đầu (theo kiểu chữ U) trừ các xe được ưu tiên theo quy định.

Biển không có giá trị cấm rẽ trái để đi sang hướng đường khác”.

Như vậy tại quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT thay thế quy chuẩn QCVN 41:2016/BGTVT được ban hành kèm theo thông tư 06/2016/TT-BGTVT quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ thì nếu cung đường nào cắm biển báo cấm quay đầu xe (bao gồm cả hai biển P.124a và P.124b) thì tất cả các loại phương tiện sẽ chỉ bị cấm quay đầu theo chiều biển báo quy định đồng thời các phương tiện sẽ được phép rẽ trái để di chuyển sang hướng khác.

3. Phạt hành chính lỗi quay đầu xe:

Khi một cá nhân tham gia giao thông đường bộ mà thực hiện hành vi quay đầu xe tại những cung đường cấm quay đầu xe thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Đối với phương tiện là xe ô tô hoặc các phương tiện tương tự xe ô tô:

– Phương tiện giao thông quay đầu xe trái quy định trong các khu dân cư; quay đầu xe tại các phần đường dành cho những người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, ngầm hoặc gầm cầu vượt thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

– Người điều khiển phương tiện giao thông có các hành vi vi phạm sau thì sẽ bị phạt hành chính từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng:

+ Quay đầu xe tại những nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;

+ Quay đầu xe tại những nơi có đường hẹp, đường dốc, hoặc đoạn đường cong có tầm nhìn bị che khuất;

+ Quay đầu xe nơi có cắm biển báo hiệu với nội dung cấm quay đầu đối với những loại phương tiện đang điều khiển.

– Người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông, quay đầu xe trong hầm đường bộ thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

– Người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi quay đầu xe trên đường cao tốc thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng

– Người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi quay đầu xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông thì sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng

Đối với phương tiện là xe moto, xe gắn máy:

– Người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện hành vi quay đầu xe tại nơi không được quay đầu xe thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng

– Người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện hành vi quay đầu xe trong hầm đường bộ sẽ bị phạt hành chính từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng

– Người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi quay đầu xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông thì sẽ bị xử phạt từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.