Khái quát về Biển Đông

1. Biển Đông là một biển nửa kín, Rộng khoảng 3,4 triệu km2, được bao bọc bởi 9 nước là Việt Nam, Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan), Phi-líp-pin, Ma-lai-xia, Bru-nây, In-đô-nê-xia, Thái lan, Căm-pu-chia và Xinh-ga-po.

Biển Đông là tuyến vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai thế giới sau tuyến Địa Trung Hải với khoảng 150 – 200 tàu trọng tải lớn qua lại mỗi ngày. Các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào tuyến hàng hải qua Biển Đông (70% dầu lửa nhập khẩu của Trung Quốc qua Biển Đông). Biển Đông giàu tài nguyên như dầu, khí đốt và nhiều loại khoáng sản có giá trị như sắt, ti tan, cát thủy tinh, đặc biệt có loại khí đốt gọi là băng cháy với trữ lượng được đánh giá tương đương với trữ lượng dầu khí; nguồn tài nguyên thủy sản to lớn (với hơn 1,000 loài cá, trong đó có 20 loài có giá trị). Biển Đông đem lại cho các quốc gia ven Biển Đông những điều kiện tự nhiên thuận lợi to lớn để xây dựng và phát triển kinh tế.

Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng, nối liền Thái Bình Dương với ấn Độ Dương; cũng là nơi tồn tại tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều nước giữa Việt Nam và Trung Quốc (đối với quần đảo Hoàng Sa), giữa Việt Nam, Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan, Phi-líp-pin, Ma-lai-xia, Bru-nây (đối với quần đảo Trường Sa) và được quốc tế quan tâm vì liên quan đến vấn đề tự do, an ninh, an toàn hàng hải.

2. Nước ta có hơn 3.260km bờ biển, hơn 3.000 hòn đảo nằm trên thềm lục địa và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; căn cứ theo công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, nước ta có vùng biển bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý (chưa tính vùng biển của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa) tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải phù hợp với Công ước Luật biển 1982. Hầu hết các ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta đều gắn với biển như dầu khí, du lịch, thủy sản, giao thông vận tải, đóng tàu… giá trị thu được từ các ngành kinh tế biển chiếm trên 40% GDP của cả nước. Do vậy Biển Đông là vấn đề rất nhạy cảm và liên quan mật thiết đến tình hình an ninh, chính trị và phát triển kinh tế – xã hội của nước ta.

II. Các vùng biển của Việt Nam

Trong tuyên bố ngày 12/5/1977 về lãnh hải, cùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã nêu rõ:

– lãnh hải của nước Việt Nam rộng 12 hải lý, ở phía ngoài đường cơ sở nối liền các điểm nhô ra nhất của bờ biển và các điểm ngoài cùng của các đảo ven bờ của Việt Nam. Vùng biển ở phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển là nội thủy của nước CHXHCN Việt Nam. Nước CHXHCN Việt Nam thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải của mình cũng như đối với vùng trời, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải. – vùng tiếp giáp lãnh hải của nước CHXHCN Việt Nam là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải Việt Nam có chiều rộng là 12 hải lý hợp với lãnh hải Việt Nam thành 1 biển rộng 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam thực hiện sự kiểm soát cần thiết trong vùng tiếp giáp lãnh hải của mình, nhằm bảo vệ an ninh, bảo vệ các quyền lợi về hải quan, thuế khóa, đảm bảo sự tôn trọng các quy định về y tế, về di cư, nhập cư trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.

– Vùng đặc quyền kinh tế của nước CHXHCN Việt Nam tiếp liền lãnh hải việt nam và hợp với lãnh hải Việt Nam thành 1 vùng biển rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Nước CHXHCN Việt Nam có quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước, ở đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; có quyền và thẩm quyền riêng biệt về các hoạt động khác phục vụ cho việc thăm dò và khai thác vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nước CHXHCN Việt Nam có thẩm quyền bảo vệ môi trường, chống ô nhiểm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

– Thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa việt nam mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từ đường cơ sở đó. Nước CHXHCN Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa Việt Nam bao gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên không sinh vật và tài nguyên sinh vật thuộc loại định cư ở thềm lục địa Việt Nam.

Các vùng biển của Việt Nam được xác định trong tuyên bố năm 1977 phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982.

Các vùng biển của Việt Nam được xác định trong tuyên bố năm 1977 phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Theo tài liệu định hướng công tác tuyên huấn về biển, đảo của Ủy ban biên giới quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao