Quy định pháp lý của biên giới quốc gia trên biển theo luật quốc tế và Việt Nam – Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Theo Điều 2 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Luật Biển năm 1982): “Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và các vùng nội thủy tới một vùng biển tiếp giáp với chúng, dưới tên gọi là lãnh hải và có bề rộng không vượt quá 12 hải lý”.

Như vậy, đây là lần đầu tiên lãnh hải của các quốc gia ven biển được Luật Biển năm 1982 quy định có bề rộng thống nhất 12 hải lý. Ranh giới ngoài của lãnh hải được coi là đường biên giới quốc gia trên biển.

Khác với đường biên giới quốc gia trên đất liền, đường biên giới quốc gia trên biển không được đánh dấu bằng các cột mốc quốc giới, mà được công bố bằng các bản kê tọa độ địa lý của đường biên giới đó trong các hiệp ước phân định lãnh hải hay gián tiếp bằng các bản kê tọa độ địa lý các điểm của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải và được thể hiện trên các hải đồ có tỷ lệ thích hợp. Hải đồ và các bản kê tọa độ địa lý các điểm này phải được công bố theo đúng thủ tục và gửi Liên hợp quốc để lưu chiểu. Tuy nhiên, đường biên giới này là đường biên giới quốc gia không hoàn toàn, vì tàu thuyền nước ngoài được quyền “qua lại không gây hại” đường biên giới này theo quy định của Luật Biển năm 1982.

Đối với Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2003; Nghị định số 140/2004/NĐ-CP, ngày 25 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nêu rõ:

Biên giới quốc gia trên biển được hoạch định và đánh dấu bằng các tọa độ trên hải đồ là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo của Việt Nam được xác định theo Luật Biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và các quốc gia hữu quan.

Các đường ranh giới phía ngoài vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa xác định quyền chủ quyền, quyền tài phán của Cộng hòa XHCN Việt Nam theo Luật Biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và các quốc gia hữu quan.

Khu vực biên giới trên biển tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo.

Việc xác định biên giới quốc gia trên biển, khu vực biên giới trên biển của Chính phủ Việt Nam là yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với quy định của Luật Biển năm 1982 và thông lệ quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý để xác định biên giới quốc gia, khu vực biên giới quốc gia trên biển; góp phần thiết thực vào việc quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên các khu vực biển, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh cho các địa phương ven biển, đảo. Nó cũng góp phần thiết thực xây dựng biên giới quốc gia nói chung, biên giới quốc gia trên biển của nước ta nói riêng thành biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển theo quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng ta trong thời kỳ mới.

ĐĂNG VŨ