Xu hướng toàn cầu hóa được biểu hiện thông qua những điều sau:
• Sự phân công lao động quốc tế ngày càng sâu sắc, các công ty xuyên quốc gia ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế các quốc gia và quốc tế.
Hiện nay, sự phân công lao động ngày càng sâu sắc, với các mô hình công ty mẹ, công ty con, một sản phẩm hàng hóa là kết quả nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh của nhiều công ty. Công ty sản xuất máy bay Boing là tập hợp của 650 công ty thành viên đặt ở nhiều quốc gia. Công ty Toyota hàng năm chế tạo gần 1 triệu xe ô tô với 65 công ty cho thuê, 33 cơ sở bán phụ tùng, 44 công ty thiết bị tin cậy đặt ở 25 quốc gia.
Bạn đang xem: Những biểu hiện của xu hướng toàn cầu hóa
Ngày càng có nhiều vụ sáp nhập các công ty và nhiều công ty xuyên quốc gia được thành lập. Hoạt động của các công ty xuyên quốc gia (Trans National Coporation, gọi tắt là TNC) bắt đầu được mở rộng vào những năm 50 – 60 của thế kỷ XX với TNCs của Hoa Kỳ, sau đó là Nhật Bản, CHLB Đức và nhiều quốc gia công nghiệp khác. Đến năm 1994, trên toàn thế giới có 38.800 TNCs, với 250 chi nhánh ở các nước đang phát triển. Đến năm 1999, trên thế giới có 59.000 TNCs, kiểm soát 400.000 công ty nhánh.
Hiện nay các TNC không chỉ đầu tư vào khu vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp mà còn vào các lĩnh vực dịch vụ, khoa học công nghệ, giáo dục… Ngày càng nhiều các vụ sáp nhập các công ty, thúc đẩy việc phát triển các công ty xuyên quốc gia. Tổng giá trị các vụ sáp nhập toàn thế giới năm 2001 đạt 3.500 tỷ USD và năm 2004 đạt 1.300 tỷ USD.
• Các công ty xuyên quốc gia ngày càng có vai trò trong nền kinh tế mỗi quốc gia và toàn thế giới
Ở nhiều nước, chính phủ có các khoản nợ lớn, chủ yếu do các TNC cung cấp thông qua mua bán trái phiếu, tín phiếu, kho bạc nhà nước (Pháp nợ 50% sản phẩm quốc gia, Đức nợ 60% tài sản quốc gia, Italia nợ 123% tài sản quốc gia).
Trong nửa đầu thập kỷ 90, có tới gần 50% khối lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của thế giới nằm trong tay các công ty mẹ của các nước tư bản phát triển. Trong đó 60% là các TNC của Mỹ, Pháp, Anh, CHLB Đức, Nhật Bản. Khối lượng hàng hóa TNCs bán ra năm 1993 là 5,3 nghìn tỷ USD và năm 1997 là gần 7 nghìn tỷ USD, tương đương với 22% tổng sản phẩm của thế giới.
Xem thêm : Chữa ho cho trẻ bằng lá húng chanh hiệu quả
Với lợi thế về khoa học công nghệ, nguồn vốn, kinh nghiệm về tổ chức quản lý các hoạt động sản xuất và kinh doanh tài chính nên TNCs có khả năng cạnh tranh thị trường cao. Do vậy, TNCs có vai trò quan trọng trong việc chi phối các hoạt động kinh tế – xã hội, chính trị ở nhiều quốc gia, nhất là TNCs có tầm cỡ lớn trên thế giới như : Royal Duchtshell, Genaral Motors, General Electronics, Genaral Dynamic, IBM, Macdonal Dongher, Toyota, Ford, Mitsubishi, Boing…
• Ngày càng nhiều các tổ chức hợp tác kinh tế – xã hội, môi trường thế giới và khu vực được thành lập và hoạt động có hiệu quả
Những thập kỷ gần đây, để tạo những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội, nhiều quốc gia trên thế giới đã tích cực gia nhập các tổ chức hợp tác kinh tế – xã hội thế giới và các khu vực.
Ngoài tổ chức lớn nhất hành tinh là Tổ chức Liên Hợp Quốc có tới 198 quốc gia tham dự, Tổ chức Thương mại Thế giới cũng ngày càng có nhiều nước gia nhập và chuẩn bị lộ trình để được gia nhập.
Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch (The General Agreement on Tariffs and Trade – GATT ) được ký kết năm 1947 giữa 23 nước.
Đến năm 1985 GATT có 87 thành viên, giá trị trao đổi thương mại thế giới đạt 1,8 nghìn tỷ USD. Đến năm 1995 GATT chuyển thành WTO với số lượng thành viên lên đến 127, tổng giá trị trao đổi thương mại trên thế giới đã lên đến 5,7 nghìn tỷ USD. Năm 2003 các chỉ số này tuần tự là 148 và 7,5
Như vậy, WTO ngày càng có vai trò lớn và tác động mạnh mẽ đến sự phát triển thương mại, kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia và trên bình diện thế giới.
Các quốc gia tham gia tổ chức này sẽ làm cho nền kinh tế quốc gia mình phát triển hài hòa theo thông lệ và nguyên tắc của WTO, là cơ hội đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo ra nhiều của cải hơn cho xã hội.
Ngoài hai tổ chức lớn là UNO, WTO, các tổ chức hợp tác khu vực và quốc tế khác được thành lập ngày càng nhiều và phát triển lớn mạnh, có vai trò lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia, các khu vực và trên toàn thế giới như:
- Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (United Nations Development Programme – UNDP) ;
- Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (Food and Agriculture Organization of The United Nationals – FAO) ;
- Tổ chức Giáo dục Khoa học về Văn hóa Liên Hợp Quốc (United National of Education Science and Culture Organization – UNESCO) ;
- Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) ;
- Liên minh châu Âu (European United – EU) ;
- Khối Buôn bán tự do Bắc Mỹ (North American Free Trade Association – NAFTA) ;
- Diễn đàn Hợp tác châu Á – Thái Bình Dương (Asian Pacific Economic Co – Operation Forum – APEC) ;
- Hiệp hội các nước Đông Nam Á (Association of South East Asia Nations – ASEAN) ;
- Tổ chức Thống nhất châu Phi (Organization African Union – OAU)…
Chỉ riêng ở châu Phi từ năm 1990 đến nay đã có tới hơn 100 tổ chức kinh tế – xã hội khác nhau được thành lập.
• Tốc độ trao đổi hàng hóa, vốn, tài chính trên toàn thế giới tăng trưởng nhanh
Mức độ tăng trưởng thương mại trung bình hàng năm của thế giới thời kỳ 1950 – 1996 đạt 6,5%, gấp 1,5 lần so với mức độ tăng trưởng sản lượng kinh tế thế giới (4%) ; giá trị trao đổi thương mại toàn thế giới năm 1948 chỉ có 124 tỷ USD, đến năm 1973 là 1.168 tỷ USD và đến năm 2002 lên đến 12.782 tỷ USD. Như vậy, giá trị thương mại thế giới năm 2002 tăng gấp 103,08 lần so với năm 1948.
Thương số thương mại trên sản lượng kinh tế thế giới dùng để chỉ báo toàn cầu hóa cũng tăng nhanh từ 11% giữa những năm 70 so với mức của năm 1913 và đến năm 1994 đã tăng lên tới 16% và đến năm 1998 lên đến 20%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trung bình trong các năm 1970 – 1995 là 11%, nhiều hơn 2,5 lần mức độ tăng trưởng của sản lượng thế giới. FDI trên toàn thế giới năm 1998 là 693 tỷ USD, năm 2000 là 1.271 tỷ USD, năm 2001 là 823 tỷ USD, năm 2003 là 575 tỷ USD, năm 2005 là 884 tỷ USD. Tổng FDI toàn cầu các năm từ năm 1998 đến năm 2005 cũng phản ánh rất rõ xu hướng toàn cầu hóa. Khi mà tình hình an ninh, chính trị trên toàn thế giới, môi trường đầu tư vốn không an toàn đã tác động xấu đến tình hình FDI toàn cầu cũng như nền kinh tế của toàn cầu.
• Xu hướng toàn cầu hóa cầu thể hiện sự phụ thuộc giữa các quốc gia với nhau về vốn, nguyên liệu sản xuất, nguồn lao động, khoa học và công nghệ, thị trường
Các nước phát triển bị phụ thuộc vào nguồn nguyên, nhiên liệu và thị trường của các nước đang phát triển. Ví dụ : 40% nguồn nguyên liệu dầu lửa của Hoa Kỳ ; 70% nguồn nguyên liệu dầu lửa của EU và 80% nguồn nguyên liệu dầu lửa của Nhật Bản nhập từ các nước Trung Cận Đông…
Các nước đang phát triển cũng bị phụ thuộc vào vốn, khoa học công nghệ, máy móc thiết bị và thị trường các nước phát triển. Vì vậy, các nước đều cố gắng điều chỉnh, cải cách các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế – xã hội theo hướng tăng cường tự do hóa, mở cửa và tăng cường mở rộng hợp tác đầu tư quốc tế, nâng cấp hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, hoàn thiện hệ thống luật pháp để tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Toàn cầu hóa còn được thể hiện như: các nước đã và đang cùng hợp tác để giải quyết nhiều vấn đề về xã hội, môi trường, thiên tai, đói nghèo…
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp