Phân tích bối cảnh nhặt vợ trong truyện Vợ nhặt của Kim Lân

Đề bài

Phân tích bối cảnh nhặt vợ trong truyện Vợ nhặt của Kim Lân.

Lời giải chi tiết

* Bối cảnh nhặt vợ: Nạn đói khủng khiếp năm 1945, khi dân ta rên xiết dưới ách Pháp, Nhật.

– Cái đói tràn về xóm ngụ cư tồi tàn gây nên hậu quả thê thảm: người chết thây nằm còng queo bên đường, người sống chỉ còn là những cái bóng dật dờ lặng lẽ như những bóng ma. Đó là quang cảnh chung. Miêu tả cụ thể, truyện cho thấy một người đàn bà đói đến gần chết (gầy xọp đi, khuôn mặt xám xịt) và một gia đình phải ăn thứ cám đắng chát, nghẹn bứ.

– Không khí tối tăm, ảm đạm, thê lương trùm lên làng xóm.

Mở đầu câu chuyện là thời gian, không gian mỗi lúc một tối hơn (Bắt đầu là “mỗi chiều, chạng vạng mặt người”, rồi “bóng chiều nhá nhem”, rồi “cảnh sầm lại” và cuối cùng là “tối om”).

Cảnh nên vợ nên chồng cũng thảm thương, tội nghiệp: Bốn bát bánh đúc – thứ bánh bình dân, rẻ tiền — coi như là lễ ăn hỏi (Nhớ lại: bát cháo hành “lễ cưới” để thị Nở – Chí Phèo thành vợ chồng). “Lễ đưa dâu” âm thầm trong cảnh chiều heo hút không một ánh đèn, lửa; chỉ có tiếng quạ gào thê thiết. Cho đến buổi tối hạnh phúc đầu tiên ở nhà – coi như đêm tân hôn của Tràng và người vợ nhặt – cũng diễn ra trong tiếng hờ khóc người chết ngoài xóm và mùi khét lẹt đầy tử khí.

Bản thân việc nhặt được vợ trong cảnh đói – chết như thế đã là nghịch lý khác thường; rồi hạnh phúc của họ cũng buồn bã khác thường. Những chuyện “phi nhân loại” như thế gián tiếp tố cáo bọn thống trị dồn đẩy nhân dân ta vào cảnh thảm sầu (Ý tố cáo này rõ hơn qua tiếng trống thúc thuế dồn dập và lời bà mẹ Tràng: “Đằng thì nó bắt giồng đay. Đằng thì nó bắt đóng thuế”).

Loigiaihay.com