Nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường của học sinh sinh viên trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp

Chưa bao giờ vấn đề ô nhiễm môi trường lại nóng sốt như những năm gần đây. Hậu quả của việc ô nhiễm môi trường có thể kể đến như cá chết hàng loạt, bệnh ung thư tăng lên, nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng…Và còn vô vàn những hậu quả nghiêm trọng khác mà không thể kể hết. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường? Đầu tiên, đó là sự thiếu ý thức của người dân. Họ vô tư xả rác với suy nghĩ việc làm của mình quá nhỏ bé, không đủ sức để gây ra ô nhiễm môi trường. Một số khác lại cho rằng, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của các cơ quan chính quyền, của nhà nước. Đáng buồn hơn, một bộ phận người dân lại suy nghĩ môi trường ô nhiễm rồi, có giải quyết cũng không ăn thua và ô nhiễm môi trường là chuyện của thiên hạ, không ảnh hưởng gì đến mình. Và chính những suy nghĩ thiển cận này ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục tư duy bảo vệ môi trường cho thế hệ mai sau. Việc phá hoại môi trường của một người gây ảnh hưởng nhỏ nhưng hàng trăm người cộng lại sẽ gây hậu quả lớn. Một tờ giấy, một hộp sữa, một túi ni lông… nếu tích tụ nhiều sẽ thành một bãi rác khổng lồ. Lâu ngày sẽ gây mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường, nghẹt cống thoát nước mỗi khi mưa lớn.

Với những thực trạng và nguyên nhân dẫn đến những nguy hiểm khôn lường như vậy thì sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng chúng ta cần làm gì để bảo vệ môi trường:

– Dọn dẹp vệ sinh lớp học, khuôn viên trường: Điều thứ 4 trong 5 điều Bác Hồ dạy là “giữ gìn vệ sinh thật tốt” là muốn nói rằng, mỗi cá nhân chúng ta cần giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh chúng ta, dọn dẹp lớp học, sân trường. Đây là một hoạt động vô cùng cần thiết để bảo vệ môi trường sống.

– “Nói không với rác thải nhựa”: Túi nilon rất rẻ, và tiện dụng, vì thế chúng ta luôn “thẳng tay” lấy túi và cũng thẳng tay vứt chúng không chút đắn đo suy nghĩ về hệ lụy sau này. Chúng ta đều biết, túi nilon phân hủy rất lâu và không phân hủy hết hoàn toàn. Theo nguyên lý tuần hoàn, chúng sẽ trở thành những mảnh vi nhựa được động vật tiêu thụ và theo chuỗi thức ăn, sẽ quay trở lại cơ thể của chúng ta. Thậm chí, khi bị đốt chất thải nhựa sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Làm thế nào để thay thế túi nilon? Chúng ta có thể sử dụng túi vải, túi giấy… hay bất kỳ loại túi nào dùng được nhiều lần và có thể phân hủy thay cho túi nilon. Đơn giản chỉ là đem theo vài chiếc túi mỏng, nhẹ và cho vào giỏ xách.

– Tiết kiệm điện nước để bảo vệ trái đất xanh: Việc tiết kiệm điện nước sẽ giúp bảo vệ trái đất xanh nhờ giảm sự tiêu hao nguồn năng lượng tự nhiên. Để thực hiện được điều này, mỗi người cần thực hiện như sau: Đối với nguồn nước: Tránh lạm dụng và xả nước bừa bãi, chỉ nên sử dụng nước vừa đủ dùng cho sinh hoạt và luôn khóa chặt vòi sau khi sử dụng; Đối với nguồn điện năng: Ra vào cần đóng tất cả cửa sổ và tắt hết các thiết bị điện như bóng đèn, máy quạt… Chỉ nên sử dụng điện khi thực sự cần thiết.

– Tuyên truyền trực quan bằng khẩu hiệu: Xung quanh khuôn viên các trường đại học được Nhà trường lắp đặt nhiều khẩu hiệu tuyên truyền như “Vì tương lai đất nước, hãy bảo vệ môi trường”, “Sống cho môi trường là sống tốt cho mình”, “Tích cực hành động vì môi trường xanh sạch đẹp”, “Hãy trồng thêm một cây xanh là thêm hành động để bảo vệ môi trường”, “Bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe con người” hay cả những biển báo cấm săn bắt động vật… được thiết kế bằng vật liệu thân thiện với môi trường thu hút sự chú ý của các bạn sinh viên và giảng viên.

Đối với sinh viên hiện nay việc tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như dọn dẹp sạch sẽ môi trường xung quanh, các hoạt động trồng cây xanh đang diễn ra một cách sôi nổi hơn bao giờ hết. Trong sự tích cực và sôi nổi của phong trào này, trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp cũng góp phần rất lớn trong công cuộc bảo vệ môi trường. Đây là một trong những hoạt động tích cực trong việc bảo vệ môi trường xung quanh chúng ta.

Sinh viên Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp tích cực trong các hoạt động bảo vệ môi trường

Chúng ta có thể thấy rằng việc cùng nhau gìn giữ và bảo vệ môi trường có thể là bắt nguồn từ một việc rất là nhỏ của bản thân mỗi chúng ta chứ không phải là những việc to lớn nào đó. Bản thân chúng ta là học sinh sinh viên, là chủ nhân tương lai của đất nước chúng ta cần phải tiên phong trong việc bảo vệ môi trường, tuyên truyền giúp cho mọi người hiểu được tầm quan trong của việc giữ gìn, bảo vệ môi trường. Hãy cùng nhau chung tay xây dựng một môi trường xanh, sạch, đẹp.

Lê Phạm Thị Minh Anh – Trung tâm Nghiên cứu phát triển

và Bảo đảm chất lượng