Ăn cá có giúp bé thông minh hơn? 8 loại cá giúp tăng IQ “vùn vụt”

Ăn cá có thông minh không? “Người chăm ăn cá sẽ thông minh hơn” không còn là một quan niệm mà đã được chứng minh bởi các nghiên cứu khoa học. Những đứa trẻ ăn nhiều cá thường đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra chỉ số thông minh, có thị lực tốt hơn và ngủ ngon hơn. Vì thế, ăn cá gì cho bé thông minh là một trong những câu hỏi được nhiều cha mẹ quan tâm khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ.

Bài viết có sự tư vấn chuyên môn bởi BS.CKII Đinh Thị Kim Liên, Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng – Bệnh viện Bạch Mai; Bác sĩ Dinh dưỡng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Ăn cá có thông minh không?

Ăn cá có thông minh không? Câu trả lời là CÓ. Bởi cá được các nhà nghiên cứu khoa học chỉ ra là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng vượt trội và tốt cho sức khỏe hơn so với những loại thực phẩm khác. Không chỉ giàu đạm, các chất béo tốt, vitamin và khoáng chất, trong thịt cá còn chứa axit béo DHA giúp duy trì sức khỏe và tăng cường chức năng của hệ thần kinh và não bộ.

Nhiều nghiên cứu nhấn mạnh, duy trì thói quen ăn cá có thể giúp làm chậm quá trình suy nhược thần kinh, đồng thời kích thích não bộ sản sinh ra chất xám, từ đó nâng cao khả năng ghi nhớ và năng lực phán đoán của não bộ. Bên cạnh đó, chất EPA có trong cá cũng có tác dụng phòng chống các bệnh lý liên quan đến tim mạch (1, 2).

Chính vì vậy, những dân tộc ăn nhiều cá như Nhật Bản và Eskimo thường có xu hướng khỏe mạnh và thông minh hơn mức trung bình. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, cha mẹ nên tăng cường bổ sung khoảng hai bữa có cá vào thực đơn mỗi tuần của trẻ để bảo vệ sức khỏe và tăng cường trí thông minh.

Ăn cá gì cho bé thông minh vượt trội?

1. Những loại cá giàu Omega 3 và DHA

Nếu theo dõi “vai trò của DHA với sự phát triển của trẻ nhỏ”, cha mẹ có thể nắm bắt được tầm quan trọng của chất DHA nói riêng và Omega 3 nói chung đối với cơ thể của trẻ nhỏ. Loại axit béo Omega 3 thường có nhiều trong những loại cá béo và dầu không chỉ giúp tăng cường trí não (3), mà còn hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, đột quỵ và Alzheimer. Những loại cá giàu Omega 3 như cá mòi, cá trích, cá hồi,… chính là chọn lựa hàng đầu cho cha mẹ khi thắc mắc “nên cho ăn cá gì để con thông minh?”.

Bên cạnh những loại cá giàu Omega 3, cha mẹ có thể tham khảo các loại cá nạc giàu protein và ít calo hơn so với cá béo. Một số loại cá thịt nạc dễ mua và chế biến có thể kể đến như cá thu, cá hồi, cá basa, cá bơn,…

ăn cá gì để con thông minh

Cha mẹ nên cho ăn cá gì để con thông minh?

2. Cá nhiều thịt, ít xương

Ngoài việc chú ý lựa chọn cá giàu dinh dưỡng, cha mẹ nên ưu tiên chọn mua cá nhiều thịt, ít xương. Những loại cá này giúp tối giản quá trình sơ chế và chế biến, đồng thời giúp giảm nguy cơ bị hóc xương cá. Dù một số trẻ nhỏ có thể tự nhặt xương nhưng đôi lúc không thể tránh trường hợp bị hóc. Nếu hóc xương nghiêm trọng có thể gây tổn thương thực quản, áp xe cổ, do đó cha mẹ cần đặc biệt chú ý khi chọn và chế biến cá cho trẻ. Nếu sử dụng loại cá có nhiều xương, cha mẹ nên xay nhuyễn cùng rau củ hoặc cháo để hạn chế hóc xương.

3. Cá có hàm lượng thủy ngân thấp

Hàm lượng thủy ngân tích tụ trong cơ thể quá nhiều có thể tăng nguy cơ tổn thương não và hệ thần kinh, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Bởi vậy cha mẹ nên tránh chọn mua các loại cá có nhiều thủy ngân như cá nóc, cá kiếm, cá mập, cá nhám da cam,… Một số loại cá sinh sống tại khu vực nước bị ô nhiễm cũng có thể nhiễm độc thủy ngân hoặc chứa chất độc PCB, do đó cha mẹ cần chú ý chọn cá nuôi đảm bảo nguồn gốc tươi sạch hoặc cá được đánh bắt theo đúng quy trình chuẩn.

Gợi ý mẹ 8 loại cá giàu Omega 3 và DHA cực tốt cho trí não của trẻ

Sau đây là danh sách 8 loại cá giàu Omega 3 và DHA (4) giúp cha mẹ giải đáp thắc mắc “ăn cá gì thông minh”. Cha mẹ lưu ý định lượng và hàm lượng dinh dưỡng của các loại cá sau chỉ mang tính chất tham khảo. Một khẩu phần ăn tương đương với khoảng 85g.

các loại cá giàu Omega 3 và DHA giúp trẻ thông minh

1. Cá thu

Cá thu cũng là một loại cá biển giàu Omega 3, một khẩu phần cá thu có khoảng 0.59g DHA và 0.43g EPA. Bên cạnh axit béo tốt Omega 3, cá thu giàu vitamin B12, selen và một số loại chất khoáng khác.

2. Cá hồi

Cá hồi là một trong những loại cá béo tốt và lành tính. Loại cá này có hàm lượng thủy ngân thấp nhất và đặc biệt giàu DHA giúp tăng cường kích thích trí não, nhất là đối với những trẻ đang trong quá trình phát triển. Tùy vào loại cá nuôi hoặc cá tự nhiên, hàm lượng dinh dưỡng có sự chênh lệch, cụ thể là:

  • 1 khẩu phần ăn cá hồi tự nhiên có 1.22g DHA và 0.35g EPA.
  • 1 khẩu phần ăn cá hồi nuôi có 1.24g DHA và 0.59g EPA.

Ngoài ra, cá hồi còn có hàm lượng cao chất đạm, kali, selen, magie và vitamin B.

ăn cá gì thông minh, cá hồi

Cá hồi là lựa chọn số một trong danh sách “ăn cá gì thông minh”

3. Cá hồi vân

Cá hồi vân là loại cá phổ biến được nhiều người yêu thích và có lợi cho sức khỏe. Một phần ăn cá hồi vân có khoảng 0.44g DHA và 0.40g EPA. Không chỉ giàu Omega 3, cá hồi vân còn giàu đạm, kali và vitamin D.

4. Cá ngừ

Cá ngừ là loại cá biển ít béo và rất giàu protein. Một khẩu phần ăn cá ngừ có thể cung cấp từ 0.73g – 1.28g DHA và EPA. Tuy nhiên, hàm lượng thủy ngân trong cá ngừ tương đối cao, có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ có cơ địa dễ bị dị ứng, hoặc trẻ nhỏ có hệ miễn dịch không tốt.

5. Cá mòi

Cá mòi là loại cá nhỏ thường được sản xuất đóng hộp theo dây chuyền và sử dụng như một món ăn nhẹ hoặc khai vị. Một khẩu phần cá mòi thường chứa 0.74g DHA và 0.45g EPA. Bên cạnh đó, cá mòi giúp cung cấp thêm khoáng chất và vitamin có lợi như selen, vitamin D và vitamin B12.

6. Cá bơn

Cá bơn là loại cá hơi béo dễ chế biến vì không có xương dăm. Một khẩu phần cá bơn chứa khoảng 0.42g EPA và DHA. Cá bơn cũng là nguồn cung cấp tốt các loại vitamin như vitamin B6, vitamin D, Niacin cùng một số loại khoáng chất như kali, selen và phốt pho.

7. Cá chẽm

Cá chẽm là loại cá được người Nhật thường xuyên sử dụng trong thực đơn hằng ngày. Một khẩu phần ăn của cá chẽm chứa khoảng 0.47g DHA và 0.18g EPA. Ngoài ra, cá chẽm còn cung cấp thêm đạm và selen.

8. Cá tuyết

Cá tuyết là loại cá nạc ít béo và giàu đạm. Một khẩu phần ăn cá tuyết cung cấp không nhiều Omega 3 (tối đa 0.2g) nhưng dầu từ gan cá tuyết có khoảng 2.6g trong mỗi 15ml. Ngoài ra, cá tuyết còn giàu vitamin B, selen và phốt pho. Hương vị của cá tuyết nhạt, ít tanh và khá dễ chế biến.

Ngoài những món cá, cha mẹ có thể tham khảo bổ sung thêm những thực phẩm tăng trí thông minh cho trẻ khác như sữa, trứng, thịt, rau xanh, các loại hạt,…. để chế biến được những món ăn an toàn, bổ dưỡng cho trẻ hàng ngày.

Những lưu ý khi cho bé ăn cá để phát triển trí não, trí thông minh

1. Trẻ mấy tháng ăn được cá?

Bác sĩ BS.CKII Đinh Thị Kim Liên cho biết, hầu hết trẻ em nên ăn cá sau khi đã tiếp xúc an toàn được các thức ăn dạng đặc như bột ăn dặm, cháo xay, rau củ nghiền. Độ tuổi này thường rơi vào khoảng 6-9 tháng tuổi tùy theo sự phát triển của trẻ. Cá cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe trong đó có axit béo Omega 3 nhưng cũng là một trong những thực phẩm dễ gây dị ứng hàng đầu.

Bởi vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị cha mẹ nên đưa trẻ đi khám dinh dưỡng và chỉ bắt đầu cho trẻ ăn cá khi bác sĩ đã xác định cá là thực phẩm an toàn dành cho trẻ. Đặc biệt nếu trong gia đình có người bị dị ứng nghiêm trọng với cá, tôm, động vật giáp xác, hoặc trẻ từng xuất hiện triệu chứng bị dị ứng hoặc đang bị bệnh chàm, cha mẹ nên chia sẻ với bác sĩ để xây dựng thực đơn theo chỉ dẫn.

2. Trẻ em nên ăn bao nhiêu cá mỗi ngày?

Ăn nhiều cá giúp tăng cường phát triển não bộ, hệ thần kinh và thị lực của trẻ. FDA Hoa Kỳ khuyến nghị nên ăn ít nhất từ 1-2 bữa cá một tuần. Tuy nhiên đối với các loại cá có nguy cơ nhiễm các loại độc kim loại nặng thì cần ăn giới hạn. Cụ thể, Học viện Nhi Khoa Hoa Kỳ khuyến nghị ở mỗi độ tuổi trẻ nên ăn lượng cá như sau:

Độ tuổi Khẩu phần ăn trung bình một lần Trẻ từ 9 tháng – 1 tuổi 15 Trẻ từ 2 tuổi – 3 tuổi 30 Trẻ từ 4 tuổi – 7 tuổi 60 Trẻ từ 8 tuổi – 10 tuổi 90 Trẻ từ 11 tuổi trở lên 120

3. Lưu ý về cách chế biến cá

Cá là loại thực phẩm tốt cho trí thông minh và sức khỏe, với nhiều acid amin và dưỡng chất cần thiết. Tuy nhiên, để có được món ăn bổ dưỡng từ cá bạn cần ghi nhớ một số lưu ý khi chế biến cá dưới đây.

  • Loại bỏ xương, da và nội tạng cá

Da và nội tạng cá là nơi có xu hướng tập trung nhiều loại độc tố tiềm ẩn. Xương cá có thể gây tổn thương họng, thực quản và dạ dày nếu trẻ không may bị hóc. Do đó, trong quá trình chế biến các món ăn sử dụng cá, cha mẹ nên chủ động loại bỏ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ.

Ăn cá giúp trẻ thông minh hơn

Cha mẹ cần chú ý tìm hiểu và lựa chọn cách chế biến cá an toàn cho trẻ

  • Hạn chế cá chiên rán

Các cách chế biến cá tốt nhất là cá luộc, cá hấp, canh cá hoặc cháo cá, nên tránh cho trẻ ăn món cá rán vì DHA có trong cá bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Đồ ăn nhiều dầu cũng có thể tăng nguy cơ khiến trẻ bị thừa cân, béo phì.

  • Không cho trẻ ăn cá ướp, cá sống, cá nóc, cá bị ô nhiễm

Trẻ nhỏ cần được ăn loại cá tươi, sạch và đã qua nấu chín. Những loại cá sống, cá ướp, cá sống tại môi trường nguồn nước không đảm bảo thường chứa nhiều loại vi khuẩn, ký sinh trùng và nhiều chất độc hại. Ngoài ra, hệ tiêu hóa và sức đề kháng của trẻ còn yếu, rất dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, do đó cha mẹ nên loại bỏ những món ăn như cá sống, cá ướp trong thực đơn của trẻ, đồng thời cần chú ý chọn mua cá tươi sạch tại các địa chỉ uy tín.

Trên đây là giải đáp chi tiết của Nutrihome đối với thắc mắc “ăn cá có thông minh không? Ăn cá gì thông minh?”. Nhìn chung, bổ sung cá vào thực đơn của trẻ là một trong những cách tuyệt vời giúp trẻ hấp thu thêm các dinh dưỡng có lợi cho cơ thể. Hầu hết các loại cá, đặc biệt là cá biển rất giàu dinh dưỡng có thể hỗ trợ kích thích phát triển não bộ và hệ thần kinh của trẻ nhỏ, giúp trẻ thông minh hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một vài loại cá cha mẹ không nên hoặc hạn chế cho trẻ nhỏ ăn để giảm nguy cơ gây ngộ độc.