Cấu thành tội phạm là tổng thể các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự.
1. Các yếu tố cấu thành tội phạm
Xét về bản chất, nội dung chính trị – xã hội và nội dung pháp lý, tội phạm là hiện tượng tiêu cực trong xã hội có tính giai cấp và tính lịch sử, được đặc trưng bởi tính nguy hiểm cho xã hội, tính có lỗi và tính phải chịu hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự. Nếu nghiên cứu về mặt cấu trúc, mỗi tội phạm đều hợp thành bởi bốn yếu tố nhất định, tồn tại không tách rời nhau tạo thành một thể thống nhất nhưng có thể nghiên cứu chúng một cách độc lập với nhau dưới góc độ tư duy, đó là:
Bạn đang xem: Khái niệm, đặc điểm và các yếu tố cấu thành tội phạm
– Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại bằng cách gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội đó. Nếu như không có sự xâm hại đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ thì hành vi đó không thể coi là nguy hiểm cho xã hội và không bị coi là tội phạm.
Xem thêm: Phân tích mặt khách thể của tội phạm trong luật hình sự
– Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm bao gồm hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, thời gian, địa điểm và hoàn cảnh phạm tội. Trong mặt khách quan của tội phạm, dấu hiệu về hành vi nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu bắt buộc luôn phải có trong cấu thành tội phạm của mọi tội.
Xem thêm: Phân tích về mặt khách quan của tội phạm
– Chủ thể của tội phạm là cá nhân hoặc tổ chức thực hiện hành vi phạm tội. Cá nhân là người thực hiện hành vi phạm tội phải có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt một độ tuổi luật định. Đây là hai dấu hiệu bắt buộc đối với chủ thể của tội phạm là cá nhân. Đối với chủ thể là tổ chức thì phải đảm bảo điều kiện là pháp nhân thương mại.
Xem thêm: Phân tích mặt chủ thể của tội phạm trong luật hình sự
Xem thêm : CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ
– Mặt chủ quan của tội phạm là diễn biến tâm lý bên trong của người phạm tội bao gồm lỗi, động cơ và mục đích phạm tội. Trong các dấu hiệu của mặt chủ quan, dấu hiệu lỗi là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của mỗi tội. Một hành vi được thực hiện nếu không có lỗi thì không thể là tội phạm dù nó có gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Xem thêm: Phân tích mặt chủ quan của tội phạm
2. Khái niệm cấu thành tội phạm
2.1. Khái niệm
Cấu thành tội phạm là tổng hợp các dấu hiệu chung có tính đặc trưng cho một loại tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Quá trình xây dựng cấu thành tội phạm chính là quá trình khái quát hóa thực tiễn về biểu hiện của một loại tội phạm và từ đó rút ra được những dấu hiệu chung của một loại tội phạm cụ thể. Mặc dù mỗi tội phạm đều có cấu trúc chung của cấu thành tội phạm gồm 04 yếu tố: khách thể, mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan; nhưng nội dung của cấu thành của mỗi tội phạm cụ thể đều có những dấu hiệu phản ánh bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đó với những nét đặc trưng, điển hình riêng.
Mỗi yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm nhiều dấu hiệu khác nhau. Các dấu hiệu đó là: quan hệ xã hội bị xâm hại, độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự, hành vi khách quan, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn phạm tội, lỗi, động cơ, mục đích phạm tội. Tùy thuộc vào việc dấu hiệu đó bắt buộc phải có mặt trong mọi cấu thành tội phạm hay không mà các dấu hiệu này được chia làm hai nhóm: dấu hiệu bắt buộc và dấu hiệu không bắt buộc.
Các dấu hiệu bắt buộc là những dấu hiệu phải có trong mọi cấu thành tội phạm cụ thể, đó là những dấu hiệu: quan hệ xã hội bị xâm hại (thuộc khách thể của tội phạm), độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự (thuộc chủ thể của tội phạm), hành vi nguy hiểm cho xã hội (thuộc mặt khách quan của tội phạm) và lỗi (thuộc mặt chủ quan của tội phạm).
Các dấu hiệu không bắt buộc là những dấu hiệu không buộc phải có mặt trong mọi cấu thành tội phạm cụ thể. Điều này có nghĩa là trong dấu hiệu đó có thể có mặt trong cấu thành tội phạm cụ thể này nhưng không nhất thiết phải có mặt trong cấu thành tội phạm cụ thể khác. Bao gồm các dấu hiệu: hậu quả, mối quan hệ nhân quả, các dấu hiệu bên ngoài khác (thuộc mặt khách quan của tội phạm); mục đích và động cơ phạm tội (thuộc mặt chủ quan của tội phạm).
Tuy nhiên, nếu một dấu hiệu thuộc nhóm không bắt buộc được quy định trong cấu thành tội phạm của một tội phạm cụ thể thì nó lại là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm đó. Ví dụ: trong cấu thành tội phạm của Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113) ở yếu tố mặt chủ quan có quy định dấu hiệu mục đích chống chính quyền nhân dân, như vậy, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc trong mọi cấu thành tội phạm nhưng đối với cấu thành tội phạm Tội khủng bố (Điều 299) thì đây lại là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tội phạm này.
2.2. Đặc điểm của cấu thành tội phạm
2.2.1. Các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm đều do luật định
Xem thêm : Rắn xuất hiện trong phòng resort khiến dân mạng xôn xao là loài gì?
Chỉ Nhà nước mới có quyền quy định một hành vi nào là tội phạm bằng cách mô tả những dấu hiệu đó và quy định chúng trong Bộ luật Hình sự. Cơ quan giải thích và áp dụng pháp luật chỉ được phép giải thích nội dung những dấu hiệu đã được quy định trong Bộ
luật Hình sự. Việc thêm hoặc bớt bất kỳ một dấu hiệu nào đó của cấu thành tội phạm đều có thể dẫn đến tình trạng định tội sai hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội.
Các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm của một loại tội được quy định trong phần những quy định chung của Bộ luật Hình sự – đây là những dấu hiệu có tính phổ biến, như: tuổi, tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự, lỗi; và chúng được quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự – đây là những dấu hiệu riêng của mỗi tội phạm, như dấu hiệu: hành vi khách quan, hậu quả của tội phạm, quan hệ xã hội bị xâm hại…
2.2.2. Các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm có tính đặc trưng điển hình
Một loại tội phạm chỉ được đặc trưng bởi một cấu thành tội phạm và một cấu thành tội phạm chỉ đặc trưng cho một loại tội phạm, đó là dấu hiệu đặc trưng thể hiện tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội đó. Dấu hiệu đặc trưng của cấu thành tội phạm còn thể hiện ở chỗ, chỉ các dấu hiệu nào nói lên bản chất đặc trưng của loại tội đó để phân biệt tội phạm đó với tội phạm khác mới được ghi nhận trong cấu thành tội phạm.
Một dấu hiệu có thể được phản ánh trong nhiều cấu thành tội phạm nhưng giữa các cấu thành tội phạm khác nhau phải có ít nhất một dấu hiệu khác nhau, đó là dấu hiệu điển hình.
Ví dụ: về cấu thành tội phạm Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172) và Tội trộm cắp tài sản (Điều 173) có rất nhiều dấu hiệu chung giống nhau như: quan hệ xã hội bị xâm hại là quan hệ sở hữu, tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự, hành vi chiếm đoạt tài sản, lỗi cố ý trực tiếp. Nhưng giữa cấu thành hai tội này lại có sự khác nhau về hai dấu hiệu điển hình, đó là hành vi công khai và ngang nhiên trong Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản và hành vi lén lút trong Tội trộm cắp tài sản.
Mỗi dấu hiệu trong cấu thành tội phạm đứng độc lập thì không phản ánh được đầy đủ tính đặc trưng của một tội phạm cụ thể. Tính đặc trưng này chỉ có thể được phản ánh đầy đủ trong nội dung và sự kết hợp với nhau của các dấu hiệu cấu thành tội phạm.
2.2.3. Các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm có tính bắt buộc
Một hành vi chỉ bị coi là tội phạm khi nó thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự. Nếu thiếu hoặc thừa bất kỳ một dấu hiệu nào đó thì có thể không phải là tội phạm hoặc tội phạm khác. Nghĩa là, tất cả dấu hiệu của cấu thành tội phạm đều là điều kiện cần và đủ để định tội danh. Các dấu hiệu của cấu thành tội phạm là các dấu hiệu bắt buộc được quy định ở phần những quy định chung hoặc phần các tội phạm cụ thể của Bộ luật Hình sự. Khi xác định tội phạm, nếu như không chứng minh được một dấu hiệu nào đó trong cấu thành tội phạm thì hành vi đó không cấu thành tội mà cấu thành tội phạm đó phản ánh.
Chú ý: Một số trường hợp trong đồng phạm hoặc phạm tội chưa đạt hay trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội thì hành vi của người phạm tội thiếu đi một hoặc một số dấu hiệu trong một cấu thành tội phạm. Trường hợp này khi định tội phải kết hợp các quy phạm pháp luật phần những quy định chung về đồng phạm, các giai đoạn thực hiện tội phạm. Vì trong những trường hợp này, người phạm tội thực hiện hành vi được quy định trong phần những quy định chung của Bộ luật Hình sự mà không phải là hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm cụ thể. Mỗi quy phạm pháp luật phần các tội phạm cụ thể chỉ phản ánh các dấu hiệu của cấu thành tội phạm đã hoàn thành và đối với trường hợp phạm tội riêng.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp