Mất kinh nguyệt là gì? Nguyên nhân và cách chữa trị hiệu quả

Có thể nói chẳng có bạn nữ nào thích kinh nguyệt vì nó mang đến rất nhiều điều phiền toái, nhưng nếu 1 ngày bạn không còn thấy nó xuất hiện nữa thì chắc chắn sẽ phát hoảng. Ngoài nguyên nhân có thai nên không xuất hiện kinh nguyệt, thì bệnh lý mất kinh nguyệt chính là thủ phạm khiến “bà dì” không đến nữa.

Vậy mất kinh nguyệt là gì? Hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân gây bệnh và chúng ta nên làm gì khi phát hiện tình trạng mất kinh nguyệt .

Mất kinh nguyệt là gì? Có nguy hiểm không?

Mất kinh có nguy hiểm không?

Kinh nguyệt sẽ xuất hiện khi bạn bước vào tuổi dậy thì, cũng đánh dấu cho việc bạn có thể chuẩn bị cho việc trưởng thành và làm mẹ. Kinh nguyệt sẽ chỉ mất đi khi bạn bước vào tuổi mãn kinh, thông thường giai đoạn tiền mãn kinh bắt đầu từ tuổi 40 sau đó kinh nguyệt sẽ biến mất hẳn khoảng 10 – 20 năm sau đó.

Vì vậy nếu bạn vẫn còn trong độ tuổi có kinh mà kinh nguyệt không xuất hiện trong vòng vài tháng hoặc vài năm, thì bạn đã bị bệnh lý mất kinh nguyệt, hay còn gọi là vô kinh.

Mất kinh nguyệt được chia thành 2 dạng

Vô kinh nguyên phát: là tình trạng cơ thể không xuất hiện kinh nguyệt, dù đã bước vào giai đoạn dậy thì và hơn 18 tuổi. Nguyên nhân của tình trạng này là do khiếm khuyết ở bộ phận sinh dục hoặc hormone sản xuất estrogen có vấn đề. Người bị vô kinh nguyên phát còn bị tình trạng ngực không phát triển, không có lông nách hoặc lông vùng kín.

Vô kinh thứ phát: là tình trạng kinh nguyệt đột ngột biến mất trong khoảng vài tháng liên tục sau đó mới xuất hiện lại, có 1 số trường hợp hoàn toàn biến mất hẳn. Cùng với việc mất kinh thì người bị vô kinh thứ phát sẽ bị thay đổi kích thước vú, khô âm đạo hoặc có triệu chứng rậm lông, tăng cân hoặc giảm cân bất thường.

Mất kinh nguyệt vô cùng nguy hiểm vì nó kéo theo hàng loạt những rối loạn các chức năng của vùng dưới đồi, tuyến yên và có thể gây mất khả năng sinh sản. Ngoài ra trong giai đoạn mất kinh bạn sẽ thấy hormon bị rối loạn, từ đó dẫn đến những biến chứng như nổi mụn khắp cơ thể, rụng tóc, cơ thể mệt mỏi, xanh xao thiếu sức sống, tâm trạng dễ cáu gắt và nhan sắc “tuột dốc” không phanh.

Vì thế mới nói “bà dì” đến tuy gây khó chịu trong vài ngày nhưng cũng thật hạnh phúc, bởi lẽ nếu “bà dì” không đến sẽ gây lo lắng suốt vài tháng và kéo theo hàng loạt những rắc rối khó lường.

Những nguyên nhân mất kinh nguyệt ở nữ giới

Xuất hiện những dấu hiệu của bệnh rối loạn kinh nguyệt nhưng không được điều trị đúng cách, từ đó dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như mất kinh nguyệt.

Tác dụng phụ của những loại thuốc tránh thai khẩn cấp, thuốc kháng sinh nồng độ cao làm thay đổi nội tiết tố, ức chế quá trình hành kinh của cơ thể.

Cơ thể thiếu máu nặng do không được ăn uống đầy đủ, sinh hoạt thức khuya dậy sớm không điều độ. Nếu những trẻ em mới bước vào giai đoạn dậy thì nếu không được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng sẽ dễ mất cân bằng nội tiết, làm trễ kinh, mất kinh.

Phụ nữ phải làm việc quá sức nên dẫn đến tình trạng căng thẳng kéo dài, sức khỏe suy yếu trong thời gian dài sẽ dẫn đến suy nhược cơ thể, từ đó dẫn đến tình trạng mất kinh nguyệt.

Sử dụng những biện pháp tránh thai hoặc phá thai không đảm bảo an toàn, từ đó làm tổn thương đến tử cung, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào âm đạo gây nên bệnh phụ khoa, sau đó dẫn đến rối loạn kinh nguyệt và mất kinh nguyệt.

Mắc những bệnh phụ khoa như viêm vùng chậu, thắt cổ tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, u xơ tử cung hoặc nguy hiểm hơn là ung thư cổ tử cung và ung thư nội mạc tử cung.

Ngoài ra còn 1 số nguyên nhân ít gặp nhưng cũng khiến phụ nữ bị mất kinh như nhiễm độc các hóa chất nặng như chì, thủy ngân hoặc nhiễm phóng xạ tia X, radium…

Nên làm gì khi phát hiện tình trạng mất kinh nguyệt

Khi thấy kinh nguyệt không xuất hiện trong khoảng 2-3 tháng liên tục mà nguyên nhân không phải do mang thai hoặc đang trong giai đoạn cho con bú, thì hãy đến bệnh viện để khám phụ khoa.

Tiến hành khám phụ khoa và kiểm tra vùng chậu, cơ quan sinh sản và cổ tử cung để xác định nguyên nhân gây bệnh. Nếu do bệnh phụ khoa thì sẽ áp dụng những phương pháp điều trị giúp chu kỳ kinh ổn định trở lại.

Uống thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khoa học để cân bằng nội tiết tố trong cơ thể, giúp chu kỳ kinh trở nên ổn định hơn. Đặc biệt bạn nên tránh vận động mạnh liên tục trong thời gian dài hoặc căng thẳng, chịu áp lực.

Trúc

Nguồn tham khảo: Tổng hợp