Quy định về tính điểm học phần và xếp loại học lực đại học

Quy định về tính điểm học phần và xếp loại học lực đại học (Hình từ Internet)

1. Cách tính điểm, xếp loại điểm học phần

Điều 9 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT quy định về cách tính điểm, xếp loại điểm học phần như sau:

1.1 Các điểm thành phần trong điểm học phần

– Đối với mỗi học phần, sinh viên được đánh giá qua tối thiểu hai điểm thành phần, đối với các học phần có khối lượng nhỏ hơn 02 tín chỉ có thể chỉ có một điểm đánh giá. Các điểm thành phần được đánh giá theo thang điểm 10.

– Phương pháp đánh giá, hình thức đánh giá và trọng số của mỗi điểm thành phần được quy định trong đề cương chi tiết của mỗi học phần.

– Hình thức đánh giá trực tuyến được áp dụng khi đảm bảo trung thực, công bằng và khách quan như đánh giá trực tiếp, đồng thời đóng góp không quá 50% trọng số điểm học phần.

– Sinh viên vắng mặt trong buổi thi, đánh giá không có lý do chính đáng phải nhận điểm 0. Sinh viên vắng mặt có lý do chính đáng được dự thi, đánh giá ở một đợt khác và được tính điểm lần đầu.

1.2 Cách tính điểm, xếp loại điểm học phần

Điểm học phần được tính từ tổng các điểm thành phần nhân với trọng số tương ứng, được làm tròn tới một chữ số thập phân.

Điểm học phần được xếp loại điểm chữ như sau, trừ các trường hợp tại (4):

(1) Loại đạt có phân mức, áp dụng cho các học phần được tính vào điểm trung bình học tập, bao gồm:

– A: từ 8,5 đến 10,0;

– B: từ 7,0 đến 8,4;

– C: từ 5,5 đến 6,9;

– D: từ 4,0 đến 5,4.

(2) Loại đạt không phân mức, áp dụng cho các học phần chỉ yêu cầu đạt, không tính vào điểm trung bình học tập:

P: từ 5,0 trở lên.

(3) Loại không đạt:

F: dưới 4,0.

(4) Một số trường hợp đặc biệt sử dụng các điểm chữ xếp loại, không được tính vào điểm trung bình học tập:

– I: Điểm chưa hoàn thiện do được phép hoãn thi, kiểm tra;

– X: Điểm chưa hoàn thiện do chưa đủ dữ liệu;

– R: Điểm học phần được miễn học và công nhận tín chỉ.

2. Cách xếp loại học lực đại học

2.1 Tính điểm trung bình các học phần đã học

Theo điểm c khoản 1, khoản 2 Điều 10 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT thì:

– Điểm trung bình của những học phần mà sinh viên đã học trong một học kỳ (điểm trung bình học kỳ), trong một năm học (điểm trung bình năm học) hoặc tính từ đầu khóa học (điểm trung bình tích lũy), tính theo điểm chính thức của học phần và trọng số là số tín chỉ của học phần đó.

– Để tính điểm trung bình, điểm chữ của học phần được quy đổi về điểm số như dưới đây, trừ trường hợp cơ sở đào tạo đang đào tạo theo niên chế và sử dụng thang điểm 10 thì tính các điểm trung bình dựa trên điểm học phần theo thang điểm 10:

+ A quy đổi thành 4;

+ B quy đổi thành 3;

+ C quy đổi thành 2;

+ D quy đổi thành 1;

+ F quy đổi thành 0.

Điểm chữ nhiều mức hơn do cơ sở đào tạo quy định (nếu có) cũng được quy đổi sang điểm số tương ứng theo thang từ 0 tới 4.

* Lưu ý:

– Những điểm chữ không được quy định quy đổi như trên không được tính vào các điểm trung bình học kỳ, năm học hoặc tích lũy.

– Những học phần không nằm trong yêu cầu của chương trình đào tạo không được tính vào các tiêu chí đánh giá kết quả học tập của sinh viên.

(Khoản 3 Điều 10 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT)

2.2 Cách xếp loại học lực đại học

Căn cứ khoản 5 Điều 10 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT, sinh viên được xếp loại học lực theo điểm trung bình học kỳ, điểm trung bình năm học hoặc điểm trung bình tích lũy, cụ thể như sau:

* Theo thang điểm 4:

– Từ 3,6 đến 4,0: Xuất sắc;

– Từ 3,2 đến cận 3,6: Giỏi;

– Từ 2,5 đến cận 3,2: Khá;

– Từ 2,0 đến cận 2,5: Trung bình;

– Từ 1,0 đến cận 2,0: Yếu;

– Dưới 1,0: Kém.

* Theo thang điểm 10:

– Từ 9,0 đến 10,0: Xuất sắc;

– Từ 8,0 đến cận 9,0: Giỏi;

– Từ 7,0 đến cận 8,0: Khá;

– Từ 5,0 đến cận 7,0: Trung bình;

– Từ 4,0 đến cận 5,0: Yếu;

– Dưới 4,0: Kém.

Văn Trọng

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY