Bấm lỗ tai bị chảy nước vàng phải làm sao?

Đi cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội thì nhu cầu làm đẹp của con người cũng ngày càng tăng lên, đặc biệt ở nữ giới. Từ xa xưa, phụ nữ đã xem việc bắn lỗ tai và đeo khuyên tai là một cách để làm đẹp cho bản thân, tôn lên những nét riêng biệt cho chính mình. Tuy nhiên, do việc lạm dụng, sử dụng đồ dùng dụng cụ không vô trùng, đeo những loại khuyên tai kim loại không rõ nguồn gốc hoặc do chăm sóc sau bắn lỗ tai chưa đúng cách mà ngày nay tình trạng viêm, nhiễm trùng sau bắn lỗ tai xảy ra rất nhiều.

Theo thống kê của bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh, có 62 trường hợp viêm sụn vành tai nguyên nhân do bấm lỗ tai trong tổng số 81 ca viêm sụn vành tai cần nhập viện điều trị. Trong số đó có 70% bệnh nhân là nữ và thường ở độ tuổi khoảng từ 16 đến 30 tuổi.

Đa số người bệnh đều rất chủ quan và xem nhẹ tình trạng sưng tai sau bấm lỗ tai cho đến khi thấy vị trí bấm lỗ tai bị chảy nước vàng rồi dần tiến triển thành áp xe vành tai mới đi khám và điều trị. Có không ít trường hợp đã bị hoại tử sụn vành tai do viêm bắt buộc phải tiến hành điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nạo vét vùng sụn hoại tử. Nguy cơ biến dạng vành tai sau phẫu thuật hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi vậy cần nhận biết sớm tình trạng nhiễm trùng sau bắn lỗ tai để có hướng xử trí và điều trị kịp thời.

Tùy theo vị trí bắn lỗ tai, các triệu chứng viêm có thể biểu hiện khác nhau:

1.1. Nhiễm trùng sụn vành tai

Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ thích bắn khuyên tai ở vùng vành tai. Khi bắn ở vị trí đó bắt buộc phải bắn vào sụn nên dễ gây viêm sụn. Ở phần sụn nhĩ thường không có thần kinh và mạch máu nuôi dưỡng nên quá trình lành thương thường mất nhiều thời gian hơn và các biểu hiện nhiễm trùng sau bắn lỗ tai đôi khi cũng phức tạp hơn.

Biểu hiện của nhiễm trùng sụn vành tai:

  • Sưng tai sau bấm lỗ tai có thể kèm theo tấy, nóng, đỏ, đau tại vị trí bắn. Bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao tùy thuộc theo mức độ nhiễm trùng.
  • Tại chỗ bắn lỗ tai bị chảy nước vàng hoặc thậm chí chảy máu. Dịch chảy ra có thể có mùi hôi.
  • Bông tai có thể bị kẹt trong lỗ bắn, bị giữ chắc bởi dịch tiết khô, lúc rút bông ra có cảm giác đau.
  • Nhiễm trùng sụn vành tai có thể tiến triển thành nhiễm trùng mô da bao quanh sụn, nặng thì bị nhiễm trùng toàn thân gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của người bệnh.

1.2. Nhiễm trùng dái tai sau bấm lỗ tai

Bắn lỗ tai và đeo khuyên ở phần dái tai là vị trí phổ biến và truyền thống được thực hiện từ xa xưa đến nay. Vùng dái tai không có sụn và rất nhiều mạch máu nên rất dễ bị chảy nhiều máu khi bắn lỗ tai nếu bạn bắn không đúng kỹ thuật cũng như vị trí bắn. Đa phần, để vết thương sau bắn lỗ tai ở vùng này có thể lành hoàn toàn thường sẽ mất khoảng 6 tuần nếu như bạn chăm sóc vệ sinh tai đúng cách.

Tương tự như nhiễm trùng sụn vành tai, nhiễm trùng tại dái tai cũng có biểu hiện sốt (tùy thể trạng), sưng nóng đỏ đau tại vị trí bắn. Tại vị trí bắn lỗ tai bị chảy nước vàng hoặc chảy máu hoặc cả hai.

Một trong những yếu tố cũng được nhắc nhiều có liên quan đến tình trạng nhiễm trùng sau bắn lỗ tai đó là hiện tượng dị ứng, đặc biệt dị ứng với bông tai nhất là ở người sử dụng bông tai bằng niken.

Biểu hiện của dị ứng: ngứa, nổi ban, khô da vùng tổn thương, có thể có hiện tượng đóng vảy.