Cận 0.25 độ có cần đeo kính không? 3 lưu ý cho mắt cận 0.25 độ

Cận thị là tật khúc xạ rất phổ biến hiện nay, gặp nhiều ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Cận 0.25 độ là độ cận thấp nhất. Tuy nhiên, cận 0.25 độ có nên đeo kính không và cần lưu ý gì với độ cận này?

Cận 0.25 độ có nên đeo kính không?

Thị lực 10/10, 7/10 hay 4/10 là một trong những cách ghi kết quả đo thị lực khi bạn đi khám mắt, cho biết đọc được bao nhiêu hàng trong tổng số 10 hàng trong bảng đo thị lực. Độ cận sẽ tương ứng với từng khoảng thị lực nhất định, cụ thể là:

  • Thị lực 8/10: cận khoảng -0.25 Diop
  • Thị lực 6-7/10: cận khoảng -0.5 Diop đến -0.75 Diop
  • Thị lực 4-5/10: cận khoảng -1 Diop
  • Thị lực 1/10: Độ cận từ khoảng -1.5 Diop đến -2 Diop
  • Thị lực dưới 1/10: Cận trên -2.25 Diop.

Sau đây là ví dụ với bảng đo thị lực Snellen. Người bị cận 0.25 độ sẽ đọc được khoảng 8 dòng đầu tiên, tương ứng với thị lực 8/10.

Với thị lực này, bạn thường sẽ nhìn xa chỉ hơi mờ một chút, không ảnh hưởng nhiều đến quá trình học tập, làm việc. Vì vậy, cận 0.25 độ hoàn toàn không cần đeo kính mà vẫn đảm bảo sinh hoạt bình thường.

Nguyên nhân gây ra cận thị 0.25 độ

Trước tiên, cận thị 0.25 độ bao gồm những nguyên nhân gây ra cận thị nói chung, bao gồm:

  • Cận thị bẩm sinh: là bệnh lý di truyền từ bố mẹ, chiếm tỉ lệ thấp
  • Cận thị mắc phải: nhóm cận thị này rất phổ biến, nguyên nhân do các thói quen sai lầm trong quá trình học tập, sinh hoạt, ví dụ như:

Học tập, làm việc trong điều kiện ánh sáng không đủ

Sử dụng các thiết bị điện tử liên tục trong thời gian dài

Không giữ đúng tư thế khi ngồi học, ngồi làm việc.

Ngoài ra, một nguyên nhân cần chú ý khiến bạn lầm tưởng mình đang cận 0.25 độ chính là cận thị giả.

Dạng cận thị giả này rất dễ nhầm với cận thị thông thường, bởi vì nó gây ra các triệu chứng tương tự như biểu hiện của một người bị cận thị thực sự. Vậy cận thị giả là gì? Nếu bị chẩn đoán nhầm cận 0.25 độ với cận thị giả sẽ gây ra những hậu quả nào?

Cận thị giả là một dạng chuyển thể tạm thời sang trạng thái cận thị, gây rối loạn thị giác thoáng qua. Lúc này, tương tự như cận thị, hình ảnh của vật vẫn hội tụ phía trước võng mạc.

Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ chỉ xuất hiện khi mắt làm việc quá tải, tức là mắt đang phải điều tiết quá mức, gây suy giảm thị lực tạm thời. Tình trạng cận thị giả có thể tự hồi phục hoàn toàn sau khi mắt được thư giãn, nghỉ ngơi.

Nếu chẩn đoán nhầm cận thị thật sự với cận thị giả có thể làm dẫn đến một số ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong tình huống này, bạn có thể sẽ được khuyên đeo kính cận trong khi bản thân không hề bị cận.

Đeo kính trong một vài ngày đầu mắt có thể nhìn rõ hơn, nhưng chỉ sau 1 – 2 tuần, bạn sẽ bị nhức mỏi mắt thường xuyên, kèm đau đầu, chóng mặt và nhìn mờ dần đi.

Khi tình trạng này không được phát hiện, sau một thời gian đeo kính cận có thể dẫn đến cận thị thực sự. Vì vậy, để bảo vệ đôi mắt của bạn, hãy đi khám mắt tại các cơ sở uy tín để được chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng mắt hiện tại.

Nếu một mắt cận 0.25 độ và một mắt cận cao không đeo kính có bị sao không?

Khi một mắt cận nhẹ như 0.25 độ, 0.5 độ và một mắt cận nặng, có thể vẫn nhìn rõ nhờ vào mắt cận nhẹ. Vì vậy, những người gặp phải tình huống này thường không nhận ra mắt kia cận cao độ.

Lâu dần, bên mắt cận nặng hơn ít được sử dụng. Vì vậy, hình ảnh ở bên mắt này sẽ không được não xử lý, khiến thị lực giảm nhanh chóng.

Hậu quả là:

  • Với trẻ em: Có khả năng bị nhược thị Nhược thị là tình trạng mắt bị giảm thị lực do chức năng của mắt ít hoặc không được não sử dụng khi phát triển thị lực. Lúc này mắt không thể đạt thị lực tối đa dù đã được sử dụng kính đúng độ.

Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời (thường dưới 6 tuổi), nhược thị có khả năng được cải thiện, thị lực sẽ tốt dần lên. Tuy nhiên, nếu trên 6 tuổi, khả năng khôi phục thị lực dường như sẽ khó khăn hơn nhiều dù có được luyện tập đúng cách hay phẫu thuật.

  • Với người lớn: ảnh hưởng đến khả năng nhìn hình nổi. Khi đó, mắt sẽ mất khả năng xác định khoảng cách chính xác giữa hai vật.

Cận 0.25 độ có điều trị khỏi được không?

Hiện nay, phẫu thuật mắt cận là phương pháp điều trị cận thị duy nhất có thể xóa cận hoàn toàn. Tuy nhiên, các chuyên gia Nhãn khoa khuyến cáo rằng độ cận thích hợp nhất để mổ thường từ 4 độ đến 10 độ. Vì vậy, để kiểm soát tiến triển của cận thị, bạn có thể áp dụng một số bài tập giúp thư giãn mắt.

Massage mắt bao gồm các bước như sau:

  • Dùng ngón giữa và ngón nhẫn vuốt nhẹ nhàng lên xuống vùng đuôi mắt 5 lần
  • Tiếp theo, sử dụng ngón cái và ngón trỏ bóp nhẹ nhàng từ vùng đầu đến đuôi lông mày 5 lần
  • Cuối cùng, dùng ngón cái xoa, vuốt nhẹ nhàng vùng da dưới mắt trong 5 lần
  • Bạn có thể thực hiện bài tập massage này nhiều lần trong ngày. Quy trình này sẽ giúp mắt bạn được thư giãn, tạo cảm giác dễ chịu.

Luyện tập cơ mắt: Bài tập này giúp thư giãn cơ mắt, tăng tuần hoàn máu đến mắt, giảm khô mắt, từ đó hạn chế tăng độ cận. Các động tác theo thứ tự là:

  • Liếc mắt hết cỡ sang phải trong 10 giây, tiếp theo chuyển sang trái. Mỗi bên 5 lần
  • Nhắm chặt mắt rồi mở to hết cỡ trong 5 lần
  • Liếc mắt hết cỡ lên trên trong 10 giây, tiếp theo liếc xuống dưới. Mỗi hướng 5 lần
  • Liếc mắt hết cỡ sang góc trên bên phải trong 10 giây. Sau đó sang góc dưới bên trái. Mỗi hướng 5 lần. Có thể đổi chiều
  • Đưa ngón trỏ ở trước mắt, cách mũi khoảng 5cm. Tập trung nhìn vào đầu ngón trỏ trong 1 phút, sau đó nhắm mắt lại để nghỉ ngơi.

Với những thông tin trên, giải đáp cho câu hỏi “cận 0.25 độ có nên đeo kính không?” đã được sáng tỏ. Một điều bạn cần lưu ý là cận 0.25 độ tuy nhẹ nhưng hoàn toàn có thể tiến triển thành những độ cận cao hơn. Vì vậy, hãy tái khám định kỳ 6 tháng một lần để bảo vệ toàn diện đôi mắt của bạn.

Với đội ngũ y bác sĩ cùng chuyên viên khúc xạ nhãn khoa giàu kinh nghiệm FSEC tự hào đem đến dịch vụ chăm sóc mắt tốt nhất cho trẻ. Để đặt lịch khám quý phụ huynh vui lòng liên hệ hotline hoặc truy cập trang web FSEC.vn.