Nước ta có thế mạnh về sản xuất cây công nghiệp (CCN) lâu năm do đất đai, khí hậu và hệ sinh thái cây trồng đa dạng. Các CCN lâu năm gồm: cà phê, cao su, chè, điều, tiêu và dừa, rất thích hợp với nhiều vùng, nhiều địa phương. Phát triển CCN lâu năm là một thế mạnh của nông nghiệp nước ta để phục vụ yêu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
1- Khái lược bức tranh toàn cảnh
Bạn đang xem: Phát triển cây công nghiệp lâu năm ở nước ta – Tạp chí Cộng sản
Những kết quả đáng ghi nhận: Trong 22 năm đổi mới, nhất là những năm 1995 – 2007, sản xuất CCN lâu năm đã liên tục phát triển toàn diện, tăng trưởng nhanh cả về mở rộng diện tích và thâm canh tăng năng suất, tăng sản lượng. Năm 2007, diện tích CCN lâu năm cả nước đạt 1.797 nghìn héc-ta, tăng 321 nghìn héc-ta (21,7%) so với năm 2001 và tăng 894 nghìn héc-ta (99,1%) so với năm 1995. Sản lượng hầu hết các CCN lâu năm đều tăng mạnh, nhất là các cây gắn với xuất khẩu như cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu.
Cây cà phê ở Việt Nam có diện tích kinh doanh năm 1995 đạt 114,1 nghìn héc-ta và sản lượng 218 nghìn tấn cà phê nhân khô, năm 2000 có trên 477 nghìn héc-ta và 802 nghìn tấn, đến năm 2007 diện tích gieo trồng lên tới 506 nghìn héc-ta, diện tích cho sản phẩm là 488 nghìn héc-ta và 961,2 nghìn tấn nhân khô, năng suất đạt gần 2 tấn/ha. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về sản lượng sản xuất cà phê vối chỉ sau Bra-xin. Trong những năm qua, ở nước ta đã hình thành vùng sản xuất cà phê tập trung quy mô lớn là Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, trong đó Đắc Lắc là tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất, đồng thời cũng là địa phương có tốc độ tăng trưởng sản lượng cà phê nhanh nhất: năm 2007 đạt trên 350 nghìn tấn, tăng gấp 2,3 lần so với năm 1995 (150 nghìn tấn). Kế đến là Lâm Đồng, khoảng 100 nghìn tấn, Gia Lai 70 nghìn tấn và Đồng Nai 30 nghìn tấn, chủ yếu là cà phê vối.
Hầu hết cà phê được trồng trong các hộ gia đình quy mô vườn 0,5 ha- 1 ha và đang ở độ tuổi sung sức, có năng suất khá cao, tập trung thành các vùng lớn ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Nhiều mô hình sản xuất quy mô trang trại gia đình hình thành và phát triển đang trở thành các đơn vị sản xuất cà phê hàng hóa gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2007, Tây Nguyên có 9.240 trang trại, trong đó có 7.120 trang trại trồng CCN lâu năm, chủ yếu là cà phê. Phong trào đầu tư thâm canh cây cà phê được đẩy mạnh, nên năng suất cà phê nước ta từ 1 tấn thời kỳ đầu năm 1990 tăng lên 1,5 tấn – 2 tấn/ha giai đoạn 2001 – 2007.
Cà phê là CCN gắn với xuất khẩu rất chặt chẽ. Quy mô sản xuất luôn phụ thuộc vào thị trường cà phê thế giới vì trên 95% sản lượng cà phê để phục vụ xuất khẩu. Năm 2007, sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đã lên tới 1.227 nghìn tấn, kim ngạch 1,854 tỉ USD. Chín tháng đầu năm 2008 kim ngạch xuất khẩu đạt 1,619 tỉ USD.
Cây cao su là CCN lâu năm, phải trồng và chăm sóc khoảng từ 6 đến 7 năm mới bắt đầu khai thác mủ. Thời gian khai thác kéo dài 30 năm- 35 năm. Trong những năm qua đã hình thành 2 vùng sản xuất cao su tập trung là Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và đang mở rộng ra các tỉnh khác vùng Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc v.v.. Diện tích cao su năm 1996 trên 280 nghìn héc-ta, trong đó gần 150 nghìn héc-ta đang khai thác mủ. Hai chỉ tiêu tương ứng năm 2000 là 410 nghìn héc-ta và 230 nghìn héc-ta; năm 2007 là 550 nghìn héc-ta và 374 nghìn héc-ta. Tốc độ tăng diện tích cao su trong những năm qua rất nhanh chủ yếu do phát triển cao su tiểu điền.
Cùng với mở rộng diện tích, năng suất cao su (tính theo mủ khô) cũng không ngừng tăng lên, năm 1996 đạt 900kg/ha, trong đó những diện tích cao su ở độ tuổi từ 12 đến 20 năm đạt trên 1.000kg/ha, đưa sản lượng cao su (mủ khô) của cả nước lên 140 nghìn tấn, năm 2000 đạt 291 nghìn tấn, và năm 2007 đạt trên 601 nghìn tấn cao su mủ khô. Sản lượng cao su xuất khẩu năm 2007 là 750 nghìn tấn, kim ngạch đạt trên 1,4 tỉ USD. Chín tháng đầu năm 2008 đạt 459 nghìn tấn, kim ngạch 1,256 tỉ USD.
Cao su có tán che phủ lớn, đạt yêu cầu phủ xanh diện tích đất trống, đồi núi trọc, thu hút nhiều lao động.
Cao su tiểu điền là một trong những mô hình nông, lâm kết hợp phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh quốc phòng và góp phần cải thiện một bước đời sống của hàng chục vạn gia đình nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, miền núi phía Bắc.
Xem thêm : Bôi vitamin C bao lâu thì bôi kem chống nắng để đạt hiệu quả tốt nhất
Cây chè đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Điều kiện khí hậu nước ta rất thích hợp phát triển cây chè, tập trung ở hai vùng trọng điểm miền núi trung du phía Bắc và Tây Nguyên.
Năm 1995, Tổng Công ty Chè Việt Nam (VINATEA) được thành lập, thực hiện hàng loạt giải pháp mới, gắn sản xuất với chế biến, xuất khẩu. Nhờ đó sản xuất chè đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2001, diện tích chè đạt 95,6 nghìn héc-ta, sản lượng đạt 371,5 nghìn tấn, xuất khẩu 58 nghìn tấn, kim ngạch 66,4 triệu USD. Đến năm 2007, diện tích chè lên tới 125,7 nghìn héc-ta, tăng 31,5%, sản lượng chè đạt 709 nghìn tấn, tăng 91%, chè xuất khẩu đạt 115 nghìn tấn, tăng 98% và kim ngạch đạt 131 triệu USD tăng 98% so năm 2001, 9 tháng đầu năm 2008 đạt 81 nghìn tấn, kim ngạch đạt 113 triệu USD.
Cây điều là cây trồng dễ tính, chịu được đất xấu và nắng hạn, thích hợp với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đó là cây trồng xóa đói, giảm nghèo ở những vùng đất xấu nên diện tích gieo trồng có xu hướng tăng dần từ 195 nghìn héc-ta năm 1996 lên 348 nghìn héc-ta năm 2005 và 437 nghìn héc-ta năm 2007. Tuy nhiên, do đầu tư thâm canh kém nên năng suất điều rất thấp và sản lượng chưa ổn định. Sản lượng hạt điều khô năm 1996 đạt 59 nghìn tấn đến 2000 chỉ có 57 nghìn tấn. Những năm gần đây, tuy sản lượng có tăng lên chủ yếu do tăng diện tích trồng. Sản lượng điều năm 2001 là 73 nghìn tấn, 2006 là 240 nghìn tấn và năm 2007 là 302 nghìn tấn.
Hồ tiêu là cây chiếm ít diện tích nhưng đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn nên chỉ thích hợp với những hộ nông dân hoặc trang trại có tiềm lực và kinh nghiệm sản xuất hàng hóa, chủ yếu ở Phú Quốc (Kiên Giang), Đông Nam Bộ và Tây Nguyên… Nếu năm 1995 mới có 5,2 nghìn héc-ta, sản lượng 9,3 nghìn tấn, năm 2000 tăng lên 14,9 nghìn héc-ta, sản lượng 39,2 nghìn tấn thì năm 2007 lên tới 40,9 nghìn héc-ta và 90,3 nghìn tấn. Về xuất khẩu, năm cao nhất (2006) đạt 114,8 nghìn tấn, kim ngạch trên 300 triệu USD, 9 tháng đầu năm 2008 đạt 72 nghìn tấn và 255 triệu USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ 2007. Những năm gần đây, Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về sản lượng hồ tiêu sản xuất và xuất khẩu.
Nguyên nhân của những kết quả trên, trước hết do đường lối đổi mới và hội nhập kinh tế của Đảng, các chính sách của Nhà nước đã phát huy tác dụng tích cực, nhất là đất đai, trang trại, thuế, đầu tư, thị trường xuất khẩu nông sản nói chung, sản phẩm CCN lâu năm nói riêng.
Những hạn chế và bất cập
Phát triển không đều: Cây dừa giảm dần cả diện tích và sản lượng liên tục. Diện tích cho sản phẩm năm 1995 là 143,8 nghìn héc-ta, năm 2000 còn 140 nghìn héc-ta và năm 2007 chỉ còn 118,8 nghìn héc-ta. Sản lượng dừa cũng giảm dần theo xu hướng đó: từ 1.165,3 nghìn tấn xuống 885 nghìn tấn và 1.046,8 nghìn tấn trong 3 năm tương ứng. Diện tích gieo trồng tiêu trong 3 năm 2005 – 2007 có xu hướng giảm dần, từ 50,8 nghìn héc-ta năm 2004 giảm còn 47,9 nghìn héc-ta năm 2007. Sản lượng hồ tiêu xuất khẩu năm 2007 còn 82,9 nghìn tấn, bằng 72,21% so với năm 2006.
Tính bền vững không cao: Trong sản xuất, tình trạng manh mún, tự phát, không theo quy hoạch, đầu tư thấp, chất lượng và độ sạch không cao vẫn là phổ biến. Quy mô vườn cây nhỏ theo hộ gia đình, trang trại nên rất khó khăn áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, bảo vệ thực vật và thu gom sản phẩm theo công nghệ hiện đại. Khuynh hướng khai thác bóc lột vườn cây cà phê, chè như sử dụng phân hóa học quá nhiều, lạm dụng chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu quá liều để có năng suất, sản lượng trước mắt nhưng sau đó vườn cây lại chóng tàn lụi làm cho hiệu quả kinh tế thấp kém.
Tình hình mua, bán, cầm cố, sang nhượng đất vườn cây một cách tự phát, đốt phá rừng trồng cà phê, cao su trở nên phổ biến đã và đang đe dọa sự phát triển bền vững của nhiều vườn CCN lâu năm, ảnh hưởng lớn đến môi trường, nguồn nước tưới, sinh thái.
Sản xuất chưa gắn với chế biến và tiêu thụ. Hầu hết sản phẩm cây công nghiệp lâu năm ở nước ta chưa có các nhà máy chế biến trình độ cao, máy móc hiện đại nên sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô hoặc sơ chế, chất lượng và giá cả kém sức cạnh tranh.
Sản lượng CCN lâu năm sản xuất chưa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nên giá cả chưa ổn định.
Xem thêm : Giải đáp thắc mắc: Có thai uống nước yến được không?
Sản xuất theo lối quảng canh vẫn tồn tại: Trong những năm qua, cây điều phát triển chủ yếu theo phương thức quảng canh nên năng suất vừa thấp, vừa bấp bênh. Các yếu tố đầu vào như giống, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, phân bón đến phương thức thu hoạch… đều chưa có đầu tư thỏa đáng, chủ yếu do nông dân tự lo liệu một cách tự phát.
Cung – cầu mất cân đối: Một số sản phẩm như cà phê, hồ tiêu, vẫn trong tình trạng cung – cầu chưa ổn định, nhiều năm cung lớn hơn cầu. Những năm được mùa, khi rớt giá lại xảy ra tình trạng chặt cà phê chuyển sang cây trồng khác và ngược lại. Cơ cấu sản xuất cà phê còn chưa hợp lý. Giống sản xuất chủ yếu là cà phê vối trong khi thị trường thế giới cần là cà phê chè.
Cung thấp hơn cầu: Sản lượng điều sản xuất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà máy chế biến hạt điều, các nhà máy phải nhập khẩu nguyên liệu mặc dù đất có khả năng trồng điều trong nước còn rất lớn.
Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế trên vẫn là do chưa có quy hoạch và chính sách phát triển các CCN lâu năm một cách hợp lý nhưng chậm bổ sung, sửa đổi; sản xuất không gắn với chế biến, tiêu thụ, đầu tư thấp; trình độ nông dân nhiều vùng chưa theo kịp yêu cầu sản xuất nông sản hàng hóa trong cơ chế thị trường; vai trò của Nhà nước trong việc ổn định sự phát triển còn mờ nhạt; lúc được mùa thì rớt giá, lúc được giá thì không có sản phẩm bán ra do mất mùa… cuối cùng lợi ích người sản xuất chưa được bảo đảm.
2 – Mấy giải pháp chủ yếu
Để phát triển CCN lâu năm theo hướng bền vững, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu là:
– Hoàn thiện quy hoạch sản xuất các loại CCN lâu năm theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ. Quy hoạch sản xuất CCN lâu năm cần gắn với quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, rừng tự nhiên và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước và từng vùng, từng địa phương, theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển bền vững.
– Đổi mới phương pháp đầu tư, chuyển từ đầu tư chiều rộng sang đầu tư chiều sâu, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất, chế biến sản phẩm CCN lâu năm để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí trung gian, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Phát triển và nâng cấp các công trình thủy lợi, tiến tới thực hiện tưới chủ động, khoa học cho toàn bộ diện tích cà phê trong mùa khô ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đối với các cây chè, cao su, tiêu, điều, dừa chuyển mạnh đầu tư trồng mới sang đầu tư thâm canh bằng áp dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ để cải tạo giống, bảo vệ thực vật, chăm sóc, công nghệ sau thu hoạch để bảo đảm tăng năng suất, tăng chất lượng và giá trị sản phẩm.
– Hiện đại hóa công nghệ sau thu hoạch như phơi, sấy, bảo quản, vận chuyển, chế biến sản phẩm CCN lâu năm theo hướng đồng bộ. Tổ chức thu gom nông sản hàng hóa trên cơ sở ký kết hợp đồng đầu tư ứng trước và tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, xuất khẩu nông sản. Nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là điện, đường giao thông ở các vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn, chất lượng cao. Thu hút mạnh các dự án FDI vào sản xuất và chế biến các sản phẩm CCN lâu năm bằng các chính sách và cơ chế hấp dẫn.
– Ổn định đầu ra cho sản phẩm bằng các cơ chế, chính sách thích hợp. Ổn định thị trường đã có và mở rộng các thị trường mới là giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất có tác dụng trực tiếp. Giải pháp cho vấn đề thị trường hiện nay là: cần thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất sản phẩm đủ số lượng, cơ cấu, độ sạch theo yêu cầu thị trường, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh đến áp dụng khoa học – công nghệ vào các khâu sơ chế, chế biến để tăng chất lượng sản phẩm, bảo đảm chữ tín với khách hàng.
– Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, trong đó trọng tâm là bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, luật pháp nhằm tạo bước đột phá trong việc hỗ trợ người sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm CCN lâu năm ở nước ta./.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp