Công dụng chữa bệnh của cây kim vàng

1. Đặc điểm của cây kim vàng

Kim vàng còn có những tên gọi khác như Trâm vàng, Gai kim vàng, Gai kim bóng, Sơn đông… có tên khoa học là Barleria Lupulina Lindl, thuộc họ Ô rô (Acanthaceae)

Đặc điểm cây kim vàng:

  • Là loại cây bụi nhỏ có hoa;
  • Cành nhánh vuông, không có lông;
  • Lá nguyên, đơn, không có lông, dưới cuống lá có gai nhỏ và nhọn, dài khoảng 1 – 3cm;
  • Hoa có màu vàng, tràng hoa có 1 môi và 4 thùy. Cụm hoa mọc ở ngọn cành cây, mỗi cụm chứa 18 – 20 hoa nhỏ nhưng không nở đồng loạt. Thông thường, mỗi ngày hoa kim vàng chỉ nở 2 hoa, sau 7 ngày mới nở hết một cụm hoa.
  • Quả kim vàng thuộc dạng quả nang, hạt dẹt. Khi chín sẽ phát ra tiếng nổ nhẹ và phân tán hạt ra xung quanh cây mẹ;
  • Hạt cây kim vàng dạng dẹp, bao bọc xung quanh bởi lớp vỏ cứng màu đen.

Nguồn gốc của cây kim vàng là từ đảo Mauritius của nước Bồ Đào Nha. Ở Việt Nam, cây kim vàng thường mọc dại, thất hiện rải rác ở một số địa phương, tập trung nhiều ở các tỉnh miền Nam bộ và rất hiếm gặp ở các tỉnh miền Bắc. Công dụng cây kim vàng chủ yếu là làm cảnh, làm hàng rào quanh nhà (vì có nhiều gai nhọn) hoặc làm thuốc chữa bệnh.

Tác dụng của cây kim vàng có được chủ yếu là từ phần lá vì bộ phận này có nhiều dược tính nên ứng dụng làm dược liệu chữa nhiều loại bệnh khác nhau. Lá cây Kim vàng có thể thu hái cả năm. Sau khi người dân hái về sẽ đem rửa sạch rồi để cho ráo nước và hầu hết dùng ở dạng lá tươi. Do đó, lá thu hái nên sử dụng trong ngày hoặc bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh.

Đối với dạng lá khô, người dùng cần rửa sạch lá tươi, sau đó cắt nhỏ và đem phơi nắng hoặc sấy khô. Lá kim vàng phơi khô cần được bảo quản ở nhiệt độ phòng, vị trí thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và tốt nhất là bọc trong bao bì kín để sử dụng được lâu dài.