Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư được pháp luật quy định như thế nào?

Chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư. Vậy thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư được pháp luật quy định như thế nào? Ai có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư? Trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư được pháp luật quy định như thế nào? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

1. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư được quy định như thế nào?

Theo quy định của pháp luật, tuỳ thuộc vào dự án đầu tư mà thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ thuộc về Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại các Điều 30, 31 và 32 Luật Đầu tư năm 2020.

chap thuan chu truong dau tu la gi

2. Hồ sơ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đươc quy định như thế nào?

Hồ sơ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất và hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập.

2.1. Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2020 thì hồ sơ đề nghị bao gồm các tài liệu sau:

a) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;

b) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;

c) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

d) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;

đ) Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

e) Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

g) Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;

h) Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).

2.2. Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2020 thì hồ sơ đề nghị bao gồm các tài liệu sau:

a) Tờ trình chấp thuận chủ trương đầu tư;

b) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án; thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án, điều kiện thu hồi đất đối với dự án thuộc diện thu hồi đất, dự kiến nhu cầu sử dụng đất (nếu có); đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; dự kiến hình thức lựa chọn nhà đầu tư và điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có); cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có).

Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền được sử dụng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư.

investment 3 min

Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm những tài liệu gì?

Theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì tài liệu, giấy tờ giải trình đề xuất hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 33 Luật Đầu tư gồm:

a) Bản sao Danh mục dự án thu hồi đất đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua; giấy tờ chứng minh đất đã được giải phóng mặt bằng (nếu có), tài liệu giải trình khác (nếu có) trong trường hợp đề xuất lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Bản sao Danh mục dự án thu hồi đất đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua; giấy tờ chứng minh đất chưa được giải phóng mặt bằng (nếu có), tài liệu giải trình khác (nếu có) trong trường hợp đề xuất lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất. Trong trường hợp này, đề xuất dự án đầu tư xác định sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư của dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng, không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về xã hội hóa, pháp luật chuyên ngành, tài liệu giải trình căn cứ pháp lý và điều kiện áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu theo quy định của pháp luật về xã hội hóa, pháp luật chuyên ngành;

c) Tài liệu chứng minh dự án không thuộc Danh mục dự án thu hồi đất đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua; bản sao hợp lệ Quyết định giao đất hoặc quyết định cho thuê đất, hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất trong trường hợp đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với nhà đầu tư có quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 29 của Luật Đầu tư;

d) Bản sao hợp lệ văn bản của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền chấp thuận việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư và bản sao hợp lệ các giấy tờ, văn bản khác thỏa thuận sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 29 của Luật Đầu tư.

Đối với dự án đầu tư xây dựng, đề xuất dự án đầu tư gồm:

a) Nội dung quy định tại điểm d khoản 1 hoặc điểm b khoản 2 Điều 33 Luật Đầu tư; thuyết minh việc đáp ứng mục tiêu, định hướng phát triển đô thị, chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở; dự kiến phân chia dự án thành phần (nếu có); sơ bộ phương án phân kỳ đầu tư bảo đảm yêu cầu đồng bộ; sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở và việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; sơ bộ phương án đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị trong và ngoài phạm vi dự án, trong đó đề xuất sơ bộ phần hạ tầng đô thị mà nhà đầu tư giữ lại để đầu tư kinh doanh, phần hạ tầng đô thị mà nhà đầu tư có trách nhiệm bàn giao hoặc đề xuất bàn giao cho địa phương đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.

Đối với dự án khu đô thị, trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền được nộp hoặc sử dụng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư, trong đó đề xuất sơ bộ phần hạ tầng đô thị mà nhà đầu tư giữ lại để đầu tư kinh doanh, phần hạ tầng đô thị mà nhà đầu tư có trách nhiệm bàn giao hoặc đề xuất bàn giao cho địa phương;

b) Nội dung quy định tại điểm d khoản 1 hoặc điểm b khoản 2 Điều 33 Luật Đầu tư, dự kiến phân chia dự án thành phần (nếu có) đối với các dự án đầu tư xây dựng không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

3. Trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư được pháp luật quy định như thế nào?

3.1. Trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội

Trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội được quy định tại Điều 34 Luật Đầu tư năm 2020 và Điều 19 Nghị định 29/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Bước 1: Nhà đầu tư nộp 20 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm các tài liệu được liệt kê tại mục 2.1 và 2.2 của bài viết này đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Bước 2: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước theo quy định tại Điều 4 Nghị định 29/2021/NĐ-CP;

Bước 3: Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định chủ trương đầu tư dự án trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập. Trường hợp thuê tư vấn thẩm tra thì thời gian thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước tính từ ngày ký hợp đồng tư vấn thẩm tra;

Bước 4: Chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chính phủ lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội.

3.2. Trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ

Trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Điều 35 Luật Đầu tư năm 2020 và Điều 32 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Bước 1: Nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP nộp 08 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm các tài liệu được liệt kê tại mục 2.1 và 2.2 của bài viết này đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của các bộ, cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến thực hiện dự án về nội dung dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó theo quy định tại khoản 6 hoặc khoản 8 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP;

Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bước 4: Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định hồ sơ và lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung quy định tại khoản 6 hoặc khoản 8 Điều 31 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Bước 5: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

3.3. Trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

Trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được quy định tại Điều 36 Luật Đầu tư năm 2020 và Điều 33 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Bước 1: Nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nộp 04 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm các tài liệu được liệt kê tại mục 2.1 và 2.2 của bài viết này đến cơ quan đăng ký đầu tư.

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại điểm a khoản này, cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của các sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi dự kiến thực hiện dự án và các cơ quan có liên quan về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó theo quy định tại khoản 6 hoặc khoản 8 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP;

Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan đăng ký đầu tư, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi cơ quan đăng ký đầu tư;

Bước 4: Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại điểm a khoản này, cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung thẩm định theo quy định tại khoản 6 hoặc khoản 8 Điều 31 Nghị định này, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Bước 5: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án gồm những nội dung quy định tại khoản 7 Điều 32 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Một số giải đáp của NPLaw về những thắc mắc thường gặp về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

4.1. Thời gian thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ là bao lâu?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Đầu tư năm 2020 thì thời gian thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ được quy định như sau:

Điều 58. Hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ

2. Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định bằng văn bản về những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý.

4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định và lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo thẩm định gồm các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 57 của Luật này.

5. Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài theo nội dung quy định tại khoản 8 Điều 57 của Luật này.

4.2. Dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì có phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 120 Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì trường hợp dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại các Điều 30 và 31 của Luật Đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) mà không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định này.

thu tuong chap thuan chu truong dau tu min

4.3. Dự án thuộc Danh mục dự án khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được UBND tỉnh phê duyệt có phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư không?

Trường hợp dự án thuộc danh mục dự án khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được UBND tỉnh phê duyệt nhưng thuộc trường hợp phải được chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại các Điều 30, 31 và 32 Luật Đầu tư năm 2020 thì phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

( Mục 15 Công văn 2541/CV-TCT ngày 18 tháng 4 năm 2022 hướng dẫn một số nội dung về triển khai, thực hiện dự án đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật).

5. Dịch vụ làm thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư uy tín.

Thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư là một thủ tục hành chính khá phức tạp. Vì thế khi thực hiện thủ tục này không ít những nhà đầu tư còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xin chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiểu được vấn đề đó, NPLaw là một tổ chức được thành lập theo đúng quy định của pháp luật chuyên cung cấp các dịch vụ pháp lý một cách toàn diện.

Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên có nhiều năm kinh nghiệm trong việc xin chấp thuận chủ trương đầu tư, NPLaw tự tin là nơi cung cấp dịch vụ xin chấp thuận chủ trương đầu tư một cách nhanh chóng với chi phí cạnh tranh trên thị trường.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Hãng luật NPLaw về hồ sơ, trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Nếu quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề trên hãy liên hệ ngay đến Hãng luật NPLaw để được các Luật sư, chuyên viên giải đáp một cách toàn diện nhất. Cảm ơn quý khách hàng đã tin tưởng và sử dụng dịch vụ tại NPLaw. Trân trọng./.

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw

Trụ sở chính: 139H4 Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Chi nhánh Hà Nội: Tầng 10, Tòa nhà Ford Thăng Long, 105 Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội.

Chi nhánh Nha Trang: Số 3M, tầng trệt chung cư CT2, khu đô thị VCN Phước Hải, đường Tố Hữu, phường Phước Hải, TP. Nha Trang, Khánh Hòa.

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn