Phân biệt chảy máu tĩnh mạch và động mạch

2.1 Chảy máu tĩnh mạch

Công việc của các tĩnh mạch là đưa máu đã khử oxy trở lại tim. Huyết áp trong tĩnh mạch thấp hơn huyết áp trong động mạch, do đó, một chấn thương ở tĩnh mạch có thể khiến máu chảy ra chậm, rỉ rả. Tuy nhiên, vết thương ở các tĩnh mạch lớn có thể khiến máu chảy nhiều, ồ ạt giống như chảy máu ở động mạch.

Lúc này, ta có thể dựa vào máu chảy ra để xác định chính xác là loại mạch máu nào bị tổn thương. Vì máu tĩnh mạch là máu không còn oxy, hay đã khử oxy nên màu máu tĩnh mạch có màu đỏ sẫm hoặc hơi xanh.

2.2 Chảy máu động mạch

Chức năng của động mạch là mang máu có oxy từ tim và đến cơ quan nội tạng trong cơ thể. Sau đó, oxy sẽ được các cơ quan hấp thụ và các tĩnh mạch mang máu thiếu oxy trở về tim.

Do huyết áp bên trong động mạch có xu hướng cao hơn nhiều so với huyết áp trong tĩnh mạch, nên một vết thương ở động mạch lớn có thể dẫn đến một số hiện tượng chảy máu khá rõ ràng và nghiêm trọng, gây mất lượng máu lớn trong thời gian ngắn. Biểu hiện của dạng chảy máu động mạch là sự chảy máu ồ ạt, liên tục, máu phun mạnh và chảy thành tia. Bởi vì được cung cấp nhiều oxy, máu động mạch được cho là có màu đỏ tươi. Tuy nhiên, cách tốt nhất để xác định chảy máu là thông qua vị trí vết thương và áp lực của vết thương, vì màu sắc của máu đôi khi có thể khó phân biệt.

So với chảy máu tĩnh mạch, chảy máu động mạch khó kiểm soát hơn. Lực đập của mỗi nhịp tim làm gián đoạn quá trình đông máu, có thể dẫn đến mất nhiều máu hơn.

2.3 Chảy máu mao mạch

Các mao mạch nhỏ là những mạch máu nhỏ nhất trong cơ thể và có đường kính chỉ từ 5 – 10 μm. Chúng tồn tại gần bề mặt da, cũng như các cơ quan bên trong như mắt và phổi. Chảy máu mao mạch là loại chảy máu phổ biến nhất.

Khi bị tổn thương, máu mao mạch rỉ ra hoặc nhỏ giọt ra khỏi cơ thể. Khi mới bị thương, ban đầu có thể thấy máu chảy rất nhanh, nhưng sau đó sẽ nhanh chóng chậm lại thành nhỏ giọt và thông thường có thể dễ kiểm soát. Hầu hết chảy máu mao mạch sẽ đơn giản tự ngừng.