Theo Hiến pháp năm 1947, Nhật Bản theo thể chế quân chủ lập hiến, trong đó, Nhà Vua là Nguyên thủ tượng trưng về mặt đối ngoại. Nhà nước được tổ chức theo chế độ tam quyền phân lập. Trong đó, Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao, là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như thông qua ngân sách quốc gia hàng năm, phê chuẩn các điều ước quốc tế, kiến nghị sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội Nhật Bản gồm 2 viện Hạ viện và Thượng viện, trong đó Hạ viện đại diện cho ý kiến và nguyện vọng của nhân dân còn Thượng viện giám sát quyền lực và sự phán quyết của Hạ viện. Nghị sỹ của cả 2 viện đều do dân bầu ra. Nhiệm kỳ hạ nghị sỹ là 4 năm. Nhưng nhiệm kỳ sẽ chấm dứt trước thời hạn nếu Hạ viện bị giải tán. Nhiệm kỳ của thượng nghị sĩ là 6 năm, cứ 3 năm lại bầu lại một nửa. Hiến pháp cũng quy định, không ai được kiêm nhiệm chức vụ đại biểu ở cả hai viện.
HỆ THỐNG BẦU CỬ
Tại Nhật Bản, công dân từ đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và không có sự phân biệt về giới tính, chủng tộc, địa vị xã hội, giàu nghèo. Việc điều chỉnh hạ độ tuổi bầu cử tại Nhật Bản từ 20 xuống 18 chính thức có hiệu lực từ năm 2016 – được đánh giá là sự cải cách luật bầu cử lớn nhất tại quốc gia Đông Bắc Á này trong vòng 70 năm qua. Ước tính có khoảng 2,4 triệu thanh niên được trao quyền bầu cử theo điều luật mới này. Quyết định hạ độ tuổi tham gia bầu cử được cơ quan lập pháp thông qua trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số nghiêm trọng. Hiện, gần 1/4 trong tổng số 127 triệu dân nước này ở độ tuổi trên 65 và đây là hệ quả của việc tỷ lệ sinh tại nước này luôn ở mức thấp trong mấy chục năm qua. Lần gần đây nhất Nhật Bản thay đổi độ tuổi bầu cử là vào năm 1945, theo đó hạ độ tuổi tham gia bỏ phiếu từ 25 xuống 20 tuổi.
Cử tri Nhật Bản: “Tôi cảm thấy rất vui khi quốc hội quyết định sửa đổi Luật bầu cử, cho phép hạ độ tuổi bầu từ 20 xuống 18. Đây là một sự thay đổi tích cực cho phép các cử tri có thể nói lên tiếng nói của mình và bày tỏ sự quan tâm trước các vấn đề của đất nước”
Tương tự như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Nhật Bản quy định và đảm bảo các nguyên tắc bầu cử tiến bộ đó là PHỔ THÔNG, BÌNH ĐẲNG và BỎ PHIẾU KÍN. Theo đó, Phổ thông có nghĩa là: bầu cử là quyền của mọi cử tri Nhật Bản. Bình đẳng là mỗi người đều có quyền bỏ một lá phiếu có giá trị ngang nhau, không có sự chênh lệch về giá trị lá phiếu, không phân biệt giới tính, sự giàu có hay trình độ giáo dục. Bỏ phiếu kín có nghĩa là, nội dung của lá phiếu được đảm bảo bí mật, không ai biết, không ghi danh để người dân tự do lựa chọn theo ý chí của mình. Người Nhật ở nước ngoài có thể bỏ phiếu qua đường bưu điện, nếu về nước, thì bỏ phiếu trực tiếp.
Tại Nhật Bản có 3 loại bầu cử.
Đầu tiên là bầu cử Hạ viện, được tổ chức 4 năm một lần (trừ trường hợp hạ viện bị giải tán sớm hơn). Công dân Nhật Bản từ 25 tuổi trở lên đều có thể ra tranh cử tại Hạ viện. Hiện Hạ viện Nhật Bản có 465 thành viên, được bầu với nhiệm kì 4 năm, trong đó 289 nghị sĩ được bầu trực tiếp và 176 nghị sĩ được bầu thông qua một hệ thống tỷ lệ đại diện tại 11 đơn vị bầu cử.
Do vậy, mỗi cử tri Nhật Bản sẽ bỏ 2 lá phiếu, một phiếu cho các ứng cử viên ở địa phương và một phiếu cho đảng chính trị mà mình chọn. Các ứng cử viên ở địa phương được chọn ra theo đa số, và các ghế của đảng được quyết định dựa theo kết quả tỷ lệ phiếu mà Đảng giành được trong cuộc bầu cử. Thông thường, các đảng cũng đưa các ứng cử viên của đảng vào trong danh sách bầu cử theo hình thức đa số một đại diện ở đơn vị bầu cử. Nếu ứng cử viên được bầu theo hình thức đa số một đại diện ở đơn vị bầu cử không thành công thì có thể được bầu theo danh sách tỷ lệ đảng.
Tiếp đến là bầu cử Thượng viện, được tổ chức 3 năm một lần để chọn ra một nửa số thành viên của Thượng viện. Công dân Nhật Bản từ 25 tuổi trở lên có quyền ra tranh cử tại Thượng viện. Thượng viện Nhật Bản hiện có có 242 thành viên, với nhiệm kỳ 6 năm, trong đó có 146 nghị sĩ được bầu theo khu vực bầu cử một hoặc nhiều đại diện cho các địa phương bởi phiếu bầu không thể chuyển nhượng và 96 người được bầu theo hệ thống đại diện tỷ lệ ở cấp độ quốc gia. Cứ 3 năm một lần, Thượng viện tổ chức bầu cử và bầu ra lại một nửa thượng nghị sĩ.
Loại bầu cử thứ ba là bầu cử ở địa phương được tổ chức 4 năm một lần tại các quận, thành phố và huyện, xã.
QUY TRÌNH LẬP PHÁP
Chuẩn bị các dự án luật
Xem thêm : Review lặn biển Nha Trang: địa điểm, giá vé, kinh nghiệm A-Z
Chuẩn bị các dự án luật là một trong những công đoạn quan trọng nhất trong quy trình lập pháp, được tiến hành công phu, tỉ mỉ và nghiêm túc. Ở Nhật bản, việc chuẩn bị các dự án luật do các Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ đệ trình được thực hiện dưới sự trợ giúp của Ban Công tác lập pháp trực thuộc mỗi Viện. Các dự án luật do Chính phủ đệ trình được tư vấn, trợ giúp và thẩm định của Ban Công tác lập pháp trực thuộc Văn phòng Chính phủ. Thông qua hoạt động trợ giúp của Ban công tác lập pháp, các dự án luật trình ra Quốc hội được đảm bảo về chất lượng soạn thảo cũng như yêu cầu về nội dung điều chỉnh của dự luật.
Xây dựng pháp luật
Sau khi được chuẩn bị và thẩm định kỹ lưỡng, dự án luật sẽ được đưa ra trình lên Quốc hội theo thủ tục chặt chẽ gồm 3 bước: GIỚI THIỆU DỰ ÁN LUẬT, XEM XÉT DỰ ÁN LUẬT Ở ỦY BAN, XEM XÉT DỰ ÁN LUẬT TRONG PHIÊN HỌP TOÀN THỂ.
Bước thứ 2 tại Ủy ban, trong quá trình xem xét dự án luật, Ủy ban có thẩm quyền khá lớn. Ủy ban có thể xem xét dự án luật hoặc không đưa dự án luật vào chương trình làm việc của ủy ban. Ủy ban cũng có thể bác bỏ dự án luật nếu thấy không có nội dung quan trọng cần phải trình ra phiên họp toàn thể của Nghị viện
Tại bước thứ 3, khi dự án luật đã được một ủy ban thẩm tra kỹ lưỡng sẽ được trình ra phiên họp toàn thể dưới dạng một bản báo cáo thẩm tra. Bản báo cáo này phải có đầy đủ các phần: phần 1 là báo cáo phản biện của ủy ban đối với dự án luật và phần hai là báo cáo kết quả thẩm tra. Sau khi nghe báo cáo thẩm tra, các nghị sỹ có quyền đưa ra những câu hỏi liên quan đến dự án luật và các ý kiến tranh luận về vấn đề trong dự thảo luật.
Kết thúc thảo luận, Quốc hội thông qua dự án luật dưới hình thức bỏ phiếu. Nếu số phiếu quá bán, dự án luật được thông qua.Dự án luật được Ban Thư ký của Chính phủ trình để Nhật Hoàng ký, sau đó được chuyển đến Cục Xuất bản Quốc gia để đăng công báo và Luật có hiệu lực thi hành.
Một điểm cần chú ý đó là quy trình làm luật 3 bước của Quốc hội không có sự khác nhau về thủ tục trình dự án luật đối với những dự án luật do Chính phủ soạn thảo và trình lên Quốc hội với những dự án luật do đại biểu Quốc hội trình.
TÒA NHÀ QUỐC HỘI NHẬT BẢN
Tòa nhà Quốc hội là một trong những công trình quan trọng và tiêu biểu nhất tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Cấu trúc tòa nhà được đưa chia làm 3 phần, cánh trái là Hạ viện, cánh phải là Thượng viện, Tháp trung tâm Central Tower nằm ở chính giữa tòa nhà. Tháp trung tâm gồm lối vào trung tâm, sảnh trung tâm, phòng dành cho các bộ trưởng, phòng nghỉ dành cho Nhật hoàng, phòng dành cho thành viên của gia đình hoàng gia và nhiều phòng khác.
Tòa nhà Quốc hội Nhật Bản được xây dựng trong vòng 17 năm, bắt đầu khởi công từ tháng 1/1920 và hoàn thành vào tháng 11/1936. Tổng kinh phi xây dựng vào thời điểm đó là khoảng 25,7 triệu yen. Trong khi mức lương trung bình hàng tháng của người lao động Nhật Bản lúc bấy giờ chỉ khoảng 40 yen, thì chi phí này thực sự là một khoảng tiền khổng lồ dành để xây dựng một công trình, sử dụng các công nghệ hiện đại và vật liệu tốt nhất, trong đó phải kể đến hơn 40 loại đá quý hiếm được lựa chọn kỹ lưỡng từ khắp nơi ở Nhật Bản. Do đó, tòa nhà Quốc hội Nhật Bản còn được gọi bằng một cái tên thân thuộc là Bảo tàng Đá (Museum of Stones) nhằm truyền tải thông điệp về sự vững chãi đồng thời khẳng định đây là công trình có thể trường tồn mãi với thời gian.
Tòa nhà có tổng diện tích 13.365 mét vuông, với chiều dài 206 mét, rộng 89 mét và tòa tháp trung tâm cao 65 mét. Khi hoàn thành, tòa nhà quốc hội đã trở thành tòa nhà cao nhất tại Nhật Bản lúc bấy giờ. Một trong những khu vực quan trọng tại tòa nhà Quốc hội Nhật Bản là phòng họp toàn thể. Thoạt nhìn, nhiều người nghĩ rằng, phòng họp này có diện tích khá nhỏ, nhưng trên thực tế phòng họp có diện tích lên tới 744 mét vuông. Đây là nơi các nghị sĩ thảo luận và đưa ra các quyết sách quan trọng.
Chiếc ghế lớn nằm ở vị trí trung tâm này là vị trí của Chủ tịch Hạ viện, phía bên trái là ghế ngồi dành cho Tổng thư ký Văn phòng thư ký Hạ viện. Ở hai bên cánh trái và phải lần lượt là khu vực ghế ngồi dành cho Thủ tướng và các thành viên nội các. Phía trước ghế ngồi của Chủ tịch Hạ viện là bục phát biểu nơi các nghị sỹ và thành viên chính phủ đưa ra các bài thuyết trình. Được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong phòng họp, nằm ở bên trên ghế ngồi của chủ tịch Hạ viện là khu vực ghế ngồi dành cho Nhật hoàng và Hoàng hậu, theo dõi các phiên họp toàn thể. Ở phía góc trái và phải lần lượt là những ghế ngồi dành cho các thành viên của gia đình hoàng gia và các vị quốc khách quan trọng.
Xem thêm : Luật xử lý vi phạm giao thông đường bộ là gì? Hình thức xử lý như thế nào?
Phía bên dưới là khu vực ghế ngồi dành cho các nghị sỹ. Nếu không phải là thành viên của Hạ viện thì không thể tiếp cận khu vực ghế ngồi này, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như thư ký hoặc nhân viên thông tin. Một điểm đặc biệt là, bàn và ghế của các nghị sỹ đều được làm bằng gỗ anh đào. Trên mỗi mặt bàn đều có một bảng tên màu đen, ghi họ tên đầy đủ của từng nghị sỹ với mực màu trắng. Qua mỗi kỳ bầu cử khi thành viên Hạ viện có sự thay đổi, những bảng tên này cũng được làm mới. Tuy nhiên, những bảng tên đã qua sử dụng đều được giữ lại và trưng bày tại Bảo tàng Quốc hội, nơi khách tham quan có thể ghé thăm và tìm hiểu.
Nếu phần phía dưới là nơi các nghị sĩ nhóm họp và thảo luận, thì tầng 2 là khu vực ghế ngồi dành cho các thành viên của Thượng viện, thành viên các Bộ và các nhà ngoại giao. Khi ngồi vào những chiếc ghế này, bạn có thể sẽ cảm thấy hơi nhỏ. Nguyên nhân là do, chiếc ghế này được thiết kế phù hợp với vóc dáng của nam giới Nhật Bản vào đầu những năm 20 với chiều cao trung bình 1,62 mét, trong khi chiều cao trung bình hiện nay của nam giới nước này đã lên tới 1,70 mét.
Ngoài phần ghế ngồi, tầng 2 còn có một hành lang riêng dành cho các phóng viên ảnh và truyền hình tác nghiệp. Tại các vị trí tác nghiệp, chân gắn máy ảnh, máy quay và hệ thống dây dẫn được lắp đặt sẵn và mỗi cơ quan báo chí đều được bố trí một vị trí cố định.
Một điểm khá đặc biệt nữa là tất cả các cuộc họp của Hạ viện Nhật Bản đều mở cửa tự do cho người dân vào nghe trực tiếp. Khu vực khán đài dành cho người dân được bố trí ngay phía sau hành lang dành cho báo chí.
THƯ VIỆN QUỐC HỘI NHẬT BẢN
Cùng suy ngẫm về quá khứ, và hướng tới tương lai (read the past, see the future) – Đây chính câu khẩu hiệu nổi tiếng của Thư viện Quốc hội Nhật Bản. Với tuổi đời hơn 70 năm, Thư viện Quốc hội Nhật Bản không chỉ là nơi lưu trữ những tư liệu quan trọng, cung cấp và cập nhật những thông tin mới nhất liên quan đến quá trình luật pháp mà còn đóng vai trò như một thư viện quốc gia nơi người dân có thể ghé thăm và tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu.
Thư viện Quốc hội Nhật Bản được chính thức thành lập vào tháng 2/1948, khi Quốc hội Nhật Bản ban hành Luật Thư viện Quốc hội. Trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của thư viện. Theo đó, Thư viện Quốc hội Nhật Bản có 3 nhiệm vụ chính đó là: hỗ trợ Quốc hội trong việc cung cấp các dịch vụ tìm kiếm và tra cứu, Thu thập và bảo quản tài liệu, Cung cấp cho công chúng quyền tiếp cận các nguồn thông tin.
Theo quy định của hệ thống lưu chiểu Nhật Bản, các cơ quan phát hành đều phải nộp bản lưu của mỗi ấn phẩm xuất bản cho Thư viện quốc hội. Do đó, Thư viện Quốc hội Nhật Bản chính là một kho tàng thông tin khổng lồ. Vào những năm đầu thành lập, Thư viện chỉ tập trung vào nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ thư viện cho khách tham quan. Sau này, các nhánh nhỏ của Thư viện dần được thành lập tại các cơ quan thuộc chính phủ và cơ quan tư pháp.
Cách đây hơn 70 năm, Thư viện chỉ nhận được khoảng 209 yêu cầu tra cứu mỗi năm từ Quốc hội. Hiện nay, con số này đã lên tới gần 40.000 – tức là cao gấp 200 lần. Tổng số lượng các ấn phẩm bao gồm sách, tạp chí và các tài liệu khác tại Thư viện Quốc hội Nhật Bản hiện đã lên tới 42,7 triệu ấn phẩm – cao gấp gần 50 lần so với khi Thư viện mới thành lập.
Ngoài ra, Thư viện Quốc hội Nhật Bản còn được chia thành 3 cơ sở khác nhau, phụ trách từng lĩnh vực riêng biệt đó là: Thư viện chính Tokyo, Thư viện Kansai-kan và Thư viện quốc tế về văn học thiếu nhi. Thư viện Quốc hội cũng hoàn toàn độc lập so với Ban thư ký của Quốc hội. Khi Thư viện mới đi vào hoạt động, số lượng khách tham quan còn khá hạn chế, chỉ vào khoảng 350 người mỗi ngày. Nhưng hiện nay, con số này đã lên tới 2.700 người. Ngoài 3 cơ sở chính, Thư viện Quốc hội Nhật Bản hiện đang điều hành 27 chi nhánh khác đặt tại các Bộ, cơ quan thuộc chính phủ và Tòa án tối cao. Không chỉ dừng lại ở các hoạt động trong nước, Thư viện Quốc hội Nhật Bản còn tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế quan trọng với nhiều thư viện nước ngoài. Cùng với sự phát triển của công nghệ, Thư viện Quốc hội Nhật Bản cũng nhanh chóng tiến hành số hóa các ấn phẩm, nhằm giúp độc giả có thể tra cứu thông tin dễ dàng và nhanh chóng hơn thông qua Hệ thống lưu trữ kỹ thuật số của thư viện.
Bên cạnh đó, Thư viện còn thiết lập một trang tra cứu thông tin trực tuyến, cho phép bạn đọc tiếp cận và tìm kiếm các tài liệu mà không cần phải có mặt tại thư viện. Hiện Thư viện Quốc hội Nhật Bản vẫn đang nỗ lực phát triển và nâng cấp hệ thống, nhằm giúp hàng triệu độc giả từ khắp nơi trên thế giới có thể truy cập vào kho thông tin khổng lồ này, mọi lúc mọi nơi.
Tại Nhật Bản, nghị sĩ không được đồng thời là nghị sĩ của cả hai viện, không được kiêm nhiệm vị trí công chức ở cả trung ương và địa phương, trừ các vị trí Thủ tướng, Bộ trưởng, Phó Tổng thư ký Nội các, Trợ lý Thủ tướng, Thứ trưởng thường trực, Thứ trưởng và các vị trí khác được pháp luật quy định. Các cấp lãnh đạo của Quốc hội không được đồng thời là công chức nội các và công chức chính quyền địa phương, trừ một số trường hợp pháp luật cho phép. Bên cạnh đó, những nghị sĩ vốn đang là công chức nội các hoặc công chức chính quyền địa phương khi được bầu vào các vị trí lãnh đạo của Quốc hội coi như được miễn khỏi vị trí kiêm nhiệm.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp