TĐKT – Trong những ngày tháng 4 lịch sử, đâu đâu trên cả nước cũng thấy sự trang hoàng, lộng lẫy của cờ hoa rợp trời, của không khí vui tươi ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sức sống trường tồn của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, của sự hội tụ và tỏa sáng bản lĩnh, ý chí và sức mạnh con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã phát huy cao độ sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đến thắng lợi cuối cùng, thực hiện trọn vẹn lời căn dặn thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu: “Vì độc lập, tự do, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào, Bắc – Nam sum họp, xuân nào vui hơn”.
Nhân dân chào đón quân giải phóng tiến vào Sài Gòn
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, của đường lối kháng chiến, của sức mạnh chiến tranh nhân dân.
Đó là hồi kết đầy chất anh hùng ca của câu chuyện tựa như huyền thoại trong thế kỷ XX: Một dân tộc nhược tiểu, bé nhỏ, đất không rộng, người không đông, nghèo nàn, lạc hậu với vũ khí hết sức thô sơ, tự tạo, dám chống lại tên đế quốc hùng bạo có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh bậc nhất thế giới lúc bấy giờ; chỉ trong 50 ngày đêm, dân tộc ta đã vụt dậy như Phù Đổng bước đi thần tốc, táo bạo, chắc thắng, đập tan bộ máy chiến tranh khổng lồ gồm hơn một triệu quân Nguỵ cùng bộ máy Nguỵ quyền tàn bạo và chế độ thực dân mới đã được Mỹ dốc sức xây dựng suốt 5 đời tổng thống, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước ta, kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Câu hỏi đặt ra là, cái gì làm nên chiến thắng đó, câu trả lời ở đây là sức mạnh của chiến tranh nhân dân, cả nước thành một mặt trận, mỗi người dân là một dũng sĩ, mỗi làng, xóm, thôn, bản là một pháo đài bất khả xâm phạm. Thế trận thiên la địa võng đã được bố trí, sử dụng và phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi nào, chỗ nào cũng là thế trận của quân và dân ta, tạo thành những gọng kìm, mũi giáp công quan trọng liên tục bủa vây lấy quân xâm lược.
Có thể khái quát sức mạnh của chiến tranh nhân dân trong đại thắng mùa xuân năm 1975 trên một số nét cơ bản sau:
Thứ nhất, sức mạnh của chiến tranh nhân dân đã khơi dậy, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, khát vọng đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông đất nước. Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, nhân dân miền Nam lại bước vào cuộc chiến mới đầy những chông gai, thử thách, lịch sử lại một lần nữa chọn Việt Nam làm nơi thử nghiệm các loại vũ khí của chiến tranh, đấu trí giữa các bên tham chiến với nhau.
Đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã thi hành những chính sách cai trị, bóc lột cực kỳ tàn bạo, dã man, lê máy chém khắp miền Nam, đặt những người cộng sản ra ngoài phòng pháp luật, biến miền Nam thành vùng đất đau thương, chết chóc.
Được dự báo từ trước, nhân dân miền Nam đã không run sợ trước uy lực, sức mạnh của kẻ thù, càng trong những tình huống như vậy, càng thúc bách, củng cố ý chí quyết tâm, quyết chiến, quyết thắng với quân thù xâm lược, nhanh chóng tổ chức lực lượng đập tan âm mưu, thủ đoạn của chúng.
Xem thêm : Năm 2020 có nhuận không, nhuận vào tháng mấy?
Hàng loạt những cuộc bãi công, biểu tình, tuần hành, thị uy đã diễn ra trên khắp chiến trường miền Nam, thu hút, lôi kéo được đông đảo các thành phần, lực lượng tham gia không phân biệt già, trẻ, gái trai, đỉnh cao của hoạt động đó là phong trào Đồng Khởi năm 1960 đã dẫn tới sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Động viên toàn dân đoàn kết chống Mỹ, đồng thời phải nâng cao kiến thức quân sự cho toàn dân; giáo dục nhân dân từ các cháu thiếu nhi đến ông, bà già về chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu.
Lòng yêu nước của quân và dân miền Nam đã biến thành sức mạnh vật chất, tinh thần to lớn trong cuộc đọ sức với đế quốc Mỹ xâm lược, vượt qua bao khó khăn, hiểm nguy, hy sinh cả tính mạng vẫn một lòng, một dạ bám chắc thắt lưng địch để đánh, giữ vững lời thề sắt son với non sông, đất nước.
Tinh thần, ý chí chiến đấu của quân và dân miền Nam đã không ngừng nảy nở, phát triển như hoa mùa xuân thông qua những trận đánh, làm phá sản các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược, từng bước làm chủ mọi mặt trận ở cả đồng bằng, đô thị, nông thôn và rừng núi.
Vì thế, cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược của nhân dân miền Nam đã khơi dậy mọi phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam đã được lịch sử kiểm nghiệm, chứng minh. Trong cuộc chiến tranh này, tinh thần đó nhân lên thành khát vọng cháy bỏng Nam – Bắc sum họp một nhà để dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam liền một dải. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Miền Nam luôn trong trái tim tôi, Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi.
Xe tăng của Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975
Thứ hai, sức mạnh của chiến tranh nhân dân đã thể hiện được sự đa dạng, phong phú trong các hình thức đánh giặc. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân trong đại thắng mùa xuân năm 1975 là sự kế thừa, tiếp nối của truyền thống đấu tranh trong lịch sử dân tộc, của tinh thần “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, “cả nước đồng lòng, chung sức đánh giặc”.
Tới Đại thắng mùa xuân năm 1975 thì sức mạnh của chiến tranh nhân dân đã phát triển lên một trình độ mới, một chất lượng mới cao hơn, trở thành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện. Đánh địch trên khắp các mặt trận, chiến trường, chính sách đánh chính quy, đánh du kích, kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ; lúc nghi binh lừa địch, khi lại dùng sức mạnh quân sự áp đảo, có chiến dịch đánh thẳng vào tiêu diệt cơ quan đầu não rồi tỏa ra đánh địch tháo chạy ở vòng ngoài, có chiến dịch lại kéo địch ra ngoài để tiêu diệt rồi mới cô lập xiết chặt vòng trong: Phối hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công; đánh địch trên tất cả các mặt trận chính trị, quân sự, binh vận, ngoại giao… Đánh địch với tất cả vũ khí có trong tay, từ vũ khí thô sơ tự tạo đến vũ khí hiện đại, sử dụng hiệu quả các loại vũ khí của ta đồng thời lấy vũ khí địch đánh địch.
Hàng trăm xe tăng, tàu chiến, súng pháo hạng nặng, hàng ngàn xe quân sự cùng các phương tiện chiến tranh thu được của địch đã kịp thời đưa vào sử dụng. Ngay cả máy bay tiêm kích hiện đại A37 của Mỹ cũng được phi công Việt Nam điều khiển dội lửa xuống phi trường Tân Sơn Nhất và dinh Tổng thống Nguỵ.
Xem thêm : Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
Từ gậy tầm vông, giáo mác đánh du kích, đến lối đánh hiệp đồng quân binh chủng quy mô nhiều quân đoàn chủ lực, dân tộc ta đã viết lên những trang sử vàng chói lọi nhất trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Sự nghiệp chính nghĩa và sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam đã biến mảnh đất đau thương và bão lửa thành một Việt Nam huyền thoại, một Việt Nam tràn ngập sắc xuân, một Việt Nam anh hùng.
Thứ ba, sức mạnh của chiến tranh nhân dân là cơ sở để củng cố ý chí quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975. Trước sự phát triển như vũ bão của các phong trào cách mạng trong quần chúng nhân dân và sự thắng lợi vang dội của các chiến dịch của quân và dân miền Nam, trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới.
Cuối năm 1974 đầu năm 1975, Bộ Chính trị đã họp mở rộng: Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam vào năm 1975. Thực hiện quyết tâm chiến lược đó, quân và dân miền Nam đã không quản ngày, đêm, nắng, mưa, khó khăn, hy sinh, “phải nắm vững thời cơ chiến lược, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam càng sớm càng tốt”.
Với khí thế “một ngày bằng 20 năm”, theo chỉ thị của Bộ Chính trị: “Nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4 không thể để chậm”, đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4, cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ta đang hàng ngày, hàng giờ thay da đổi thịt. Sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đang giành được những thành tựu to lớn, từng bước đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp, sánh vai với các cường quốc năm châu và khu vực.
Sự nghiệp cách mạng cũng đặt ra yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bất cứ tình huống nào, trước bất kỳ kẻ thù nào và đánh thắng bất cả loại hình chiến tranh gì, kể cả chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao. Điều này đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn thấy trước, chuẩn bị trước.
Để giành thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nếu xảy ra, phải là chiến tranh nhân dân. Đương nhiên, tính chất ác liệt, quy mô cuộc chiến có thể thay đổi, một cuộc chiến tranh nhân dân trong điều kiện mới thì phải hiện đại hóa, hiện đại hóa không chỉ về trang bị vũ khí mà cả về tư duy quân sự, phương thức tác chiến, tổ chức lực lượng và nghệ thuật triển khai chiến tranh.
Song, tinh thần cơ bản của chiến tranh nhân dân trong giai đoạn hiện nay vẫn là toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đánh giặc bằng tất cả phương tiện và sức mạnh có trong tay.
Sức mạnh của chiến tranh nhân dân trong đại thắng mùa xuân năm 1975 như đang chiếu sáng vào mỗi suy nghĩ, hành động của con người Việt Nam, thúc giục mỗi người bằng tinh thần, trách nhiệm, bổn phận và nghĩa vụ phát huy cao độ truyền thống, khí phách của dân tộc bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trọng Sơn – Quang Nhật
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp