Cho vay cá nhân với lãi suất bao nhiêu là không phạm pháp?

Tình huống pháp lý: Thưa luật sư tôi có câu hỏi nhờ Luật sư tư vấn: Tôi đang có một khoản tiền tiết kiệm nguồn gốc là do con trai ở nước ngoài gửi về cho tôi chi tiêu nhưng tôi có lương hưu nên không dùng đến. Vừa rồi, Cháu họ tôi kinh doanh bất động sản cần tiền mua Đất lướt sóng để kiếm lời, có hỏi tôi vay tiền và trả lãi cao. Mong luật sư tư vấn cho tôi biết, tôi có thể cho vay với lãi suất bao nhiêu thì sẽ không bị vi phạm pháp luật?

Trả lời:

Cảm ơn Quý khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Quý khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan. FDVN có một số trao đổi như sau:

1. Về mức lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự:

Theo Điều 463 Bộ Luật dân sự năm 2015 về Hợp đồng vay tài sản thì: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Theo Điều 468 Bộ Luật dân sự năm 2015 về Lãi suất như sau:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Như vậy, theo quy định trên thì lãi suất trong hợp đồng vay tài sản giữa cá nhân với cá nhân sẽ do 02 bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 20%/nămcủa khoản tiền vay. Trong trường hợp cho vay vượt mức trần lãi suất nêu trên là mức lãi suất vượt quá sẽ không có hiệu lực và tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà hành vi cho vay nặng lãi có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

2. Về xử lý hành vi cho vay lãi nặng

Trường hợp có hành vi kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Cùng với đó hành vi cho vay lãi nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 201 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể như sau:

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP, ngày 20/12/2021 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã giải thích thuật ngữ “Cho vay lãi nặng” như sau: “Cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự. Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay”.

Mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ Luật Dân sự là 20%/năm, trường hợp cho vay gấp 05 lần mức lãi suất nêu trên, tức 100%/năm được xem là cho vay lãi nặng và người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh nêu trên.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách hàng trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Quý khách.

Theo Vũ Đình Thắng – Công ty Luật FDVN

………………..

Luật sư tại Đà Nẵng:

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế:

56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0906 499 446 – 0905 045 915

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn