Gia đình xuất hiện khi xã hội loài người kết thúc chế độ quần hôn. Mặc dù xã hội loài người trải qua nhiều thời đại, thời kỳ lịch sử khác nhau nhưng với tư cách là một thiết chế xã hội, gia đình vẫn tồn tại những chức năng cơ bản như sau:
Chức năng sinh sản, tái sản xuất con người. Đây là chức năng cơ bản và cũng là lý do chính khiến các cá nhân gắn kết lại với nhau và tạo nên gia đình. Chức năng sinh sản trước hết là để duy trì và phát triển nòi giống; tạo ra sự thỏa mãn nhu cầu của các cặp vợ chồng, mọi thành viên trong gia đình, họ hàng. Nếu gia đình không thực hiện chức năng tái sản xuất con người thì xã hội không phát triển, thậm chí không tồn tại. Tuy nhiên, việc sinh con không còn là vấn đề riêng của mỗi gia đình khi dân số tác động đến sự phát triển của một đất nước. Nhà nước phải điều chỉnh sự gia tăng dân số bằng chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình. Ở nước ta cũng vậy, qui mô gia đình ít con, mỗi cặp vợ chồng có hai con là mục tiêu phấn đấu của mỗi gia đình. Với các thành tựu về y – sinh học đang được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn, các biện pháp tránh thai hiện đại sẽ giúp cho các cặp vợ chồng có sự chuẩn bị, chủ động chọn thời điểm mang thai và sinh con thích hợp, để những chủ nhân tương lai của đất nước luôn khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần.
Bạn đang xem: Chức năng của gia đình
Xem thêm : Hỏi – đáp: Nên thoa kem chống nắng trước hay dưỡng ẩm trước?
Khi đón nhận đứa trẻ chào đời cũng là lúc gia đình bắt đầu thể hiện chức năng giáo dục, xã hội hóa cá nhân của mình. Gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, cha – mẹ là người thầy đầu tiên dạy cho con trẻ những ý niệm đầu tiên để lý giải thế giới sự vật và hành vi con người, những ý niệm đầu tiên về cái thiện và cái ác, khuôn mẫu tác phong, giá trị đạo đức đã và đang được xã hội, được pháp luật thừa nhận, để trẻ có thái độ và hành động phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội. Bên cạnh việc giáo dục nhân cách, lối sống, cách nghĩ, gia đình còn phải vun đắp cái tôi sáng tạo, độc lập suy nghĩ, tinh thần ham học cầu tiến vốn là những điều kiện tiên quyết cho con người hiện đại. Do vậy cha mẹ cần phải không ngừng học tập để có trình độ tri thức, hiểu biết phù hợp với xu thế hiện đại, đồng thời không lơ là, phó mặc toàn bộ việc giáo dục trẻ cho nhà trường, cộng đồng. Sự truyền đạt kinh nghiệm sống, kiến thức giữa các thế hệ trong gia đình diễn ra theo hai chiều từ cha mẹ tới con và ngược lại.
Trong nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế hộ gia đình đã có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế quốc dân, chức năng kính tế của gia đình đã thể hiện tốt vai trò sản xuất và tiêu dùng của mình. Với nhu cầu cao về nguồn nhân lực có chất lượng tạo cơ hội cho các gia đình gia nhập vào nền kinh tế không chỉ làm thuê mà còn làm chủ những đơn vị sản xuất độc lập, tạo nguồn thu nhập bền vững. Cùng với sản xuất là vai trò tiêu thụ, bởi nhu cầu của con người, các thành viên trong gia đình không dừng lại ở thức ăn nuôi sống con người, nhà cửa, đồ dùng gia đình, các phương tiện đi lại, các thông tin phục vụ đời sống văn hóa, đồ dùng sinh hoạt cá nhân… mà còn đòi hỏi được phát triển cá nhân, được vui chơi giải trí. Với vai trò sản xuất và tiêu dùng, chức năng kinh tế của gia đình vừa là động lực vừa là mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước.
Xem thêm : Mẹ bầu ăn sữa chua có tốt không? Nên ăn vào lúc nào tốt nhất?
Với xu thế hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mọi người phải nỗ lực học tập, lao động, sáng tạo, phải đối mặt với áp lực, cạnh tranh để phát triển thì chức năng thỏa mãn nhu cầu tinh thần, tâm lý tình cảm của gia đình sẽ giúp các thành viên gia đình được an ủi về tình cảm, thỏa mãn nhu cầu tình yêu và hạnh phúc vì Nhà, gia đình chính là điểm sum họp, là nơi để cá nhân có thể nghĩ ngơi sau một ngày lao động mệt nhọc, được quan tâm, được chia sẽ, được yêu thương… điều này không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với mỗi cá nhân, mà đối với xã hội còn tạo nên sự ổn định về mặt tình cảm, trạng thái tâm lý cân bằng cho mỗi cá nhân. Sự đầm ấm của gia đình là điểm tựa tình cảm cho mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời. Tiến trình hội nhập, mặt trái nền kinh tế thị trường sẽ có không ít tác động xấu đến đạo đức, lối sống của mọi người đặc biệt là thế hệ trẻ; tuy nhiên, nếu các chức năng gia đình được mọi cá nhân, mọi gia đình quan tâm, tích cực thực hiện và thực hiện đúng thì gia đình luôn là tổ ấm của mỗi người, xã hội ổn định và phát triển./.
Lê Thị Mỹ Dung (nguồn: Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng)
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp