Quay hình và chụp lén người khác có vi phạm pháp luật không?

Hình ảnh cá nhân được cá nhân quản lý, sử dụng trong quyền của họ. Do đó các hành vi quay hình hay chụp lén đều không được cho phép. Đây là hành vi vi phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền riêng tư, bí mật đời tư của họ. Pháp luật có những quy định cụ thể để xác lập, bảo vệ cho quyền hình ảnh của cá nhân. Cũng như qua đó đưa ra chế tài xử phạt đối với từng mức độ vi phạm. Cùng tìm hiểu các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật Dân sự năm 2015.

– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

– Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Quay hình và chụp lén người khác có vi phạm pháp luật không?

Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568

1. Hành vi quay lén là gì?

Hiện nay, pháp luật chưa có định nghĩa cụ thể về hành vi quay lén. Chưa có cách hiểu đầy đủ nhất đối với phương thức, thủ đoạn hay mục đích, thiệt hại có thể xảy ra. Tuy nhiên, dựa trên thực tiễn, hành vi quay lén được hiểu là một người sử dụng một hoặc nhiều phương tiện (camera, máy điện thoại, máy quay…) có công dụng ghi hình để quay một người khác khi chưa được sự cho phép của người bị quay.

Thông thường các hành vi quay, chụp người khác phải được sự cho phép của họ. Bởi các mục đích sử dụng hình ảnh rất đa dạng hiện nay. Các quyền và lợi ích, hay nghĩa vụ có thể phát sinh đối với cá nhân dựa trên hình ảnh, video bị quay lén đó. Tóm lại, hành vi quay lén không được pháp luật cho phép, là hành vi cần được nên án và xử phạt.

2. Thuật ngữ tiếng Anh:

Quay hình, chụp lén người khác tiếng Anh là Take pictures, sneak photos of others.

3. Các quyền của cá nhân đối với hình ảnh:

Quay hình hay chụp lén thường đưa đến các mục đích sử dụng hình ảnh khác nhau mà chưa có sự xin phép, đồng ý của người đó. Cho nên các quyền lợi của họ đang bị xâm phạm, các quyền về hình ảnh này được pháp luật bảo vệ.

Hình ảnh được sử dụng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, danh dự hay đời sống riêng tư của cá nhân đó.

– Quyền về hình ảnh của cá nhân:

Là một trong những quyền được pháp luật bảo vệ. Cụ thể tại Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định:

“Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý…”

Các hình ảnh cá nhân phải được quyết định sử dụng bởi chính cá nhân đó. Các trách nhiệm liên quan hay quyền lợi cũng được xác định trên chính cá nhân có hình ảnh. Do đó, quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền phải được tôn trọng, được thực hiện. Việc quay lén không có sự xin phép, dù có sử dụng cho mục đích gì thì các quyền của cá nhân cũng đang bị xâm phạm.

– Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân:

Các video, hình ảnh bị quay lén, chụp lén thường là hình ảnh cá nhân không muốn công khai. Khi họ không kiểm soát được hình ảnh của mình, rất có thể sẽ bị lợi dụng vào các mục đích hay ý đồ xấu. Trong nhiều trường hợp, hành vi quay lén đang xâm phạm quyền đối với đời sống và bí mật đời tư của người khác.

Theo quy định tại Điều 38 Bộ Luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

“Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.”

Các nội dung quy định đều thể hiện quyền của cá nhân được pháp luật bảo vệ. Theo đó, mọi hành vi nhằm thu thập, lưu trữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bó mật cá nhân phải được sự đồng ý của người đó. Phải đảm bảo không ảnh hưởng đến danh dự, hình ảnh, công việc và đời sống cá nhân của họ.

Kết luận về quyền của cá nhân đối với hình ảnh:

Do đó, hành vi quay lén người khác đã xâm phạm đến quyền về đời sống riêng tư và bí mật cá nhân của người khác. Các hình ảnh quay chụp được cũng đang được sử dụng, khai thác bất hợp pháp. Chế tài xử phạt đối với hành vi này rất nặng. Tùy thuộc vào mục đích, mức độ của hành vi, người có hành vi quay lén có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Bởi mức độ tổn thất, tính chất tác động và gây ra ảnh hưởng có thể rất lớn.

Bên cạnh các quyền của người có hình ảnh bị xâm phạm, hành vi này còn có thể cấu thành các tội danh khác tùy thuộc vào mục đích sử dụng hình ảnh. Chế tài xử phạt đối với hành vi quay lén theo quy định của pháp luật.

4. Xử lý hành chính đối với hành vi quay lén:

Xử lý hành chính được xác định là phương thức xử lý khi tính chất, mức độ phạm tội chưa cao.

Theo quy định tại điểm e, Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi:

“Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.”

Tức là xác định trong mục đích quay lén, hành vi quay lén vi phạm quyền của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ.

Như vậy, người có hành vi quay lén để thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của người khác mà không được sự đồng ý của họ thì tùy tính chất và mức độ, sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Các nội dung xử phạt hành chính nhằm cảnh cáo, răn đe người vi phạm. Bắt buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính vào ngân sách nhà nước.

Số tiền xử phạt này là phù hợp, từ đó giáo dục công dân không thực hiện các vi phạm. Bởi các nghĩa vụ phải thực hiện là rất lớn.

5. Trách nhiệm hình sự đối với hành vi quay lén:

Hành vi quay lén người khác vi phạm nghiêm trọng đến quyền về đời sống riêng tư và bí mật cá nhân. Đây là các quyền cơ bản của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ. Pháp luật mang đến tính chất bắt buộc thực hiện, sự uy nghiêm và phải tôn trọng. Vì vậy, bất kì ai có hành vi này đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các hành vi, mức độ vi phạm và mục đích thực hiện quyết định đến tội phạm phải chấp hành của người vi phạm.

Để xem xét về trách nhiệm hình sự đối với hành vi quay lén người khác, cần căn cứ vào mục đích, tính chất, mức độ của hành vi. Qua đó xác định cấu thành tội phạm, các mục đích sử dụng đối với video hay hình ảnh quay lén.

Theo đó:

5.1. Tội làm nhục người khác:

Hành vi cấu thành tội này nếu người có hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin đã quay lén của người khác với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, làm giảm uy tín của cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Đây cũng là cách giải thích đối với tội làm nhục người khác theo quy định pháp luật.

Thông thường, người có hành vi quay lén hình ảnh, video mang tính chất đời tư cá nhân và phát tán thì sẽ được coi là xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Hành vi này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, đến giao tiếp, đời sống bình thường của người bị xử dụng hình ảnh. Thậm chí nhiều người còn tìm đến cái chết do không chấp nhận được dư luận, mất danh dự.

Theo đó, hình phạt được áp dụng sẽ là phạt tiền, phạt cả tạo không giam giữ hoặc phạt tù cao nhất lên đến 05 năm.

Quy định pháp luật:

Điều 155 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội làm nhục người khác như sau:

“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

5.2. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy:

Nếu người có hành vi quay lén người khác, sau đó tàng trữ, lưu hành, trao đổi, vận chuyển, mua bán nhằm phổ biến hình ảnh, video quay lén với nội dung nhạy cảm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đổi trụy theo quy định tại Điều 326 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Bởi hành vi này ngoài xâm phạm quyền của cá nhân, còn làm ảnh hưởng đến các chuẩn mực, giá trị đạo đức và văn hóa. Pháp luật Việt nam nghiêm cấm các hành vi, hình thức Truyền bá văn hóa phẩm đồ trụy.

Hình phạt đối với tội này bao gồm phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, trong đó, mức phạt tù cao nhất lên đến 15 năm.

Quy định pháp luật:

“Điều 326. Tội truyền bá vật phẩm văn hóa đồi trụy

1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);

b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;

c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;

d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);

c) Ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh;

d) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị;

đ) Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người;

e) Phổ biến cho người dưới 18 tuổi;

g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;

b) Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên;

c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên;

d) Phổ biến cho 101 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Kết luận:

Có thể thấy, mức độ nghiêm trọng của hành vi đang được thực hiện. Ngoài xâm phạm các quyền hình ảnh thông thường khi chưa được cho phép, người phạm tội còn gây ra các tội danh phải lên án về đạo đức, pháp luật, gây ảnh hưởng đến nhận thức và chuẩn mực chung trong cộng đồng. Do đó, các hành vi tương ứng sẽ phải chịu chấp hành các tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự.