ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN ỨNG VIÊN

1. Văn bản tự sự

1.1. Khái niệm văn bản tự sự là gì?

Văn bản tự sự là loại văn bản thể hiện sự trình bày, kể lại sự việc, miêu tả các nhân vật có sự liên quan với nhau trong mối quan hệ qua lại, hoặc có mối quan hệ nhân – quả để từ đó đưa ra thái độ, tư tưởng tình cảm, những suy nghĩ, nhận thức, đánh giá của người viết về cuộc sống, hay các quy luật trong cuộc sống.

Văn bản tự sự còn được gọi là văn bản tường thuật, văn bản kể chuyện (gồm các câu chuyện tưởng tượng, các câu chuyện đời thường).

1.2. Đặc điểm của văn bản tự sự

Văn bản tự sự tập trung trình bày một chuỗi các sự việc, từ sự việc này dẫn đến sự việc khác, cứ thế nối tiếp nhau và đi đến kết quả, thể hiện một thông điệp và ý nghĩa nhất định.

1.3. Yêu cầu khi làm văn bản tự sự

– Đối với văn bản tự sự kể chuyện đời thường: Trình bày văn bản có bố cục 3 phần, biết sắp xếp các sự việc thành chuỗi có ý nghĩa, lời văn mạch lạc. Tùy thuộc vào nội dung và đối tượng để người viết lựa chọn tình huống hợp lý, có ý nghĩa.

– Đối với văn bản tự sự kể chuyện tưởng tượng: tuy là các tình huống tưởng tượng nhưng vẫn nên đề cao tính hợp lý, câu chuyện phải có bố cục đầy đủ, đặc biệt là thể hiện được ý nghĩa rõ ràng.

1.4. Các chú ý khi làm một văn bản tự sự

– Với dạng văn bản tự sự mà người viết kể lại một câu chuyện bằng chính lời văn của mình, phải đảm bảo không được thay đổi cốt truyện. Tập trung sáng tạo cho hai phần mở bài và kết bài, diễn đạt các ý theo lời văn cá nhân thật sáng tạo, linh hoạt.

– Với dạng văn bản tự sự kể người cần đặc biệt chú ý không được nhầm sang dạng văn bản miêu tả người, để tránh sự nhầm lẫn này các bạn nên tập trung vào hành động, công việc, sự việc… trong quá trình kể chuyện nếu có thêm vào một vài yếu tố miêu tả thì cần đan xen các lời kể, đánh giá, không nên miêu tả quá chuyên sâu.

– Với dạng văn bản tự sự kể chuyện đời thường các bạn cần đảm bảo trình tự kể chuyện phù hợp, xác thực, gần gũi với thực tế, biết cách làm nổi bật ý nghĩa câu chuyện bằng cách sắp xếp các ý nổi bật, đồng thời lựa chọn cho mình một ngôi kể hợp lý, phù hợp với yêu cầu, nội dung.

– Với các văn bản tự sự kể chuyện tưởng tượng cần xác định đối tượng kể chuyện là người hay sự vật, xây dựng tình huống chuyện, tưởng tượng các hoạt động, sự việc trong một hoàn cảnh, không gian cụ thể.

2. Văn bản miêu tả

2.1. Khái niệm văn bản miêu tả là gì?

Văn bản miêu tả là loại văn bản làm cho người nghe, người đọc có thể hình dung ra các tính chất, đặc điểm nổi bật của con người, phong cảnh, sự vật, sự việc… làm cho tất cả những yếu tố đó có thể hiện hữu trong trí tưởng tượng của người đọc, người nghe. Đối với văn bản miêu tả, thường bộc lộ rõ nét năng lực quan sát của người nói, người viết.

2.2. Đặc điểm của văn bản miêu tả

– Đây là loại văn bản mang tính thông báo, diễn tả về thẩm mĩ, vì vậy các yếu tố miêu tả phải thể hiện được cái riêng, cái mới lạ trong quá trình quan sát, cách cảm nhận riêng của mỗi người viết.

– Những cái riêng lẻ, cái mới mẻ được gắn kết với nhau và luôn đi kèm với sự chân thật.

– Khi làm văn bản miêu tả, trước hết người viết phải quan sát thật kĩ càng, rồi từ đó liên tưởng , tưởng tượng, so sánh, ví von và nhận xét… làm nổi bật lên sự vật, sự việc, hiện tượng, phong cảnh, con người.

2.3. Các dạng văn bản miêu tả

– Văn bản miêu tả tả cảnh: tả cảnh là gợi tả lên bức tranh khung cảnh thiên nhiên, các cảnh sinh hoạt đời sống, giúp gợi cho người đọc, người nghe những đặc điểm rõ nét của các cảnh vật đó.

Đối với văn miêu tả tả cảnh, các bạn cần xác định rõ đối tượng cần miêu tả là gì, ở đâu, thời điểm miêu tả là khi nào, từ đó quan sát và chọn ra những hình ảnh đặc trưng, tiêu biểu, cuối cùng là trình bày các yếu tố đó theo một trình tự phù hợp. Bố cục của văn bản miêu tả tả cảnh gồm 3 phần: mở bài giới thiệu về cảnh sẽ được miêu tả, thân bài đi sâu vào miêu tả quang cảnh, phần kết bài nêu cảm nhận đối với cảnh vật.

– Văn bản miêu tả tả người: đây là loại văn bản miêu tả về các yếu tố liên quan đến ngoại hình, tính cách, tư thế, lời nói, hành động…

Đầu tiên các bạn cần xác định đối tượng chính để miêu tả là ai, quan sát và lựa chọn ra những đặc trưng, chi tiết tiêu biểu, trình bày văn bản theo trình tự bố cục đầy đủ. Đối với văn bản miêu tả người, phần mở bài cần giới thiệu về đối tượng miêu tả, phần thân bài chi tiết miêu tả về ngoại hình, cử chỉ, hành động, tính cách, lời nói… chú ý miêu tả rõ nét các đặc điểm nổi bật trên khuôn mặt của người được miêu tả, qua các chi tiết miêu tả đó làm nổi bật lên thái độ, tính cách, phẩm chất hình tượng nhân vật, cuối cùng trong phần kết bài nêu nhận xét của bản thân về đối tượng miêu tả.

3. Văn bản biểu cảm

3.1. Khái niệm văn bản biểu cảm là gì?

Văn bản biểu cảm là loại văn bản biểu đạt cảm xúc, tình cảm, sự đánh giá của người viết đối với các sự vật, sự việc, hiện tượng xung quanh, đồng thời kích thích nguồn tình cảm, cảm hứng của người đọc. Văn bản biểu cảm còn được coi là văn trữ tình, bao gồm các thể loại như: ca dao trữ tình, tùy bút, thơ trữ tình,…

3.2. Đặc điểm của văn bản biểu cảm

– Các yếu tố tình cảm đưa vào trong văn bản biểu cảm phải là một tình cảm đẹp, mang đậm các yếu tố nhân văn (yêu quê hương, yêu đất nước, yêu con người, yêu thiên nhiên, ghét những điều xấu xa, độc ác…). Những tình cảm ấy phải trong sáng, rõ ràng, chân thực thì mới làm cho văn bản biểu cảm đó trở nên có giá trị. Ngoài ra, bên cạnh việc sử dụng các tiếng than, lời kêu, văn bản biểu cảm còn kết hợp thêm các yếu tố miêu tả, tự sự.

Đặc điểm của văn biểu cảm

– Mỗi văn bản biểu cảm chỉ nên tập trung biểu đạt một loại tình cảm chủ yếu, để có thể gửi gắm tình cảm, hoặc muốn trực tiếp thổ lộ cảm xúc, nỗi niềm của bản thân, người viết có thể mượn các hình ảnh tượng trưng, ẩn dụ để biểu đạt cảm xúc của mình.

3.3. Cách lập ý cho một văn bản biểu cảm

– Để có thể tạo ý cho một văn bản biểu cảm, khêu gợi nguồn cảm xúc dào dạt, người viết có thể sử dụng hình thức hồi tưởng lại quá khứ, suy nghĩ đối với hiện tại và có mơ ước cho tương lai. Tưởng tượng ra những yếu tố, tình huống biểu cảm, hoặc có thể vừa quan sát sự vật hiện tượng, vừa suy ngẫm và cuối cùng là đưa ra các cảm xúc của bản thân.

– Nên chú ý đối với một văn bản biểu cảm thì các tình cảm gửi gắm vào đó phải thật chân thật thì người đọc mới có thể cảm nhận và đồng cảm được.

4. Văn bản thuyết minh

4.1. Khái niệm của văn bản thuyết minh

Văn bản thuyết minh là một dạng văn bản rất phổ biến và hay sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Đây là một loại văn bản được chú trọng rất nhiều trong văn học. Văn bản thuyết minh đóng vai trò cung cấp cho người đọc những nội dung kiến thức về tính chất, đặc điểm, thành phần, tác dụng… của những sự vật, hiện tượng tự nhiên bằng cách giới thiệu, giải thích, trình bày. Với loại văn bản này người đọc, người nghe sẽ được hiểu rõ ràng và tường tận về nhiều vấn đề.

Khác với các dạng văn bản khác, văn bản thuyết minh cần đảm bảo rõ ý, mạch lạc, có liên kết các ý chặt chẽ, thu hút người đọc. Văn bản không trình bày lan man, ngôn từ sử dụng cần lịch sự, theo một văn phong ngữ pháp chuẩn của tiếng Việt.

4.2. Đặc điểm của văn bản thuyết minh

– Văn bản thuyết minh đòi hỏi người viết phải đảm bảo tính chính xác, khách quan, mang lại nhiều thông tin bổ ích cho người đọc, phục vụ vào cuộc sống cũng như trong công việc.

– Văn bản được cần phải trình bày một cách mạch lạc, rõ ràng, nội dung đầy đủ, đúng ý, phân chia các ý hợp lý.

– Người viết có am hiểu sâu rộng, phải nắm rõ được nội dung mình đang viết là gì, từ đó trình bày cho người đọc hiểu được và cảm thấy các nội dung trong văn bản là bổ ích.

– Người viết có thể sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật như: tự thuật, đối thoại, kể chuyện, tự luận, diễn giải, ẩn thụ… để làm nổi bật lên tính chất, đặc điểm, nhấn mạnh nội dung chính của bài viết, làm cho văn bản trở nên hấp dẫn hơn, thu hút được sự hứng thú của người đọc.

4.3. Tính chất của văn bản thuyết minh

-Tất cả nội dung kiến thức mà người viết trình bày trong văn bản thuyết minh cần đảm bảo tính khách quan, chính xác, không nên áp đặt ý kiến cá nhân vào văn bản. Chính vì vậy, người viết nên tự củng cố kiến thức về các sự vật, hiện tượng trước khi tập trung vào việc thuyết minh.

– Thể loại văn bản thuyết minh có nhiều điểm khác so với văn bản miêu tả, nghị luận, tự sự, các thông tin trong văn bản này cần đảm bảo đúng đắn, không được pha thêm các yếu tố hư cấu. Bởi vậy khi mọi người có nhu cầu đọc một văn bản thuyết minh sẽ có thể tiếp nhận được các thông tin chuẩn xác nhất. Tránh trường hợp do người viết có những tìm hiểu sai mà dẫn đến nhiều sai sót.

– Văn bản thuyết minh có sự liên kết chặt chẽ với tư duy khoa học, thực tế, đảm bảo tính chính xác. Trước khi viết một văn bản thuyết minh, người viết nên điều tra, tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu kiến thức để thực hiện một cách rõ ràng, cụ thể. Chúng ta thường thấy trong văn bản thuyết minh có trình bày về cách dùng, chức năng, cấu tạo… giúp người đọc dễ hiểu.

– Các yếu tố xác thực luôn là chủ đề được quan tâm đầu tiên đối với một văn bản thuyết minh. Thuyết minh chính là chứng minh, thuyết phục, phải phân tích kỹ lưỡng nghĩa của từ thuyết minh, sau đó dùng những dẫn chứng, lý lẽ, lập luận để phân tích làm sáng tỏ vấn đề.

Tính chất trọng điểm của loại văn bản thuyết minh này chính là sự chính xác ở mức độ cao, người viết phải đảm bảo kiến thức chắc chắn, sâu rộng đối với lĩnh vực mà mình viết, các số liệu phải có tính toán hay tham khảo ở các nơi có căn cứ rõ ràng, chính xác. Ngôn ngữ trong văn bản thuyết minh không cần bay bổng, mà phải cô đọng, lịch sự, rõ ràng, dễ hiểu, không lan man, dài dòng, trừu tượng, mơ hồ…

4.4. Bố cục của văn bản thuyết minh

Mở bài: Giới thiệu về đối tượng cần thuyết minh

Thân bài: Tập trung trình bày chi tiết về đặc điểm, tính chất, bản chất sâu xa của sự vật, hiện tượng mà mở bài đã đề cập tới. Tiến hành lập luận giải thích nguồn gốc, nguyên nhân, chức năng, cấu tạo để cung cấp các thông tin cần tiết đến cho người đọc.

Kết bài: Đánh giá toàn diện về đối tượng, đúc kết nội dung bài thuyết minh.

5. Văn bản nghị luận

5.1. Khái niệm của văn bản nghị luận là gì?

Văn bản nghị luận là loại văn bản có tác dụng xác lập cho người đọc, người nghe một quan điểm, tư tưởng nào đó đối với các sự vật, sự việc, hiện tượng xuất hiện trong văn học hay trong đời sống bằng cách lập luận thông qua các luận điểm, luận cứ.

5.2. Đặc điểm của văn bản nghị luận

– Luận điểm: các ý kiến thể hiện quan điểm, tư tưởng trong văn bản nghị luận. Một văn bản nghị luận thường bao gồm: Luận điểm xuất phát, luận điểm chính, luận điểm triển khai và luận điểm kết luận.

– Luận cứ: là những dẫn chứng, lý lẽ làm cơ sở để làm nổi bật luận điểm. Luận điểm là ý lớn, nội dung của luận điểm chính là kết luận của dẫn chứng và lý lẽ đó. Luận cứ có nhiệm vụ trả lời cho các loại câu hỏi: Nêu ra luận điểm để làm gì?, Tại sao phải nêu ra luận điểm? Độ tin cậy của luận điểm đó như thế nào?

5.3. Câu trúc của một văn bản nghị luận

– Mở bài – Đặt vấn đề: Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận, nêu rõ về tầm quan trọng của vấn đề, đồng thời đưa ra luận điểm cơ bản cần giải quyết.

– Thân bài – Giải quyết vấn đề: Dùng các lí lẽ dẫn chứng, lập luận để triển khai các luận điểm, thuyết phục được người nghe theo quan điểm được nêu ra trong quá trình nghị luận.

– Kết bài – kết thúc vấn đề: Khẳng định lại ý nghĩa của vấn đề cần nghị luận

5.4. Các phương pháp lập luận trong văn bản nghị luận

– Phương pháp giải thích: Chỉ ra được lý do, nguyên nhân của sự việc, hiện tượng được nêu ra trong các luận điểm chính. Trong văn bản nghị luận, phương pháp giải thích đóng vai trò làm sáng tỏ một nhận định hay đơn giản là làm sáng tỏ một từ và một câu.

– Phương pháp chứng minh: với mục đích chủ yếu là làm sáng tỏ vấn đề cần nghị luận, phương pháp này sử dụng lí lẽ và dẫn chứng giúp cho người đọc thấy được tính đúng đắn, chuẩn xác của vấn đề.

– Phương pháp tổng hợp: Từ những điều đã được phân tích, sau đó rút ra một lập luận chung. Các lập luận tổng hợp thường được đặt ở cuối mỗi đoạn hoặc ở cuối bài, chính là phần kết luận của một hoặc nhiều đoạn văn.

– Phương pháp phân tích: là trình bày, lập luận từng phương diện, từng bộ phận của một vấn đề, để từ đó chỉ ra nội dung của hiện tượng, sự vật. Đối với phương pháp phân tích có thể áp dụng thêm các biện pháp so sánh đối chiếu, đưa ra giả thiết,… và cả phép lập luận chứng minh, giải thích.

6. Văn bản hành chính

6.1. Khái niệm

Văn bản hành chính là loại văn bản có chưa các yếu tố thông tin theo quy phạm của Nhà nước, giải quyết những vụ việc cụ thể trong quá trình quản lý và cụ thể hóa việc thi hành văn bản pháp quy.

6.2. Phân loại văn bản hành chính

– Văn bản hành chính cá biệt:

Là văn bản thể hiện các phương tiện quyết định quản lý của ban quản lý hành chính Nhà nước các thẩm quyền dựa trên những quy định chung, những quyết định của cơ quan quản lý cấp trên, quy định của chính cơ quan mình, để thực hiện việc giải quyết các công việc như: Chỉ thị cá biệt, nghị quyết cá biệt, quyết định cá biệt.

Ví dụ: Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật, khen thưởng, chỉ thị biểu dương, phát động phong trào thi đua…

Văn bản hành chính cá biệt

– Văn bản hành chính thông thường:

Là các văn bản có tính điều hành để thực hiện các quy phạm pháp luật, dùng để phản ánh tình hình, giải quyết các công việc cụ thể, trao đổi ghi chép các công việc trong cơ quan. Lại văn bản này rất phức tạp và đa dạng, được chia làm 2 loại như sau:

Văn bản không có tên loại: Đối với loại văn bản này thường không có tên gọi riêng cho mỗi văn bản và được gọi chung là Công văn, ví dụ: Công văn mời họp, công văn đôn đốc, công văn yêu cầu, công văn giải thích, công văn chất vấn, công văn kiến nghị…

Văn bản có tên gọi: Các văn bản này thường được phân chia và đặt tên cụ thể, ví dụ: Tờ trình, báo cáo, thông báo, chương trình, đề án, hợp đồng, kế hoạch, các loại phiếu, các loại giấy…

Trên đây là bài viết tìm hiểu về các loại văn bản trong văn học của Vieclam123.vn.Mong rằng với bài viết này có thể giúp các em học sinh có thể nhận biết và nắm chắc kiến thức về các loại văn bản, đồng thời biết cách vận dụng một cách hợp lý, chính xác, giúp các em có thể viết ra được một văn bản hay, chất lượng đáp ứng được yêu cầu của giáo viên.

Đăng ký khóa học IELTS

>> Xem thêm

  • Văn bản nhật dụng là gì?
  • Chia sẻ một số kinh nghiệm để học văn nghị luận tốt hơn