Quốc hội – cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất

Sau thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, mặc dù trong điều kiện muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, nhưng vì quyền lợi tối cao của dân tộc, quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, tiếp tục đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, với sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 6/1/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi, trên khắp mọi miền Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến đã nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước ta.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, tại 71 tỉnh, thành trong cả nước, đã có 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%, trừ một số nơi bầu bổ sung, còn đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Quốc hội khoá I bao gồm đầy đủ các tầng lớp, các giới, các đảng phái chính trị ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, gồm 333 đại biểu. Cùng với 70 đại biểu không thông qua bầu cử, Quốc hội khoá I có 403 đại biểu, với đầy đủ các thành phần công nhân, nông dân, trí thức, các nhà tư sản, người buôn bán… là hình ảnh tượng trưng cho khối toàn dân đoàn kết, minh chứng hùng hồn cho việc thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực của nhân dân.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn để giành thắng lợi, đi vào lịch sử dân tộc, đánh dấu một mốc son chói lọi của tiến trình xây dựng thể chế dân chủ, khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân Việt Nam: từ thân phận nô lệ, đứng lên giành độc lập, làm chủ vận mệnh quốc gia, tự tổ chức ra Nhà nước của mình – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên: “… kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đánh dấu sự ra đời của Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước; thành lập một Chính phủ thống nhất, ban hành một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ.

Theo quy định của Hiến pháp, ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Quốc hội do nhân dân bầu ra, là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân. Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, làm luật và sửa đổi luật. Bằng việc làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội quy định các vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất về hình thức và bản chất của Nhà nước; ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quy định các nội dung cơ bản về chế độ kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, bảo vệ Tổ quốc và về tổ chức bộ máy nhà nước. Bằng việc làm luật và sửa đổi luật, Quốc hội điều chỉnh các quan hệ xã hội trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, Quốc hội là cơ quan có quyền quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đó là những chủ trương lớn, những vấn đề quốc kế dân sinh, những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Không một cơ quan nào đứng trên Quốc hội trong xem xét, đánh giá việc thi hành Hiến pháp, luật – những văn bản mà chỉ Quốc hội mới có quyền ban hành. Các cơ quan do Quốc hội thành lập và người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn phải chịu trách nhiệm, báo cáo công tác trước Quốc hội và chịu sự giám sát của Quốc hội.

Hơn 75 qua, với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội Việt Nam không ngừng lớn mạnh, thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội luôn nói tiếng nói tâm huyết, trách nhiệm của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, phát huy trí tuệ của cả dân tộc, cùng chung sức xây dựng và phát triển đất nước. Qua 14 khóa, Quốc hội với tâm huyết, trí tuệ, nỗ lực và sáng tạo của hàng nghìn đại biểu đã xây dựng và ban hành được 5 bản Hiến pháp, hàng trăm bộ luật, luật, pháp lệnh; thường xuyên xem xét sửa đổi, bổ sung những đạo luật để điều chỉnh các quan hệ của đời sống xã hội, tạo nên một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh hơn. Quốc hội cũng thực hiện ngày càng hiệu quả chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Các nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hàng năm, chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách nhà nước, các công trình quan trọng quốc gia, chính sách dân tộc, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… góp phần vào việc duy trì sự ổn định và phát triển đất nước.

Phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của Quốc hội, hoạt động của Quốc hội thông qua các kỳ họp, qua từng năm liên tục được đổi mới một cách mạnh mẽ, đưa hoạt động nghị trường tới thật gần với người dân. Những vấn đề thực tiễn của cuộc sống cũng được phản ánh, trao đổi một cách kịp thời, thẳng thắn, trách nhiệm trước diễn đàn Quốc hội. Đặc biệt nhiệm kỳ 2016 – 2021, đánh dấu bước tiến vượt bậc của Quốc hội trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội. Lần đầu tiên sử dụng phần mềm hỗ trợ hoạt động của đại biểu Quốc hội trên các thiết bị thông minh được đưa vào sử dụng với nhiều tính năng thông minh, như: cung cấp các tài liệu kỳ họp, tìm kiếm nhanh các tài liệu bằng giọng nói đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc đổi mới cách thức thảo luận từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận” cũng là một điểm nhấn quan trọng của nhiệm kỳ này. Bên cạnh đó, Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức kỳ họp Quốc hội để thích nghi trong mọi hoàn cảnh. Điển hình nhất là tại kỳ họp thứ 9, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã tổ chức kỳ họp theo hình thức kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tiếp nối thành công, Kỳ họp 10 cũng tiếp tục duy trì hình thức này; một lần nữa khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quốc hội luôn nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân và đất nước.

Ngày 23/5/2021 (Chủ Nhật), cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ được tiến hành. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, góp phần tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Mỗi cán bộ, công nhân, viên chức, các lực lượng vũ trang, nhân sĩ, trí thức, chức sắc các tôn giáo và nhân dân các dân tộc trên cả nước phát huy tinh thần đoàn kết, phát huy quyền làm chủ của mình, thể hiện trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ, trực tiếp đi bầu cử, lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn xứng đáng để bầu vào đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 thắng lợi, góp phần làm cho ngày bầu cử đạt kết quả cao, thực sự là ngày hội của toàn dân.