Ăn đậu phộng khi mang thai có được không?

Các nghiên cứu y khoa được công bố không tìm thấy bằng chứng việc tránh các thực phẩm như đậu phộng, sữa và trứng trong khi mang thai có liên quan đến nguy cơ dị ứng của em bé. Do vậy thai phụ không cần tránh bất kỳ loại thực phẩm gây dị ứng nào vì chúng có thể có lợi, miễn là chính họ hoàn toàn bình thường. Một nghiên cứu gần đây cho thấy những bà mẹ không dị ứng ăn đậu phộng 5 lần/tuần trở lên ít có khả năng sinh con bị dị ứng.

Tóm lại, nếu không dị ứng, việc ăn đậu phộng khi mang thai sẽ an toàn. Ngược lại nếu bị dị ứng với đậu phộng hoặc bất kỳ thực phẩm nào khác, bạn nên tránh tiêu thụ chúng hoàn toàn cả trong thai kỳ lẫn các giai đoạn khác trong suốt cuộc đời. Cần lưu ý rằng đậu phộng có thể ẩn trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm:

  • Các loại bánh, chocolate và kẹo;
  • Những món ẩm thực châu Á;
  • Ngũ cốc;
  • Lương khô;
  • Sản phẩm được chế biến ở những nơi có nhiều đậu phộng.

Xung quanh vấn đề ăn đậu phộng có tốt không, hay cụ thể là bà bầu có nên ăn đậu phộng không, các chuyên gia cho biết đậu phộng là một sự lựa chọn thông minh cho phụ nữ mang thai nhờ chứa nhiều protein và folate. Bổ sung folate và axit folic được khuyến nghị trong thai kỳ nhằm giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh, đặc biệt là não và cột sống đang phát triển của thai nhi.

Tất nhiên, khứu giác và sở thích của bạn có thể thay đổi đáng kể khi mang thai. Nếu không thích ăn đậu phộng, thai phụ có thể tìm các nguồn cung cấp protein và folate khác. Miễn là bạn đang tuân thủ một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, việc loại trừ đậu phộng ra khỏi thực đơn chắc chắn không làm hại đến cả mẹ lẫn em bé. Bác sĩ cũng thường khuyến nghị thai phụ dùng thêm viên uống axit folic bổ sung, cho dù chế độ ăn uống thường xuyên có nhiều chất này hay không.