1.Con ngoài giá thú là gì?
Hiện nay, pháp luật chưa có một định nghĩa nào về con trong giá thú hay con ngoài giá thú. Tuy nhiên có thể hiểu con ngoài giá thú là con được sinh ra khi bố mẹ không đăng ký kết hôn, bao gồm các trường hợp sau: Nam, nữ đều còn độc thân có quan hệ tình cảm với nhau, sinh con ra nhưng không đăng ký kết hôn; Nam, nữ (một trong hai bên hoặc cả hai bên) đã kết hôn với người khác nhưng có quan hệ tình cảm với nhau và sinh con; con được sinh ra trong thời gian nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, bao gồm cả trường hợp vợ chồng đã ly hôn, sau đó sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn lại.
2. Con ngoài giá thú có được hưởng di sản
Mặc dù pháp luật đã quy định rõ việc cha mẹ không đăng ký kết hôn thì sẽ không được xem là hôn nhân hợp pháp và đương nhiên không phát sinh quyền giữa các bên. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích cho các con sinh ra khi bố mẹ không có hôn nhân hợp pháp, pháp luật vẫn có những quy định để đảm bảo lợi ích cho con giống như một đứa trẻ bình thường khác.
Bạn đang xem: CON NGOÀI GIÁ THÚ CÓ ĐƯỢC HƯỞNG DI SẢN
Dù là có là con trong giá thú hay con ngoài giá thú thì họ vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 về hàng thừa kế theo pháp luật thì các con (kể cả trong giá thú và ngoài giá thú) đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất, không có sự phân biệt. Và do cùng nằm trong một hàng thừa kế nên sẽ được hưởng phần di sản thừa kế theo pháp luật ngang bằng nhau. Tuy nhiên, đây là phân chia thừa kế theo pháp luật, chỉ được thực hiện khi không có di chúc, hoặc có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp; trường hợp người được chỉ định thừa kế theo di chúc chết trước người lập di chúc hoặc không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản.
Còn trong trường hợp cha hoặc mẹ chết có để lại di chúc, thì việc con ngoài giá thú có được hưởng di sản thừa kế hay không sẽ phụ thuộc vào nội dung của di chúc nếu di chúc đó đảm bảo điều kiện về tính hợp pháp theo quy định tại Điều 630 Bộ luật dân sự. Nếu cha hoặc mẹ chỉ định con ngoài giá thú là người thừa kế và phân định một phần tài sản cho họ thì họ được nhận di sản và ngược lại.
Tuy nhiên, con ngoài giá thú nếu chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động vẫn được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Cụ thể, theo quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự, con ngoài giá thú sẽ được hưởng ⅔ suất của một người thừa kế.
3.Để được nhận di sản con ngoài giá thú phải làm gì?
Để được nhận di sản thừa kế từ cha/mẹ, điều kiện bắt buộc là phải có căn cứ pháp lý chứng minh quan hệ cha, mẹ con giữa cha/mẹ với con ngoài giá thú. Trường hợp cả cha/mẹ và con đều muốn xác định quan hệ với nhau thì họ có thể đến UBND xã nơi đăng ký khai sinh của con để làm thủ tục đăng ký nhận cha mẹ con. Cụ thể, cha/mẹ/ con phải nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt. Chứng cứ chứng minh bao gồm: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con; Văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT-BTP.
Trường hợp, một bên cha/mẹ hoặc con không đồng ý hoặc một bên đã chết, thì bên muốn nhận cha mẹ con có thể làm đơn yêu cầu Tòa án xác nhận cha/mẹ cho con hoặc xác nhận con cho cha/mẹ theo quy định khoản 2 Điều 101 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Hồ sơ khởi kiện bao gồm: Đơn khởi kiện yêu cầu xác định cha cho con (theo mẫu); căn cước công dân (hoặc chứng minh nhân dân), sô·hộ khẩu; giấy khai sinh của con; văn bản, giấy tờ chứng minh mối quan hệ cha/mẹ; Xác nhận của công đồng dân cư về việc chung sống như vợ chồng…. theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT-BTP. Trong trường hợp vụ án được thụ lý giải quyết và đưa ra xét xử, Tòa án có thể yêu cầu trưng cầu giám định ADN để xác định quan hệ cha con. Tuy nhiên, trên thực tế, cha/mẹ/con hoàn toàn có quyền từ chối và Tòa án không thể ép buộc. Nếu không thể thu thập được mẫu vật để giám định ADN thì Tòa án phải căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được để tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung mà không tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Công văn 89/TANDTC- PC.
Xem thêm : Những nơi có múi giờ kỳ lạ trên thế giới
Sau khi tòa án có quyết định công nhận quan hệ cha con, bên có yêu cầu mang bản án hoặc quyết định của tòa án đến UBND xã (nơi đăng ký khai sinh của con trước đây) để được hướng dẫn làm thủ tục đăng ký họ tên của cha mẹ con trên giấy khai sinh theo quy định tại Điều 27 Luật Hộ tịch năm 2014.
4. Trong trường hợp cha/mẹ không để lại di sản cho con ngoài giá thú thì họ có được khởi kiện không.
Như đã nêu ở trên, con ngoài giá thú vẫn có quyền được hưởng di sản nếu di chúc hợp pháp có nội dung chỉ định con ngoài giá thú là người thừa kế hoặc trường hợp không có di chúc và sẽ chia thừa kế theo pháp luật.
Do đó, trong trường hợp không có di chúc mà khi cha/mẹ mất, nếu con ngoài giá thú không được nhận di sản thừa kế thì có thể khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu chia di sản thừa kế của cha/mẹ.
Bên cạnh đó, nếu di chúc mà cha/mẹ để lại không hợp pháp (vi phạm quy định về hình thức, nội dung…) thì bạn có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố di chúc vô hiệu và tiến hành chia thừa kế di sản theo pháp luật.
5. Tình huống thực tế
Thưa luật sư, tôi năm nay 20 tuổi, là con ngoài giá thú của bố tôi, không sinh sống cùng gia đình ông ấy. Do mâu thuẫn nên bố tôi nói rằng sẽ không chia tài sản cho tôi mà chỉ cho các con chung của ông ấy với vợ hiện tại dù ông ấy có rất nhiều tài sản. Xin luật sư cho biết bố tôi làm vậy có đúng không? Liệu tôi có quyền đòi tài sản của bố tôi không?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi, Luật sư xin được trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Do đây là tài sản của bố bạn, nên bố bạn có quyền định đoạt đối với phần tài sản này căn cứ theo quy định tại Điều 194 Bộ luật dân sự 2015: “Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.” Vì vậy, nếu bố bạn có đủ năng lực hành vi dân sự thì bố bạn có quyền chỉ định người được nhận tài sản mà không ai có quyền ý kiến và việc này không trái quy định của pháp luật.
Trong trường hợp bố bạn mất có để lại di chúc nhưng truất quyền thừa kế của bạn (không phân chia di sản thừa kế cho bạn), nếu di chúc đáp ứng đủ các điều kiện về tính hợp pháp thì những người được nhận di sản theo di chúc sẽ tiến hành việc kê khai di sản thừa kế theo đúng phần của họ và bạn sẽ không được hưởng di sản thừa kế của bố bạn. Trừ trường hợp bạn không có khả năng lao động, thì theo quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự 2015, bạn sẽ được hưởng ⅔ suất của một người thừa kế.
Nếu di chúc không hợp pháp và một trong những người thuộc hàng thừa kế có yêu cầu tuyên di chúc vô hiệu thì di sản bố bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật. Và theo đó, bạn và những người thừa kế khác sẽ được hưởng các phần bằng nhau từ khối di sản bố bạn để lại.
Xem thêm : 9 Phẩm chất và Năng lực giáo viên mầm non cần có
Do đó, chỉ trừ trường hợp di chúc vô hiệu thì bạn mới có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Như Thùy, Minh Hạnh, Ngọc Hiếu, Lan Anh
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp