Chính sách tiền tệ quốc gia là gì? Các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia

Chính sách tiền tệ quốc gia là gì? Các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia

Chính sách tiền tệ quốc gia là gì? Các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Chính sách tiền tệ quốc gia là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010, chính sách tiền tệ quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm quyết định mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát, quyết định sử dụng các công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra.

2. Các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sử dụng công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bao gồm tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ, biện pháp khác theo quy định của Chính phủ. (Điều 10 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010)

Cụ thể các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia như sau:

* Tái cấp vốn

Tái cấp vốn là hình thức cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước quy định và thực hiện việc tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng theo các hình thức sau đây:

– Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá;

– Chiết khấu giấy tờ có giá;

– Các hình thức tái cấp vốn khác.

(Điều 11 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010)

* Lãi suất

Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi.

Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác.

(Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010)

* Tỷ giá hối đoái

Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá hối đoái, quyết định chế độ tỷ giá, cơ chế điều hành tỷ giá.

(Điều 13 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010)

* Dự trữ bắt buộc

Dự trữ bắt buộc là số tiền mà tổ chức tín dụng phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với từng loại hình tổ chức tín dụng và từng loại tiền gửi tại tổ chức tín dụng nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước còn quy định việc trả lãi đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc, tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của từng loại hình tổ chức tín dụng đối với từng loại tiền gửi.

Xem thêm: Dự trữ bắt buộc là gì? Tỷ lệ dữ trữ bắt buộc theo quy định mới nhất

(Điều 14 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010)

* Nghiệp vụ thị trường mở

Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiệp vụ thị trường mở thông qua việc mua, bán giấy tờ có giá đối với tổ chức tín dụng.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước quy định loại giấy tờ có giá được phép giao dịch thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Xem thêm: Nghiệp vụ thị trường mở là gì? 05 quy định về nghiệp vụ thị trường mở

(Điều 15 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010)

3. Thẩm quyền quyết định chính sách tiền tệ quốc gia

Thẩm quyền quyết định chính sách tiền tệ quốc gia được quy định như sau:

– Chính phủ trình Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hằng năm. Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sử dụng các công cụ và biện pháp điều hành để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia theo quy định của Chính phủ.

– Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hằng năm được thể hiện thông qua việc quyết định chỉ số giá tiêu dùng và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

(Khoản 2, 4 Điều 3 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010)