TỘI XÂM PHẠM CHỖ Ở CỦA NGƯỜI KHÁC THEO QUY ĐỊNH BỘ LUẬT HÌNH SỰ – Hình sự – Vega Lawfirm

TỘI XÂM PHẠM CHỖ Ở CỦA NGƯỜI KHÁC THEO QUY ĐỊNH BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Xâm phạm chỗ ở của công dân, được hiểu là hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi người khác khỏi chỗ ở của họ một cách trái pháp luật có hành vi khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của họ. Để bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, Bộ Luật hính sự đã quy định tội xâm phạm chỗ ở của người khác.

1. Khái niệm tội xâm phạm chỗ ở của người khác

Tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định Điều 158 Bộ luật hình sự 2015 Sửa đổi, bổ sung 2017:

  • Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác thì bị xử lý hình sự về tội xam phạm chỗ ở của người khác:
  • Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
  • Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;
  • Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;
  • Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

2. Các dấu hiệu cở bản của tội phạm:

a. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội phạm này có một trong các hành vi sau:

  • Có hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác: là hành vi của người không có thẩm quyền, nhiệm vụ nhưng vì động cơ riêng tư đã tự ý vào lục soát, khám xét, tìm kiếm những gì mà người khám có ý định tìm kiếm trong phạm vi chỗ ở của người khác khi chưa được sự cho phép của pháp luật hoặc hành vi của người có thẩm quyền, nhiệm vụ khám chỗ ở nhưng không chấp hành đúng những quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền ra lệnh, tiến hành khám xét chổ ở (không có lệnh khám xét chỗ ở hoặc tuy có lệnh nhưng lệnh đó không hợp pháp hoặc khi thực hiện việc khám không đúng thủ tục…). Như vậy, việc khám chỗ ở của công dân được pháp luật quy định rất chặt chẽ, nếu khám xét chỗ ở của công dân không đúng với quy định trên đều là hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân. Tuy nhiên không phải hành vi vi phạm nào cũng cấu thành tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm chỗ ở của công dân, mà chỉ coi là tội phạm khi hành vi xâm phạm chỗ ở được thực hiện do cố ý, nếu vì thiếu trách nhiệm hoặc do trình độ nghiệp vụ non kém thì tuỳ trường hợp có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị xử lý hành chính.
  • Có hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi nơi ở của họ. Được thể hiện qua hành vi dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác buộc người bị hại rời bỏ nơi ở của họ không đúng với quy định của pháp luật. Hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ thường do những người không có chức vụ, quyền hạn thực hiện như: Chủ nợ xiết nợ, tranh chấp thừa kế, tranh chấp trong trong quan hệ thuê nhà, muợn nhà… Tuy nhiên, cũng có trường hợp người thực hiện hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ lại do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, trong trường hợp này chủ yếu do những người thực hiện công vụ trái pháp luật như: Cán bộ thi hành án, cán bộ thi hành quyết định hành chính gây ra.

Hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ được coi là hoàn thành khi người bị đuổi buộc phải ra khỏi nhà, không kể thời gian là bao nhiều, đối với một người hay tất cả gia đình họ, không kể sau khi bị đuổi họ không được trở lại hay được trở lại chỗ ở trước đó bị đuổi.

  • Có hành vi chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ là hành vi dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở được vào chỗ ở của họ. Mọi thủ đoạn ở đây có thể là lừa đảo, đe dọa, dùng vũ lực để họ không thể vào chỗ ở của mình.
  • Có hành vi xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác là hành vi tự ý ra vào chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp của chỗ ở đó.

b. Mặt chủ quan:

Tội xâm phạm chỗ ở của công dân được thực hiện do cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Người phạm tội xâm phạm chỗ ở của công dân thực hiện hành vi của mình do cố ý trực tiếp (hình thức lỗi cố ý thứ nhất), nhưng cũng có trường hợp người phạm tội chỉ nhận thức được hành vi là trái pháp luật, có thể thấy trước hậu quả của hành vi, không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xẩy ra (hình thức lỗi cố ý gián tiếp).

Người phạm tội xâm phạm chỗ ở của công dân có nhiều động cơ khác nhau; động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội của người phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

Mục đích của người phạm tội là mong muốn xâm phạm được chỗ ở của người khác. Tuy nhiên, mức độ có khác nhau, có người chỉ mong khám chỗ ở của người khác, có người mong đuổi được người khác ra khỏi chỗ ở, có người mong lấn chiếm được được một phần chỗ ở của người khác.v.v…

c. Mặt khách thể:

Chỗ ở của công dân là nơi đang có người ở hợp pháp. Có thể đó là nơi ở thường xuyên lâu dài hay tạm trú, có thể là nơi ở cố định hoặc di động, là một toà nhà gồm cả sân và vườn phụ hay chỉ là một căn phòng hoặc một phần của một phòng, không kể là nhà thuộc sở hữu của họ hay thuê, mượn, hoặc ở nhờ. Chỗ ở hợp pháp được cơ quan hoặc chính quyền địa phương thừa nhận.

Điều 22 Hiến pháp năm 2013 quy định:

“Điều 22.

1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.”

Khách thể của tội phạm này là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác

c. Chủ thể:

Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự, từ đủ 16 tuổi trở lên. Một số trường hợp chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để phạm tội, đây là tình tiết tăng nặng, định khung.

2. Hình phạt tội xâm phạm chỗ ở của người khác

a. Khung hình phạt 1:

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

  • Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
  • Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;
  • Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;
  • Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

b. Khung hình phạt 2:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

  • Có tổ chức;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;
  • Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

c. Khung hình phạt 3:

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Hình phạt bổ sung này chỉ có thể áp dụng đối với trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn

3. Những trường hợp pháp luật cho phép khám xét chỗ ở của công dân

Khám xét chỗ ở theo qui định Bộ luật Tố tụng Hình sự gồm Điều 192 – Căn cứ khám chỗ ở của công dân; Điều 193 – Thẩm quyền ra lệnh khám xét chỗ ở của công dân; Điều 195 – Nội dung khám chỗ ở của công dân.

Khám xét chỗ ở theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, gồm: Điều 129 – Khám nơi cất giấu tang vật phương tiện vi phạm hành chính

Như vậy, khám xét chỗ ở của công dân ngoài những quy định pháp luật nêu trên, được coi là khám xét trái pháp luật.

Để được tư vấn cụ thể và hỗ trợ Quý khách vui lòng liên hệ:

VEGA LAW FIRM

Address: Tầng 3, Tòa nhà Thanh Niên Media, Số 345/134 Trần Hưng Đạo, Phường Cầu Kho, Quận 1, Thành Phố Hồ Chí Minh.

Hotline: (+84 28) 3836 1818 – 0903 891 968

Facebook: vegalawfirmvietnam

Email: info@vega-lawfirm.com

Website: www.vega-lawfirm.com

Công ty Luật TNHH VEGA rất mong được hỗ trợ và nhận được sự hợp tác từ Qúy khách hàng!

Trân trọng.