“Công – Dung – Ngôn – Hạnh” đã trải qua quá trình di thực trên không gian, thời gian và có nhiều tiếp biến. Chúng ta lật giở lại tứ đức, cũng như nói chuyện xưa tích cũ, không nhằm so sánh theo kiểu “thời xưa tốt hơn hay thời nay tốt hơn” mà để nhìn nhận vấn đề trên tinh thần cởi mở, phù hợp tâm lý tiếp nhận hiện đại, để qua đó thấy được cái tất yếu của sự phát triển.
Công – Ngôn – Dung – Hạnh: Hệ giá trị của phụ nữ hiện đại
Bạn đang xem: “Công – Dung – Ngôn – Hạnh” của phụ nữ thời 4.0
Đầu tiên, chúng ta phải khẳng định rằng Công – Dung – Ngôn – Hạnh của phụ nữ hiện đại không đơn thuần là chuẩn mực mà còn là hệ giá trị được chính phụ nữ hiểu và xác lập vì chính bản thân của mình. Họ biết Công – Dung – Ngôn – Hạnh là những tính đức tốt đẹp và chủ động trau dồi. Họ cũng biết linh hoạt điều chỉnh mức độ, có sự phản tư khi phát hiện những nhược điểm trong cách giữ lề lối Công – Dung – Ngôn – Hạnh từ thời phong kiến.
Vì vốn dĩ bản thân tính truyền thống không đi ngược lại với tính dân tộc, văn hóa cũng có tính động để đào thải những cái không phù hợp. Tứ đức lúc này không phải để thắt “mối chết” phận người phụ nữ mà giúp người phụ nữ lên một tầm đẳng cấp khác.
Tuy nhiên, những hiện tượng lợi dụng diễn ngôn nữ quyền, cực đoan, đánh tráo khái niệm và làm biến tướng bản sắc, sai lệch những giá trị cốt lõi tốt đẹp của người phụ nữ thì cần phải nhận ra và tránh đi. Đương nhiên, những người văn minh đúng nghĩa sẽ không bao giờ ủng hộ những trường hợp đó.
Tham chiếu cụ thể mỗi đức tính trong thời hiện đại
CÔNG
Ngày nay, CÔNG không rào người phụ nữ trong nữ công gia chánh, chỉ biết dính liền với cái chổi, nồi cơm, những đứa con mọn… mà CÔNG còn được thể hiện qua nhu cầu riêng và có quyền bước ra ngoài xã hội. Họ có thể làm việc và đóng góp cho xã hội, có những mối quan hệ không thua kém gì những đấng mày râu.
Thậm chí trong thời đại 4.0 gây rúng động toàn cầu với những sự phát triển khoa học và công nghệ, phụ nữ cũng đóng góp đáng kể, từ các ngành học liên quan đến khoa học tự nhiên hay kỹ thuật cũng có sự góp mặt của phụ nữ. Phụ nữ là chính trị gia, là phi hành gia, là giáo sư, tiến sĩ…
Xem thêm : Top các trường đào tạo ngành Thiết kế đồ họa uy tín tại Hà Nội
Nếu bàn vi mô và quen thuộc hơn như chuyện gia đình, chữ CÔNG không có sự phân chia rạch ròi phận sự như câu ca dao:“Anh đi em ở lại nhà/ Hai vai gánh vác mẹ già, con thơ/ Lầm than bao quản muối dưa/ Anh đi anh liệu chen đua với đời”. Thay vào đó, việc sự nghiệp to tát hay việc gia đình nhỏ vặt đều cần được san sẻ.
Chúng ta không phủ nhận rằng CÔNG ngày xưa và CÔNG ngày nay vẫn là điều gia huấn trên tinh thần là người phụ nữ cần biết tháo vát, biết lo toan. Nhưng ở thời 4.0, cái khái niệm CÔNG có nhiều biến đổi, người phụ nữ hiện nay được chủ động chọn lựa và tự tin hơn khi thực hiện phận sự CÔNG của mình.
DUNG
Tiếp đến, với chữ DUNG, khi nhắc về những câu chuyện “gót sen ba tấc” đến tận bây giờ vẫn thật khiến người ta phải “đau đớn thay phận đàn bà” xưa ấy. Trở lại chuyện ngày nay, vì DUNG có lẽ là cách dễ nhận ra nhất nên ta thấy không ít những người phụ nữ chọn cách thể hiện cá tính qua vẻ ngoài. Tuyệt vời nhất là cái đẹp của chữ DUNG lúc này đi kèm với sự khỏe khoắn, hiện đại và tự tin của người phụ nữ.
Và hơn hết, những việc làm đẹp như makeup, tập thể dục thể thao hay tìm đến các cơ sở thẩm mỹ… trong chừng mực nào đó vẫn là vì chính bản thân những người nữ. Họ muốn dung nhan của mình được nâng cấp để họ tự tin hơn, hưởng trọn vẹn thanh xuân hơn, sống hết mình hơn. Các cụ có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, quả không sai, nhưng nếu “tốt gỗ” và tốt cả “nước sơn” thì là quá tốt, có chi mà phải e ngại!
NGÔN
Với chữ NGÔN, người phụ nữ ngày nay không chỉ biết giữ chữ NGÔN mà còn biết dụng chữ NGÔN. Vì Công – Dung – Ngôn – Hạnh xưa đặt người phụ nữ quanh quẩn trong khu vườn mảnh ruộng, căn nhà bếp, chiếc nôi ru con… nên chữ NGÔN thời ấy cũng thường nghe liên quan đến việc điều tiết không khí trong gia đình bằng cách cam chịu, nhẫn nhịn, kiểu như: “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê”.
Chúng tôi không nói như thế là sai. Nhưng ngày nay, chữ NGÔN của người phụ nữ được mở rộng nội hàm hơn rất nhiều. Họ biết dùng lời nói khéo léo, lịch sự, ngọt ngào, biết nhu biết cương đúng lúc để bảo vệ quyền lợi của bản thân, hoặc làm tăng niềm vui, thêm sinh khí cho gia đình hay tại cơ quan làm việc…
Bản thân người phụ nữ biết dụng chữ NGÔN còn được thể hiện qua việc họ thực hiện các chiến dịch lan tỏa tinh thần bình đẳng, vì sự tiến bộ của con người. Họ là những chuyên gia giỏi thể hiện những buổi trò chuyện, tư vấn, chia sẻ…
Hơn nữa, họ có thể là những nhà ngoại giao xuất sắc, là những người truyền cảm hứng và năng lượng tích cực đến mọi người. Họ cũng có thể làm tốt đời mình, đẹp xã hội thông những sáng tác nghệ thuật (bởi NGÔN ở đây có thể ở dạng nói hoặc viết).
HẠNH
Cuối cùng, chữ HẠNH thời nay vẫn thiên về tâm tính, hành vi thiện lành và dường như còn rất tiệm cận với chữ HẠNH xưa kia như một phần giá trị đạo đức cố hữu cần phải có. Đó là biết đối nhân xử thế, hiểu chuyện, lương thiện, biết phân biệt đúng sai, có lòng tự trọng, làm gương tốt…
Chỉ có điều, chữ HẠNH thời nay có đôi phần đổi mới, HẠNH không có nghĩa là cam chịu, là chấp nhận “chồng chúa vợ tôi”, là nước mắt ngắn dài, thổn thức từng đêm để chồng “tam thê, tứ thiếp” hay “Vì đứa con côi, em phải sống/ Nuôi con rỏ lệ máu tim hòa/ Muôn vàn hạnh phúc hi sinh hết/ Tim nát, thời gian lặng lẽ qua” (Tương Phố).
Phụ nữ ngày nay có quyền quyết định vận mệnh hôn nhân, hạnh phúc của mình. Họ hoàn toàn có thể chủ động kết thúc một mối tình, một cuộc hôn nhân nếu họ cảm thấy không vui vẻ, không được tôn trọng, không có tiếng nói chung từ con tim để cuộc sống và tình yêu của họ đượm sắc… Khi làm vậy họ hoàn toàn không hề vi phạm vào phạm trù HẠNH.
Phụ nữ hiện đại tự tin vào bản thân, tạo nên sức mạnh nội tại
Trên tinh thần tích cực, hân hoan tin vào sự linh hoạt đổi mới của thời cuộc, Công – Dung – Ngôn – Hạnh ngày nay giúp cho người phụ nữ thêm tự tin vào bản thân, phát huy giá trị, tạo nên sức mạnh nội tại và khẳng định nhân hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế nếu không có sự thay đổi nhân sinh quan, thế giới quan và thẩm mỹ quan của cả xã hội thì vẫn còn đó những mặt trái, góc khuất và sự bất nhất trong quan niệm.
Công – Dung – Ngôn – Hạnh của người phụ nữ thời hiện đại còn phải dung hòa, chu toàn nhiều phương diện hơn. Người phụ nữ có nhiều lựa chọn hơn nhưng cũng đối mặt với nhiều thành kiến hơn. Một mặt là thành kiến xưa cũ vẫn đo trên chuẩn mực tứ đức của Nho giáo. Mặt khác là sự đón nhận nửa vời khi người ta đồng ý cho người phụ nữ ra ngoài làm việc, thậm chí coi đây cũng là trách nhiệm nghĩa vụ với gia đình, xã hội (đảm đương nhiệm vụ như đàn ông) nhưng vẫn muốn họ phải đảm nhiệm hoàn toàn chuyện “cái bếp, cây chổi, cái tã cho con”, người đàn ông không muốn chia sẻ, gánh vác cùng. Rất may mắn là tỷ lệ này không quá cao.
Đến đây, chúng ta nhận ra rằng Công – Dung – Ngôn – Hạnh được xem là chuẩn mực nhưng rõ ràng nó không phải mô thức cố định cứng nhắc, mà nó đã và đang được tiếp biến một cách linh hoạt với tinh thần phản tư và trách nhiệm.
Chúng ta – những người công dân của thời 4.0, những người công dân toàn cầu phải hiểu rằng: Đây không chỉ là chuyện của người vợ, người mẹ, người con gái trong gia đình mà là của tất cả thành viên làm nên một gia đình. Đây không phải việc riêng của người phụ nữ trong xã hội mà là chuyện toàn xã hội cần phải quan tâm và có cái nhìn cởi mở, đúng đắn, toàn diện.
Có như thế, Công – Dung – Ngôn – Hạnh mới có thể hướng con người ta tu thân tề gia, tạo dựng hạnh phúc, góp phần ổn định xã hội, xây dựng đất nước một cách tích cực, đầy tính nhân văn và hiện đại.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp