Một số kết quả công tác dân số của tỉnh

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Toàn tỉnh có diện tích 8.310,18 km2 với tổng dân số là 802.090 người (số liệu dân số trung bình sơ bộ năm 2022), gồm 07 dân tộc chủ yếu, bao gồm: Tày, Nùng, Kinh, Sán Chay, Hoa, Dao, Mông, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 83,91%, sinh sống đan xen, phân bố không đồng đều, nhiều khu vực mật độ dân cư thưa, địa bàn rộng, điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn. Toàn tỉnh có 10 huyện và 01 thành phố với tổng số 200 đơn vị hành chính cấp xã. trong đó 88 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 9,27% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025).

Theo niên giám thống kê tỉnh Lạng Sơn năm 2021: Thu nhập bình quân đầu người một tháng chung toàn tỉnh theo giá hiện hành đạt 46.795 nghìn đồng; tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo 27,8% (khu vực thành thị là 56,4%, khu vực nông thôn là 17,2%); tỷ lệ dân số từ15 tuổi trở lên biết chữ là 95,76%; tuổi thọ trung bình là 72,45 tuổi; tổng tỷ suất sinh 2,32 con/phụ nữ; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,04‰, Tỷ số giới tính khi sinh năm 2021 là 114,6 trẻ trai/100 trẻ gái.

Lễ khai mạc Đại hội thể dục thể thao lần thứ IX, năm 2022

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai đầy đủ, kịp thời mục tiêu nhiệm vụ mới trong công tác dân số “Chuyển nhiệm vụ trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”. Đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số. Từ đó, thúc đẩy sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và cả cộng đồng trong công tác dân số và phát triển. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, các giải pháp duy trì mức sinh thấp hợp lý tiếp tục được thực hiện, từng bước kiểm soát được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm hạn chếtai biến sản khoa, giảm tử vong bà mẹ và trẻ em. Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác dân số và phát triển đều được cấp ủy, chính quyền đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm, nhiệm kỳ của địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu duy trì mức sinh, nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực. Các chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết số 21-NQ/TW đã được thực hiện đảm bảo theo kế hoạch; đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

Quy mô dân số tương đối ổn định, chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh cơ bản được khống chế và có xu hướng giảm dần (năm 2017 là 116,7/100 đến năm 2022 là 114/100); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên dưới 10%; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại bình quân đạt trên 69%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hằng năm duy trì dưới 1%… Các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được triển khai có hiệu quả, bước đầu đáp ứng yêu cầu, thách thức mới về công tác dân số. Các chỉ tiêu, kế hoạch được giao hằng năm đều thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch được giao: Tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sau sinh đạt chỉ tiêu đề ra, các chỉ số về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh đều tăng so với năm 2017; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ và chăm sóc sức khỏe theo quy định tăng hằng năm; nguồn kinh phí được triển khai thực hiện theo đúng quy định và phát huy hiệu quả… Chất lượng dân số toàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Đời sống nhân dân các dân tộc được cải thiện rõ rệt, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đưa công tác dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, của từng ngành, từng địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bảo đảm thống nhất nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội về công tác dân số trong tình hình mới.

Ban Biên tập