ĐÁNH BÀI THẮNG THUA BẰNG CÁCH TRẢ TIỀN ĂN, TIỀN UỐNG NƯỚC – CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT?

1. Đánh bài, đánh bạc là gì?

Đánh bạc là một tệ nạn xã hội thường dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như trộm cắp, cướp tài sản… Vì thế, pháp luật nghiêm cấm việc đánh bạc dưới mọi hình thức, đồng thời kiên quyết xử lý các đối tượng tham gia, đặc biệt là đối tượng tổ chức đánh bạc.

Việc đánh bạc được quy định rõ tại Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán như sau: “Đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp. Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc bao gồm: Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc; tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc; tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc”

2. Hình thức đánh bài ăn thua bằng cách trả tiền ăn, trả tiền uống nước có vi phạm pháp luật không?

Tội đánh bạc được pháp luật quy định rất rõ trong các điều của luật hình sự, đánh bạc bằng tiền hay hiện vật đều phạm tội. Các hình thức đánh bài ăn tiền hay vật chất đều cơ bản bị cấm tại Việt Nam, những người tham gia đánh bạc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chơi bạc hoặc bị xử lý vi phạm hành chính.

Pháp luật hiện hành quy định rất rõ về các hành vi phạm tội đánh bạc, cho dù người chơi bằng tiền mặt hay bằng các tài sản có giá trị để thắng thua vật chất. Đánh bạc bằng tiền mặt hay vật chất có giá trị dưới mức 5.000.000 VNĐ sẽ bị xử lý theo quy định hành chính.

Pháp luật không quy định mức tối thiểu của việc được, thua phải từ bao nhiêu trở lên mới bị xử phạt hành chính nên về nguyên tắc, nếu đánh bạc mà được, thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị dưới 5 triệu đồng và không thuộc một trong các trường hợp nói trên thì đều bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc trái phép. Theo điểm a khoản 2 Điều 26 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, hành vi này bị xử phạt hành chính từ 1 đến 2 triệu đồng.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về Tội đánh bạc và Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, việc đánh bạc có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau (như: xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế…) và người chơi có thể được, thua bằng tiền hoặc bằng hiện vật. Nếu việc được, thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng người chơi đã bị kết án về tội Đánh bạc hoặc Tội tổ chức đánh bạc hoặc Gá bạc, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đánh bạc

Việc cho phép khách hành chơi bài (dù chỉ để trả tiền cà phê hoặc giải trí) tại quán cà phê cũng có thể bị coi là hành vi chứa bạc. Theo quy định tại khoản 4 Điều 26, hành vi chứa bạc có thể bị xử phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng.

Với các quy định cụ thể bên trên, có thể khẳng định việc chơi bạc dưới mọi hình thức đều vi phạm pháp luật, việc chơi bài để giải trí hoặc để trả tiền nước cũng sẽ bị quy vào tội đánh bạc, nếu tài sản thắng thua trên dưới 5 triệu đồng sẽ được quy ở các mức phạt hành chính hay phạt theo luật hình sự.

Chuyên viên Huỳnh Như

Tư vấn Nhật Hướng