Các mức điểm cộng từng áp dụng
Căn cứ Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ GD&ĐT, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh lớp 10 các năm sau đó có chế độ cộng điểm khuyến khích cho nhiều đối tượng học sinh đạt thành tích cao ở một số lĩnh vực, kỳ thi, trong đó có học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp TP.
Bạn đang xem: Tuyển sinh lớp 10: Học sinh giỏi cấp tỉnh từng được ưu tiên thế nào?
Cụ thể, tại kỳ thi lớp 10 công lập không chuyên, dù áp dụng hình thức thi tuyển hay thi tuyển kết hợp xét tuyển, thì trong điểm xét tuyển vẫn có điểm cộng thêm (chế độ ưu tiên, khuyến khích).
Chế độ ưu tiên cơ bản giữ ổn định với diện đối tượng chính sách (cộng từ 1-3 điểm), còn chế độ khuyến khích dành cho nhiều loại đối tượng; bao gồm học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh/TP với mức cộng từ 1- 2 điểm (Giải Nhất: cộng 2,0 điểm; giải Nhì: cộng 1,5 điểm; giải Ba: cộng 1,0 điểm).
Với kỳ thi vào lớp 10 chuyên, học sinh giỏi cấp TP chỉ được cộng điểm ở vòng xét tuyển (vòng 1). Tại vòng 2, đối tượng này không được hưởng chế độ khuyến khích nào.
Xem thêm : Chính trị 09:37, 29/05/2015 GMT+7
Còn tại TP Hồ Chí Minh, Thông tư 11/2014 của Bộ GD&ĐT được thực hiện có phần linh động hơn khi địa phương này áp dụng cộng điểm khuyến khích học sinh đạt giải chính thức trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa với cả kỳ thi lớp 10 công lập và lớp 10 chuyên (nếu môn đạt giải là môn chuyên mà học sinh đăng kí dự thi). Mức điểm khuyến khích như sau: Giải Nhất: cộng 2,0 điểm; giải Nhì: cộng 1,5 điểm; giải Ba: cộng 1,0 điểm).
Cơ chế cộng điểm khuyến khích trên được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2019- khi Bộ GD&ĐT ra văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT. Tại văn bản này, chế độ cộng điểm khuyến khích của các Sở GD&ĐT địa phương trong kỳ thi vào lớp 10 đã được hủy bỏ.
Do đâu bỏ cộng điểm khuyến khích?
Theo đại diện Bộ GD&ĐT, sở dĩ quy định của các Sở GD&ĐT về đối tượng và mức điểm cộng trong tuyển sinh vào lớp 10 không còn hiệu lực vì đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số lượng cuộc thi ở địa phương, góp phần gây áp lực cho học sinh và không tạo sự đồng thuận xã hội.
Bàn luận về vấn đề này, anh Ngô Ngọc Hải, phụ huynh từng có con đạt giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lý phân tích: “Bộ ra quy định bãi bỏ việc cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi vào lớp 10 có lẽ do nhận thấy những vấn đề bất cập xung quanh. Một trong số đó là bởi các địa phương quy định quá nhiều đối tượng được cộng điểm khuyến khích. Khi có nhiều cuộc thi được cộng điểm sẽ đẻ ra những hệ quả mà chính học sinh phải gánh chịu, và áp lực này do phụ huynh tạo nên…”.
Anh Ngô Ngọc Hải lấy dẫn chứng: Ở Hà Nội khi đó, ngoài điểm khuyến khích cho học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp TP thì còn cộng điểm (1,0- 2,0 điểm) cho nhiều đối tượng khác, đó là học sinh đạt giải cá nhân hoặc đồng đội trong các kỳ thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; thi vẽ; thi viết thư quốc tế; thi giải toán trên máy tính cầm tay; thi thí nghiệm thực hành một trong các bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; thi vận dụng kiến thức giải quyết tình huống thực tiễn; thi giải Toán bằng tiếng Anh (HOMC); thi giải Toán qua internet, thi Olympic Tiếng Anh; thi học sinh giỏi môn kỹ thuật (là các giải do ngành GD&ĐT tổ chức hoặc phối hợp với các ngành từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp THCS). Học sinh được cấp chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi nghề do Sở GD&ĐT tổ chức ở cấp THCS cũng được cộng từ 0,5- 1,5 điểm. Tại TP Hồ Chí Minh, cơ chế cộng điểm khuyến khích cũng thực hiện tương tự như vậy.
“Hồi đó chỉ điểm qua danh sách các đối tượng được cộng điểm khuyến khích đã thấy… nhức đầu. Và từ đây đã phát sinh không ít tiêu cực không đáng có”- anh Ngô Ngọc Hải nhận định.
Kỳ thi vào lớp 10 là kỳ thi chính thống do Sở GD&ĐT địa phương tổ chức. Học sinh dự thi cạnh tranh nhau về kiến thức học thuật các môn học chứ không phải là kỳ thi năng khiếu, văn nghệ, thể thao. Các kỳ thi giải Toán, thi Tiếng Anh qua mạng, thi kỹ thuật… có nội dung thi chưa thực sự bài bản, -chưa được kiểm chứng.
Trong khi đó, kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/TP là kỳ thi có chất lượng do Sở GD&ĐT, giữa những học sinh có năng lực được tuyển chọn, ôn luyện kỹ và thi các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông. Do vậy, theo anh Ngô Ngọc Hải, việc duy trì cơ chế cộng điểm khuyến khích cho đối tượng đạt giải học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh/TP là hợp lý; còn lại, các đối tượng được cộng điểm khuyến khích khác có thể loại bỏ.
“Khi thấy cơ chế cộng điểm khuyến khích hướng đến các đối tượng quá rộng, không phù hợp thì việc xem xét, chọn lọc lại đối tượng là điều nên làm. Tuy nhiên, việc bãi bỏ hẳn quy định cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi lớp 10 công lập như hiện nay là chưa thỏa đáng. Học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa cần thiết và xứng đáng hưởng cơ chế động viên nhất định để vừa tạo sự khích lệ, vừa đảm bảo tính nhân văn, công bằng trong giáo dục…”- một giáo viên bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi tại Hà Nội kiến nghị.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp