Đậu Hà lan và những tác dụng vàng cho sức khỏe

Đậu Hà lan là loại rau xuất hiện nhiều, quen thuộc trong các món ăn của người dân Việt Nam. Với sự đa dạng trong thành phần và tác dụng dược lý mà loài thực vật này vừa có giá trị dinh dưỡng cao vừa có công dụng tốt đối với sức khỏe chúng ta. Sau đây, hãy cùng YouMed hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của loại cây gần gũi này.

Đậu Hà lan là gì?

  • Tên gọi khác: Đậu hòa lan, đậu pơ tí poa…
  • Tên khoa học: Pisum sativum L.
  • Họ khoa học: Thuộc họ Đậu (Fabaceae).
  • Bộ phận dùng: Hạt đậu Hà lan- Semen Pisi Sativi.

Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Đặc điểm sinh trưởng

Theo một số tài liệu, loại rau này có nguồn gốc ở Trung hay cận Đông Á,… Đây là loài có lịch sử trồng trọt từ mấy ngàn năm. Hiện nay, có thể bắt gặp loài cây này ở rất nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh phía bắc.

Đất trồng đa dạng từ đất sét, đất nhiều mùn, đất cát nhẹ… Thế nhưng, để đạt được chất lượng đậu tốt và năng suất cao nên trồng ở đất pha cát, đất thịt nhẹ, giữ ẩm và thoát nước tốt. Nên trồng luân canh với cây trồng khác để đạt hiệu quả thu hoạch cao hơn.

Đậu Hà lan phù hợp với khí hậu mát mẻ, sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở nhiệt độ trung bình từ 18-25 độ C. Thời tiết nếu quá nóng khô hạn hay quá lạnh lẽo đều không thể trồng được cây.

Độ ẩm cần thiết cho cây tương đối cao, trung bình khoảng 75%. Cây dễ bị ảnh hưởng bởi độ ẩm, nếu quá nhiều nước, sẽ dễ bị úng thối, ảnh hưởng khả năng sinh sản. Ngược lại, nếu đất quá khô, sẽ làm cây khó phát triển, khô héo. Chính vì vậy, cần giữ độ ẩm cho đất hợp lí để tạo điều kiện phát triển cho cây.

Một số bệnh cây trồng như bạc lá, bọ trĩ, côn trùng… cần được đề phòng và diệt trừ. Sau khi gieo trồng, khoảng 10 ngày, hạt sẽ nảy mầm.

Thu hái

Ở Việt Nam, cây thường được trồng vào tháng 10 hằng năm tại miền Bắc. Nếu trồng vào vụ trái mùa sẽ cho năng suất cây trồng không cao.

Khoảng 2 đến 3 tháng, gieo hạt xuống đất, có thể bắt đầu thu hoạch cây. Thời điểm trong ngày, tốt nhất để thu hái là vào buổi sáng. Thu hái lúc lá chưa mở, bởi đây là thời điểm hạt cho chất lượng cao.

Thuộc loài thực vật có giá trị kinh tế cao. Quả non làm rau xanh bổ dưỡn hoặc làm thức ăn cho súc. Ngoài ra, sau đó, người ta còn đem hạt sấy hoặc phơi khô, rồi đem tách vỏ.

Mô tả toàn cây đậu Hà lan

Đậu Hà lan thuộc nhóm cây thân thảo thấp, mọc leo. Rễ của loài này có thể bám sâu và rộng, có thể trồng trên vùng đồi sườn núi…

Lá dạng kèm có khoảng 3 đôi lá chét. Phiến lá thuôn, hình trứng, màu xanh. Cuống các lá chét biến dần thành tua cuốn, có lá kèm rất lớn.

Hoa mọc thành chùm ở nách lá, hoa to màu tím hoặc trắng.

Có quả dẹt, 2 đầu nhọn ít, màu xanh lá. Bên trong có 5-6 hạt hình cầu, vị ngọt bùi, thơm ngon.

Đậu Hà lan là loại thực phẩm quen thuộc trong các bữa ăn.
Đậu Hà lan là loại thực phẩm quen thuộc trong các bữa ăn

Bảo quản

Thực phẩm sau khi thu hái, rửa sạch, loại bỏ chất bẩn, để trong bọc kín, giữ nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp. Tốt nhất nên để trong ngăn mát tủ lạnh sẽ bảo quản được lâu hơn.

Thành phần hóa học đậu Hà lan

Theo nhiều tài liệu, đậu Hà lan có thành phần hóa học khá đa dạng và phong phú:

Hạt khô: Glucid 55,2%, lipid 1,5%, protid 22,8%, cellulose 7,7%, tro 3,5%. Giàu vitamin và khoáng chất như sắt, kali, iod (1730mg%), vitamin A, B, C, folate… Ngoài ra còn có các acid amin như tyrosin 2,87%, tryptophan 1,17%, lysin 4,60%, arginin 11,42%, cystin 0,89%, canxi 6%, sắt 13%. Hạt chứa cả alcaloid trigonellin, tro của hạt chứa As 0,026mg% và có alcaloid piplartine và dầu hạt chứa galactolipit.

Một cốc đậu (63g) theo USDA chứa 27 kcal, 3mg sodium, 4.8g carbohydrate, 1.8g protein, 2.5 g đường…

Tác dụng của đậu Hà lan

Hỗ trợ hệ tim mạch, giảm mỡ máu

Đậu Hà lan là loại thực phẩm giàu kali, một ion có tác dụng ổn định nhịp tim và cả các chất oxy hóa giúp tim luôn khỏe mạnh. Bên cạnh đó, việc chứa nhiều flavonoid, kích thích chuyển hóa cholesterol xấu ở gan, cũng góp phần làm giảm các nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như nhồi máu cơ tim, thiếu máu tim…

Ngăn ngừa lão hóa và cải thiện cân nặng

Nhờ việc chứa ít calo và chất béo, thực phẩm rất thân thiện cho người ăn kiêng, giảm cân, cần quản lý cân nặng và tốt cho cơ thể. Không chỉ vậy, nhờ giàu các vitamin và khoáng chất, và cả các chất chống oxy hóa mạnh mẽ như flavonoid, axid phenolic…mà đậu Hà lan có thể hỗ trợ ngăn ngừa các gốc tự do gây hại cho tế bào. Nhờ vậy, mà làm chậm đi sự lão hóa của cơ thể, loại bỏ các chất độc hại, giúp cơ thể luôn tươi trẻ, làn da hồng hào hơn.

Tốt cho người bệnh đái tháo đường

Đậu Hà lan thuộc loại rau giàu chất xơ, làm chậm quá trình hấp thu các chất đường và chất béo trong cơ thể, tăng tiết insulin. Từ đó, quá trình này sẽ giữ cho đường huyết ổn định hơn, phù hợp với người có các tiền sử mắc bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân…

Bên cạnh đó, những chất xơ không hòa tan, làm chúng ta có cảm giác nhanh no, no lâu hơn. Cũng nhờ vậy mà giảm cảm giác thèm ăn, thúc đẩy nhu động ruột, kích thích tiêu hóa…Hiệp hội đái tháo đường Mỹ khuyến nghị rằng, mỗi ngày nên ăn khoảng 3 phần rau, phụ nữ cần 25g chất xơ, nam giới là 38g. Vậy đây chính là sự lựa chọn tuyệt vời cho bữa ăn, đảm bảo cung cấp lượng xơ đầy đủ.

Bảo vệ niêm mạc dạ dày

Chất xơ cũng như một số hoạt chất thiết yếu trong loại thực vật này, có khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày trước những tác động xấu của acid, hay những gốc tự do xấu. Nhờ đó mà hệ thống tiêu hóa cũng được hoạt động tốt hơn, ngăn ngừa được những cơn đau dạ dày.

Đậu hà lan giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, ngừa táo bón...
Đậu hà lan giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, ngừa táo bón…

Thúc đẩy phát triển xương, ngăn ngừa loãng xương

Bởi vì có nhiều khoáng chất như canxi, magie… cũng như các chất chống viêm đóng vai trò chính trong sức khỏe xương khớp, duy trì hệ thống xương chắc khỏe hơn, giảm loãng xương, viêm khớp…

Giảm tóc gãy rụng

Vitamin C có trong thực vật là thành phần sản xuất collagen dồi dào. Đây là chất giúp các nang tóc phát triển tốt, hạn chế các vấn đề về tóc như gãy rụng, khô, giúp tóc suông mượt hơn, đầy đặn hơn.

Tốt cho phụ nữ có thai

Đậu có vỏ chứa nhiều acid folic, giúp cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển não bộ của thai nhi, ngừa dị tật bẩm sinh, tăng khả năng nhận thức. Chính vì vậy, đây là thực phẩm vàng cho phụ nữ có thai trong các bữa ăn hàng ngày.

Cách sử dụng đậu Hà lan

Tùy mục đích sử dụng có thể dùng đậu Hà lan với nhiều cách và liều lượng khác nhau. Cây vị ngọt, giàu dinh dưỡng, có thể dùng để nấu ăn như xào, luộc, soup…Có thể thấy loại thực phẩm này trong các nhà hàng, khách sạn,… bởi hương vị độc đáo, thơm ngon, bổ dưỡng được nhiều thực khách ưa chuộng. Mỗi ngày, ta không nên dùng quá 200g đậu.

Một số lưu ý khi sử dụng:

  • Chọn những hạt đậu chắc, xanh tươi mới, nặng hạt, không sâu, không hư để dùng.
  • Người có tiền sử bị gout nên cẩn trọng. Bởi lượng purin cao trong thực phẩm, sẽ làm tăng tích tụ acid uric màu, dễ làm tăng tình trạng bệnh…

Một số bài thuốc từ đậu Hà lan

Làm sáng và săn chắc làn da, dịu vết thương

Đem đậu Hà lan khoảng 1 nắm tay, rửa sạch, đem xay nhuyễn, rồi dùng hỗn hợp này làm mặt nạ, massage nhẹ nhàng. Các làm này giúp tăng lưu thông mạch máu, trắng sáng hơn, mỗi tuần nên thực hiện từ 2-3 lần. Ngoài ra, có thể dùng hạt đậu nghiền mịn, đắp lên vùng da bị nóng rát do bỏng. Như vậy sẽ làm dịu mát, giảm đỏ vết thương.

Tốt cho phụ nữ có thai và đang cho con bú

Đậu Hà lan khoảng 200g, đem hầm chín với móng heo, ngày ăn 1 lần. Món ăn này sẽ giúp tăng tiết sữa cho bà mẹ đang cho trẻ bú.

Các món ăn từ đậu Hà lan như cháo, soup, salad đều rất thơm ngon và bổ dưỡng.
Các món ăn từ đậu Hà lan như cháo, soup, salad đều rất thơm ngon và bổ dưỡng.

Đậu Hà lan từ lâu đã quen thuộc và gần gũi trong cuộc sống của chúng ta. Với sự đa dạng và phong phú về tác dụng mà loài thực vật này được dùng nhiều để điều trị bệnh. Tuy nhiên, để có thể tận dụng hết giá trị của thực phẩm đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến người có chuyên môn, y bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.