Tác hại khi bị kiến ba khoang cắn

Kiến ba khoang thường sống ở những vùng ven ruộng, quanh các gốc rạ, bãi cỏ và gần vùng nước, ruộng rau hay trong những nơi đang xây dựng. Trong thân kiến ba khoang có chứa chất pederin có thể gây cháy, bỏng da giống như chất cangtadin của sâu ban miên và phospho có trong con giời.

Thức ăn của kiến ba khoang thường tìm trên các ruộng lúa, ký túc xá, trường học, khu ở trọ hay nhà ở tập thể có cỏ mọc xung quanh. Khi ruộng lúa xuất hiện rầy nâu, sâu cuốn lá chúng sẽ tìm đến và chui vào tổ sâu ăn thịt từng con. Chúng được xem như là một loài thiên địch. Khi ruộng lúa vào mùa gặt, kiến ba khoang thường bay vào những khi chung cư cao tầng nơi có ánh sáng huỳnh quang để ăn các loại côn trùng rầy nâu và bọ hóng trong nhà.

Khi mùa mưa bão, lũ lụt tới các loại côn trùng sẽ di chuyển đến vùng khô ráo hơn. Sau những ngày mưa lũ làm ngập đồng ruộng, ao hồ thì vào ban đêm, kiến ba khoang sẽ theo côn trùng và ánh sáng đèn vào trong nhà. Những người thường xuyên phải làm việc dưới ánh đèn bị côn trùng rơi vào cổ, mặt, thân mình vô tình giơ tay đập, quệt, chà sát côn trùng và chất Pederin có trong kiến ba khoang rơi vào da. Đôi khi kiến ba khoang có thể bò ở bể tắm hoặc bám vào khăn mặt, quần áo. Người bệnh không chú ý, chà xát phải côn trùng gây thành viêm da bọng nước.

Ở Việt Nam, chúng được phát hiện cách đây vài năm ở các khu chung cư cao tầng tại Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh. Cần Thơ,… đặc biệt những nơi gần với cánh đồng lúa. Kiến ba khoang thường xuất hiện vào mùa thu, cũng chính là thời gian vào dịp thu hoạch vụ mùa lúa, với mật độ nhiều hơn so với các tháng trong năm.