Phân tích các dấu hiệu của tội phạm và cấu thành tội phạm

Tội phạm theo quy định tại Điều 8 Bộ luật hình sự là :”Hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội..”

Để xem xét một hành vi có được coi là tội phạm hay không thì căn cứ vào 4 yếu tố: tính trái pháp luật hình sự, tính nguy hiểm cho xã hội, tính phải chịu hình phạt, tính có lỗi. Trong đó dấu hiệu về tính nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu cơ bản, quan trọng, quyết định các dấu hiệu khác.

1. Tính nguy hiểm cho xã hội:

Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là một thuộc tính của tội phạm thể hiện ở việc gây thiệt hại hoặc tạo ra nguy cơ gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội là đối tượng bảo vệ của luật hình sự. Nó là thuộc tính cơ bản và quan trọng nhất, quyết định những thuộc tính khác của tội phạm. Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là thuộc tính có tính khách quan, tính xã hội, tính giai cấp và tính lịch sử.

Tính nguy hiểm cho xã hội được coi là dấu hiệu cơ bản quan trọng nhất, điều này đã được thể hiện qua các quy định của pháp luật:

Khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự 2015 đã khẳng định :”Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội…”. Như vậy tính nguy hiểm chính là dấu hiệu quan trọng nhất quyết định một tội phạm, nó được thể hiện thông qua hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Khoản 4 Điều 8 :” Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”. Như vậy dấu hiệu tội phạm được coi là dấu hiệu tiên quyết, quyết định các dấu hiệu khác. Một hành vi có đủ 3 dấu hiệu của tội phạm nhưng tính nguy hiểm cho xã hội của nó là không đáng kế thì không bị coi là tội phạm.

Tính nguy hiểm cho xã hội cũng là căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 của điều 29 Bộ luật hình sự 2015.

“1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi có quyết định đại xá.

2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

c, Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt được Nhà nước và xã hội thừa nhận.”

Như vậy, chúng ta có thể thấy tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là một thuộc tính phát sinh trong mối quan hệ giữa người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm với xã hội và chỉ có thể nhận biết bằng tư duy.

2. Tính có lỗi:

Lỗi là thái độ tâm lý chủ quan của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ thực hiện và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra, thể hiện dưới dạng cố ý và vô ý, là một dấu hiệu rất quan trọng trong cấu thành tội phạm.

Trong luật hình sự Việt Nam, nguyên tắc có lỗi được coi là nguyên tắc cơ bản. Người chịu trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam không phải chỉ đơn thuần vì người này có hành vi khách quan gây thiệt hại cho xã hội mà còn vì đã có lỗi trong thực hiện hành vi khách quan đó.

Lỗi là thái độ tâm lý bên trong của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả nguy hiểm cho xã hội của mình cũng như khả năng gây ra hậu quả từ hành vi đó.

Người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội bị coi là có lỗi nếu hành vi đó là sự kết hợp của sự lựa chọn của họ trong khi có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để lựa chọn và thực hiện xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.

Phân loại lỗi:

Căn cứ vào tính có lỗi cho thấy:

Luật hình sự Việt Nam không chấp nhận việc quy tội khách quan chỉ thông qua hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà không căn cứ vào lỗi của người thực hiện hành vi đó.

Mục đích của áp dụng hình phạt là trừng phạt người có lỗi chứ không phải trừng phạt hành vi.

Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568

3. Tính trái pháp luật hình sự:

Tính trái pháp luật hình sự cũng được thể hiện thông qua Điều 8 là :”Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội…được quy định trong Bộ luật hình sự..”.

Trong bộ luật hình sự, tính trái pháp luật hình sự không chỉ được thể hiện ở Điều 8 mà còn được thể hiện ở Điều 2 và Điều 7. Điều 2 quy định :”chỉ người nào phạm tội đã được bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự…”

Như vậy tính trái pháp luật cũng là dấu hiệu đặc biệt quan trọng. Những hành vi được coi là trái pháp luật cũng đồng thời là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Luật hình sự. Tính trái pháp luật là căn cứ để đảm bảo quyền lợi của công dân, tránh việc xử lý tùy tiện.

Tính trái pháp luật hình sự và tính nguy hiểm cho xã hộ là hai dấu hiệu có mối quan hệ biện chứng với nhau, tính trai pháp luật hình sự là dấu hiệu về mặt hình thức pháp lí phản ánh tính nguy hiểm cho xã hội.

4. Tính phải chịu hình phạt:

Tính phải chịu hình phạt cũng là dấu hiệu đặc trưng của tội phạm. Chỉ có hành vi phạm tội mới phải chịu hình phạt, không có tội phạm cũng không có hình phạt.

Tính phải chịu hình phạt là dấu hiệu kèm theo của dấu hiệu tính nguy hiểm cho xã hội và tính trái pháp luật hình sự. Tính nguy hiểm cho xã hội và tính trái pháp luật hình sự là cơ sở để cụ thể hóa tính phải chịu hình phạt, tính nguy hiểm cho xã hội càng lớn thì hình phạt càng cao. Cũng vì tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà bất cứ hành vi phạm tội nào cũng có thể bị đe dọa áp dụng hình phạt.