Hít sặc ở trẻ em: Những điều cần biết

3.1. Trường hợp trẻ ho không khóc được

Lúc này, tình hình chưa quá nghiêm trọng. Thông thường, khi di chuyển trong đường hô hấp, không khí sẽ gây ra tiếng ồn. Bé ho hoặc khóc thành tiếng có nghĩa là bé đang thở, đường hô hấp không bị tắc nghẽn hoàn toàn, bé không bị ngạt trầm trọng.

Nếu bé thở được thì không nên can thiệp, vì điều này có thể gây nguy hiểm. Bạn không nên tìm cách lấy vật lạ ra bằng động tác vỗ lưng ấn ngực, bạn có thể đẩy dị vật vào sâu hơn, khiến bé ngừng thở.

Thay vào đó, bạn hãy đứng bên cạnh cổ vũ, động viên bé tiếp tục ho. Phản xạ ho và ọe có thể giúp bé tống được vật lạ ra ngoài trong vòng một phút.Bạn hãy tỏ ra bình tĩnh, để bé hiểu rằng mọi chuyện vẫn ổn, như vậy bé sẽ không bị hoảng sợ. Theo dõi và xem sau khi ho bé có dễ thở hơn hay không.

3.2. Trường hợp trẻ khó thở nặng

Nếu trẻ có biểu hiện khó thở nặng, vật vã, tím tái, ngưng thở, hôn mê… chúng ta phải thật bình tĩnh để thực hiện những động tác cấp cứu cho trẻ.

  • Đối với trẻ sơ sinh và nhũ nhi, cần làm động tác vỗ lưng ấn ngực như sau: Đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay, đầu dốc xuống thấp, lòng bàn tay không che miệng mũi trẻ hay siết chặt cổ trẻ. Dùng lòng bàn tay còn lại vỗ mạnh 5 lần vào lưng trẻ vùng giữa hai xương bả vai. Sau đó lật ngửa trẻ, nếu còn khó thở dùng hai ngón tay ấn ngực trẻ 5 lần ở vị trí giữa ngực dưới đường nối hai núm vú khoảng 1cm. Nếu bé hồng hào lại bồng bé đầu cao và giữ yên, nếu còn khó thở bạn cần tiếp tục thực hiện động tác vỗ lưng ấn ngực nhiều lần và gọi đội cấp cứu.
  • Tuyệt đối không xách ngược trẻ vì cách này thường không hiệu quả mà dễ làm tổn thương cột sống cổ và có thể làm rơi trẻ xuống đất.
  • Đối với trẻ lớn ta làm thủ thuật Heimlich: Khi trẻ còn tỉnh, đứng hay quỳ phía sau trẻ, vòng hai tay ngang trước người trẻ, đặt một nắm tay ngay vùng thượng vị, bàn tay còn lại đặt chồng lên, đột ngột nhấn mạnh và nhanh theo hướng từ dưới lên trên và từ trước ra sau, thực hiện 5 lần.