Đà Nẵng trong các báo cáo của Pháp trước năm 1858
Pháp có được bản báo cáo đề ngày 25/5/1857 của một đại thần triều Nguyễn đề cập về khả năng Pháp công chiếm Đà Nẵng, đồng thời đề nghị triều đình chuẩn bị về quân sự nhằm đẩy lùi quân Pháp bằng cách cô lập các khu vực quân Pháp đổ bộ, đóng quân, ngăn chúng tiến sâu vào đất liền và buộc phải rút đi.
Bạn đang xem: Cuộc công chiếm Đà Nẵng 1858-1860 qua tài liệu lưu trữ Pháp
Những thám thính trước đó của quân Pháp báo cáo khá cụ thể vịnh Đà Nẵng[1] nằm ở 16°07’ vĩ độ bắc và 105°57’ kinh độ đông trên bờ biển Nam Trung Kỳ, những ngôi làng nằm rải rác trên khu vực đồng bằng và gần sông rạch, người dân chủ yếu sống bằng nghề chài lưới. Cửa sông có hai hải đồn bằng đá do các kỹ sư người Pháp xây dựng, con sông nhỏ đổ ra vịnh, hai bờ sông là những cánh rừng. Thành Đà Nẵng nằm vắt qua hai bờ sông, bên tả ngạn sông là đồng bằng tươi tốt với những hàng dừa, ruộng lúa, cánh đồng lạc trải dài.
Năm 1858 không phải là lần đầu hải quân Pháp tấn công Đà Nẵng. Năm 1844, chiến thuyền Heroin đã tới đây đòi triều đình nhà Nguyễn thả 5 nhà truyền giáo. Bốn năm sau đó, Pháp tiếp tục tấn công viện cớ trả đũa hai tàu chiến nhỏ (corvette) Gloire và Victorieuse bị đốt cháy. Ngày 25/9/1856, tức giận vì không được triều đình nhà Nguyễn nghênh đón ở Đà Nẵng, Charles de Montigny dẫn đầu phái bộ trên tàu Catinat đã lệnh tấn công nhưng thất bại, tuy nhiên đây được xem như sự bắt đầu chính sách “ngoại giao pháo thuyền” của Pháp ở Viễn Đông.
Chọn Đà Nẵng là nơi tấn công, phó đô đốc Rigault de Genouilly một mặt vừa phô trương sức mạnh quân sự trước triều đình nhà Nguyễn, mặt khác đây cũng là vị trí biển mà Pháp biết rõ nhất. Khu vực neo đậu hình ê-líp đều khá thuận lợi, rừng che chắn các tàu tránh gió mùa, nước lặng ngăn cách với biển bởi đảo nhỏ dài, rất an toàn cho các thủy thủ. Ngoài ra, việc tấn công vào khu vực giáp kinh thành sẽ tạo sức ép tâm lý, khiến triều đình nhà Nguyễn tin rằng có thể quân Pháp sẽ tiến đánh vào Huế bằng đường bộ hoặc đường thủy. Nhưng trên thực tế Rigault de Genouilly chưa bao giờ chỉ huy tới 3.000 quân[2], nên với quân số ít ỏi hiện có lúc đó, ông ta không thể tiến đánh kinh thành Huế. Hơn nữa, ông ta không dám mạo hiểm do không có đủ thông tin về hệ thống đường thủy cũng như đường bộ dẫn về kinh thành Huế.
Báo cáo tổng kết công chiếm Đà Nẵng của Rigault de Genouilly gửi về Chính quốc cũng nêu rõ triều đình nhà Nguyễn đã có những chuẩn bị về mặt quân sự để bảo vệ các hải đồn, trang bị các khẩu thần công khá hiện đại hơn so với loại vũ khí mà quân Pháp thấy khi giao tranh với quân Thanh. Pháo đặt trên các xe bánh to, phù hợp với địa hình, súng kíp do Pháp hoặc Bỉ sản xuất, thuốc súng có xuất xứ từ Anh, nhập qua đường Hồng Kông và Singapore.
Liên quân Pháp – Tây Ban Nha công chiếm Đà Nẵng
Cuối tháng 8/1858[3], hải đội liên quân Pháp – Tây Ban Nha tham gia công chiếm Đà Nẵng này gồm chiến thuyền ba cột buồm Némésis cắm cờ lệnh của phó chuẩn đô đốc Rigault de Genouilly, các tàu hộ tống chạy bằng hơi nước Phlégéton, Primauguet, các pháo thuyền Avalanche, Dragonne, Fusée, Mitraille và Alarme cùng các tàu vận tải Meurthe, Gironde, Dordogne, Durance và Saône tập trung ở cảng Yu li kan (đối diện Nam Kỳ). Đình chiến ở Trung Quốc đã cho phép Pháp huy động hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, 1 đơn vị pháo cùng lính công binh đổ bộ lên các tàu với quân số 1.500 lính, với sự hỗ trợ của 1.450 lính Tây Ban Nha và Tagal cùng tàu hộ tống hơi nước El Cano (Tây Ban Nha) theo thỏa thuận giữa hai triều đình Pháp – Tây Ban Nha[4]. Dịch tả hoành hành buộc kế hoạch tấn công phải lùi lại, ngày 28/8 cả hải đội được lệnh nhổ neo tiến về Đà Nẵng, đến 6h tối ngày 31/8, chúng đến trước vịnh Đà Nẵng.
6 giờ sáng ngày 01/9/1858, liên quân này tiếp tục thả neo trước vịnh theo lệnh của của Rigault de Genouilly chờ triều đình nhà Nguyễn trả lời tối hậu thư. Không nhận được thư trả lời theo hạn định, Rigault de Genouilly ra lệnh cho quân Pháp khai hỏa dữ dội nhằm vào các vị trí phòng thủ của triều đình nhà Nguyễn, dọn đường cho quân đổ bộ của các tàu Némésis, Phlégéton, Primauguet và nửa đại đội công binh dưới sự chỉ huy của thiếu tá Raynaud, chiếm đánh hải đồn phía bắc và trên đảo Tiên Sa. Pháo thuyền Pháp áp sát nã pháo vào hai hải đồn phía đông và tây có nhiệm vụ bảo vệ lối bằng đường sông. Sau đó, dưới sự chỉ huy của trung tá Reybaud, lính thủy đánh bộ và lính bộ Tagal đổ bộ lên bán đảo Tiên Sa.
Lính thủy đánh bộ và lính đổ bộ ào lên bờ. Lính hải quân dưới sự chỉ huy của thiếu tá chỉ huy tàu Némésis nhanh chóng chiếm được các hải đồn ở Đài thiên văn và mạn phía bắc. Hàng loạt đạn pháo ác liệt gây thiệt hại lớn cho quân triều đình nhà Nguyễn giúp quân Pháp nhanh chóng chiếm được các hải đồn. Lực lượng viễn chinh Pháp được lệnh tập hợp trên bãi biển di chuyển dưới sự yểm trợ của các tàu chiến. Do trời nắng nóng nên chúng phải dừng hành quân và đến gần 4 giờ bắt đầu di chuyển về bán đảo Tiên Sa để hạ trại đóng quân, nhưng sau đó do gặp khó khăn về địa hình cũng như thời tiết, chúng quyết định di chuyển vào sâu trong khu vực đồng bằng để hạ trại. Trong khi đó, các chiến thuyền Alarme, Fusée, Mitraille và El-cano được lệnh di chuyển đến cửa sông phía bên kia vịnh để san bằng hải đồn nằm ở hữu ngạn sông, còn hải đồn ở tả ngạn sông bị chúng san bằng vào sáng hôm sau.
Xem thêm : Bột Trà Xanh Có Tác Dụng Gì? #9 Tác Dụng "Không Ngờ Đến"
Ngày 02/9, toàn bộ hải đồn bảo vệ vịnh Đà Nẵng rơi vào tay lính đổ bộ thuộc tàu Saôn, các tàu vận tải khác cùng các đơn vị lực lượng viễn chinh tham gia tấn công. Ngay những ngày đầu tiên, chúng không thể tìm thấy thực phẩm tươi do dân làng rời đi trước khi quân Pháp tấn công, gia súc gia cầm bị bỏ lại đã trốn vào núi, rừng nên quân Pháp chỉ bắt được vài con trâu, lợn và gà còn sót lại. Các chỉ huy Pháp không lường trước khó khăn này do tin vào báo cáo của các nhà truyền giáo, theo đó quân Pháp sẽ được chào đón và dễ dàng tìm được nguồn cung lương thực, thực phẩm khi đến cảng Đà Nẵng.
Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi đánh chiếm được cảng Đà Nẵng, chúng chứng kiến cảnh vườn không nhà trống, điều đó cho thấy lòng căm thù và sự chuẩn bị của người bản xứ trước sự tấn công của quân Pháp. Kiệt sức do thiếu ăn cộng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến dịch bệnh (bệnh lỵ, bệnh scortbut, sốt) hoành hành nhiều tháng khiến quân số của chúng bị thiệt hại. Trong báo cáo của các nhà truyền giáo, triều đình nhà Nguyễn bố trí khá đông binh sĩ ở cảng Đà Nẵng, các quan triều đình kiên định với mục tiêu đánh đuổi quân Pháp. Khi được sai đi tuần vị trí hạ trại, quân Pháp không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của quân triều đình nhà Nguyễn. Nhưng khi thám thính sông Fai-fo (Hội An ngày nay) ở vị trí cách các tiền đồn chiếm được chừng 2 dặm, chúng rơi vào các ổ phục kích buộc chúng không thể tiến sâu hơn vào trong đất liền.
Sau khi công chiếm toàn bộ hải đồn Đà Nẵng, liên quân Pháp – Tây Ban Nha bắt đầu xây lô cốt – công sự gỗ lợp ngói. Lô cốt đầu tiên được đặt ở vị trí cách mực nước biển 48m[5], đồng thời dựng doanh trại cùng hạ tầng phục vụ cho binh sĩ như nhà kho, bệnh viện. Chúng tháo dỡ hàng loạt các căn nhà trong thành cùng nhiều đình chùa để lấy vận liệu chuyển vào trong núi dựng doanh trại, nhà kho và xây bệnh viện. Riêng lô cốt số 3 được tàu Pháp chở từ Manilla (Philippine) về Đà Nẵng. Đến tháng 1/1859, chúng đã hoàn tất giai đoạn đầu chiếm đóng Đà Nẵng. Nghĩa trang của quân Pháp ngày càng rộng thêm do những trận mưa to kèm gió lớn, điều kiện ăn ở thiếu thốn, dịch bệnh, các cuộc tấn công phục kích của quân triều đình. Trước tình hình đó, tháng 2/1859, phó đô đốc Rigault de Genouilly quyết định chỉ để lại số ít quân ở lại Đà Nẵng và chuyển hướng về thành Sài Gòn.
Không ít nhà sử học Pháp xem quyết định này như một bế tắc về chiến lược của quân Pháp trong giai đoạn đầu lịch sử xâm lược Đông Dương. Chỉ chiếm được khu vực nhỏ ven biển nhưng không thể giữ được do thiếu quân số dù trước đó vẫn hy vọng Tây Ban Nha sẽ hỗ trợ thêm quân. Chi phí cho cuộc chiếm giữ Đà Nẵng ngày một tăng, đặc biệt do tiếp tế lương thực cho binh sĩ do không thể tìm thấy nguồn cung tại chỗ, trong khi chính phủ Pháp phải chi viện cả nhân lực lẫn vật lực cho các cuộc chiến ở Italia (1859) Syria (1860), Sénégal, Nouvelle-Calédonie và đặc biệt là ở Trung Quốc (hè 1859). Chính phủ Pháp quyết định bổ dụng chuẩn đô đốc Théogène François Page thay Rigault de Genouilly và ông này được lệnh phải rời Đà Nẵng và giảm bớt quân đồn trú ở Sài Gòn. Tuy nhiên, Page không tuân lệnh tức thì, vẫn nuôi hy vọng chiếm được toàn bộ Đà Nẵng nên ngày 18/11/1859 ra lệnh chiếm đánh khu vực bắc Đà Nẵng – một quyết định khiến chính Bộ trưởng Hải quân Pháp cũng bất ngờ[1]. Trong thư gửi người bạn là hầu tước Grange, Page cho hay không muốn rời đi trong tư thế kẻ thất bại. Thêm vào đó, Page nuôi tham vọng biến Việt Nam thành thuộc địa của Pháp ở Viễn Đông nên ông ta cho rằng không nên từ bỏ Đà Nẵng. Tuy nhiên, tháng 12/1859, Page buộc phải tuân lệnh rút khỏi Đà Nẵng, tiếp đó là các đại đội lính Pháp cũng rút đi. Ngày 20/3/1860, trước khi rút khỏi Đà Nẵng, quân Pháp đã cho san bằng các hải đồn mà chúng đã chiếm được.
Hơn 1 năm công chiếm vùng đất ven biển miền trung Việt Nam, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã thất bại trong việc chiếm đóng Đà Nẵng. Việc chuyển hướng chiến trường không chỉ đơn thuần là thay đổi kế hoạch ban đầu, mà đó là một thất bại mà nguyên nhân là do không hiểu biết thực địa, đánh giá thấp khả năng kháng trả của quân triều đình cũng như các khó khăn về thời tiết và y tế.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp