1. Đặt vấn đề
Đối chất là biện pháp điều tra theo tố tụng hình sự được điều tra viên hoặc kiểm sát viên thực hiện dưới hình thức cho hai hay nhiều người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự đã được khởi tố, cùng một lúc tham gia tranh luận và chất vấn lẫn nhau dưới sự hướng dẫn trực tiếp của người tiến hành tố tụng nhằm làm rõ những tình tiết mâu thuẫn trong lời khai trước đó của họ, qua đó, xác định tính đúng đắn trong lời khai giữa hai hay nhiều người để tìm ra sự thật của vụ án. Thực tiễn giải quyết án cho thấy, việc nghiên cứu và áp dụng đối chất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng còn có những quan điểm khác nhau, không thống nhất; quan điểm khác nhau phổ biến nhất trong những vụ án cụ thể là có cần thiết phải tiến hành đối chất hay không. Điều tra viên có thể tiến hành rất nhiều biện pháp điều tra khác nhau nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ quá trình chứng minh vụ án, trong đó có biện pháp đối chất. Đây là cơ sở thực tiễn đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu để có các biện pháp đổi mới trong quá trình sử dụng đối chất với tư cách là một hoạt động điều tra theo tố tụng hình sự.
Bạn đang xem: Đổi mới quá trình đối chất trong điều tra vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
2. Một số vấn đề lý luận về đối chất
2.1. Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về đối chất
Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về đối chất, theo đó, trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì điều tra viên tiến hành đối chất. Trước khi tiến hành đối chất, điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất. Nếu kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản đối chất.
2.2. Điều kiện tiến hành đối chất
Đối chất nhằm giải quyết mâu thuẫn, xác định tính đúng đắn trong lời khai giữa hai hay nhiều người để tìm ra sự thật của vụ án, có thể cho đối chất giữa bị can này với bị can khác, giữa bị can với bị hại, giữa bị hại với người làm chứng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, điều tra viên chỉ tiến hành đối chất khi thỏa mãn cả hai điều kiện: (i) Có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người; (ii) Đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn. Như vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định điều kiện tiến hành đối chất cụ thể hơn Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 khi bổ sung điều kiện “đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn”. Quy định này được hiểu không phải có mâu thuẫn là tiến hành đối chất, mà trước tiên phải tiến hành các biện pháp điều tra khác để giải quyết mâu thuẫn. Nếu thông qua các biện pháp điều tra có đủ căn cứ để khẳng định các tình tiết có mâu thuẫn của vụ án đã được giải quyết thì không tiến hành đối chất; trường hợp đã thực hiện các biện pháp điều tra khác mà không giải quyết được mâu thuẫn thì mới tiến hành đối chất, vì vậy, đối chất là biện pháp điều tra cuối cùng.
Khoản 6 Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bổ sung quy định về điều kiện tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo, theo đó, chỉ cho phép người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành đối chất nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án. Quy định này nhằm bảo vệ, tránh gây tổn thương cho bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án hình sự, nhất là bị hại trong các vụ án xâm hại tình dục. Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bổ sung quy định việc đối chất có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Trong vụ án hình sự có thể có nhiều tình tiết mà lời khai của những người tham gia tố tụng mâu thuẫn với nhau, nhưng chỉ tiến hành đối chất để giải quyết những tình tiết thuộc vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự theo quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
2.3. Một vấn đề cần lưu ý khi áp dụng biện pháp đối chất
Một là, có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người và đã tiến hành các biện pháp điều tra khác để giải quyết, nhưng chưa giải quyết được hay trong một số vụ án quan điểm giữa những người tiến hành tố tụng và giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa thống nhất, vì đây là vấn đề đánh giá chứng cứ nên quan điểm đánh giá chứng cứ là khác nhau, nếu đánh giá đủ căn cứ để giải quyết mâu thuẫn thì không cần phải tiến hành đối chất, nếu chưa đủ căn cứ để giải quyết mâu thuẫn thì phải tiến hành đối chất.
Hai là, biện pháp đối chất chỉ đạt hiệu quả trong trường hợp những người tham gia đối chất không có xung đột lợi ích, không có quan hệ gia đình, họ hàng, bạn bè, không cố tình che giấu về các tình tiết của vụ án, việc khai mâu thuẫn về các tình tiết của vụ án là do khả năng tri giác, ghi nhớ của những người tham gia đối chất khác nhau, trường hợp này, điều tra viên và kiểm sát viên chỉ cần có cách tác động phù hợp để những người tham gia đối chất nhớ lại chính xác về các tình tiết của vụ án.
Ba là, trường hợp một trong các đối tượng tham gia đối chất cố tình che giấu thông tin về các tình tiết của vụ án, thì điều tra viên, kiểm sát viên phải đưa ra tài liệu, chứng cứ để đấu tranh, việc đối chất mới có hiệu quả; quá trình cho các đối tượng tham gia đối chất trình bày ý kiến, hỏi lẫn nhau và tranh luận với nhau, điều tra viên và kiểm sát viên cần phải quan sát thái độ, biểu hiện tâm lý của các đối tượng tham gia đối chất để đánh giá lời khai nào là đúng, lời khai nào không đúng, gian dối, từ đó có niềm tin nội tâm để thu thập, củng cố các tài liệu, chứng cứ bảo đảm tính chính xác, đúng đắn và khách quan.
2.4. Sự có mặt của điều tra viên khi đối chất
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định điều tra viên phải có mặt trong buổi đối chất do kiểm sát viên tiến hành trong giai đoạn truy tố. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ trưởng Bộ Công an – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì: “Trường hợp Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định tại khoản 3 Điều 236, khoản 1 Điều 246 Bộ luật Tố tụng hình sự mà thấy cần phối hợp với Cơ quan điều tra thì chậm nhất 24 giờ trước khi tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát thông báo cho Cơ quan điều tra thời gian, địa điểm tiến hành một số hoạt động điều tra để phân công điều tra viên cùng phối hợp thực hiện; trường hợp điều tra viên vắng mặt thì chậm nhất 02 giờ trước khi kiểm sát viên tiến hành một số hoạt động điều tra, điều tra viên phải thông báo cho kiểm sát viên biết”.
Tuy nhiên, từ thực tiễn giải quyết vụ án hình sự cho thấy, trước khi tiến hành hoạt động đối chất, kiểm sát viên nên phối hợp với điều tra viên để cùng tham gia đối chất, vì trong một số vụ án kiểm sát viên không có điều kiện trực tiếp tham gia ghi lời khai bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nên khi có sự phối hợp với điều tra viên, kiểm sát viên có thể nắm bắt thông tin, tâm lý, thái độ khai báo của người tham gia đối chất cũng như việc mời họ tham gia đối chất nhanh chóng, kịp thời, tránh việc phải mời nhiều lần ảnh hưởng đến thời gian truy tố.
3. Đánh giá thực trạng quá trình đối chất trong điều tra vụ án hình sự
3.1. Ưu điểm
Xem thêm : Hướng dẫn cập nhật thông tin BHYT trên VNeID
Trong thực tiễn điều tra vụ án hình sự, khi cơ quan điều tra và điều tra viên tổ chức thành công đối chất có ý nghĩa tác dụng vô cùng quan trọng để làm rõ toàn bộ vụ án, tính chất mức độ phạm tội của từng bị can. Đồng thời, việc tổ chức và tiến hành thành công đối chất còn có tác dụng lớn giúp cho điều tra viên có căn cứ, cơ sở để xây dựng các giả thuyết điều tra, xác định phương hướng cho quá trình điều tra làm rõ vụ án.
3.2. Hạn chế
Do tính chất phức tạp của quá trình tổ chức và tiến hành đối chất nên thực tiễn cơ quan điều tra ít áp dụng biện pháp này. Ngoài ra, quá trình tổ chức và tiến hành đối chất gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Điều tra viên lúng túng không biết cách tổ chức tiến hành đối chất; điều tra viên không biết cách đưa ra câu hỏi để những người tham gia đối chất trả lời; quá trình đối chất xảy ra mâu thuẫn nhau giữa những người tham gia đối chất…
4. Đổi mới quá trình đối chất trong điều tra vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
4.1. Đổi mới công tác chuẩn bị cho đối chất
Đối chất là một biện pháp điều tra phức tạp và tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, do vậy kỹ năng chuẩn bị cho cuộc đối chất có ý nghĩa hết sức quan trọng và ảnh hưởng đến hiệu quả khi điều tra viên tổ chức và tiến hành đối chất. Việc chuẩn bị tốt, chu đáo, tỉ mỉ sẽ tạo tiền đề cho điều tra viên tổ chức và tiến hành đối chất; ngược lại, nếu việc chuẩn bị không tốt sẽ dẫn đến việc điều tra viên lúng túng, bị động khi tiến hành và có thể sẽ dẫn đến sai phạm khi tiến hành đối chất. Quá trình chuẩn bị cho cuộc đối chất, điều tra viên cần tiến hành:
Thứ nhất, nghiên cứu hồ sơ vụ án, đặc điểm nhân thân và mối quan hệ của những người tham gia đối chất để từ đó, điều tra viên nắm vững hơn về mâu thuẫn cần tổ chức đối chất, các tài liệu chứng cứ cần sử dụng trong quá trình đối chất, đặc biệt còn giúp cho điều tra viên nắm được lập trường, thái độ của những người sẽ tham gia vào quá trình đối chất để lựa chọn các chiến thuật phù hợp.
Thứ hai, hỏi lại những người sẽ tham gia đối chất nhằm giúp điều tra viên nắm chắc hơn về tình tiết mâu thuẫn cần tổ chức đối chất, những lý lẽ, dẫn chứng của người tham gia đối chất để bảo vệ quan điểm của mình. Ngoài ra, quá trình hỏi lại những người sẽ tham gia đối chất sẽ giúp cho điều tra viên hạn chế được việc những người tham gia đối chất lợi dụng việc đối chất để thông cung, thống nhất lời khai. Bên cạnh đó, thông qua việc hỏi lại những người sẽ tham gia đối chất, điều tra viên còn giúp họ chuẩn bị kỹ hơn về mặt tâm lý đối với người có lời khai đúng sự thật.
Thứ ba, lập kế hoạch đối chất. Đây cũng là một nội dung không thể thiếu trong kỹ năng chuẩn bị của điều tra viên xuất phát từ tính phức tạp của biện pháp đối chất. Trong bản kế hoạch đối chất, điều tra viên phải thể hiện rõ mục đích của cuộc đối chất, nội dung và trình tự giải quyết những mâu thuẫn trong quá trình đối chất, dự kiến những câu hỏi và trình tự sử dụng trong quá trình đối chất, dự kiến “chiến thuật” áp dụng và dự kiến thời gian, địa điểm tiến hành.
Thứ tư, chuẩn bị những tài liệu, chứng cứ và những phương tiện kỹ thuật cần phải sử dụng trong quá trình đối chất như mẫu biên bản, bút, máy ghi âm và các phương tiện kỹ thuật khác.
Thứ năm, thông báo cho kiểm sát viên kiểm sát vụ án biết về thời gian, địa điểm tổ chức tiến hành đối chất để kiểm sát viên kiểm sát hoạt động đối chất.
4.2. Làm tốt công tác tiến hành đối chất
Công tác tiến hành đối chất của điều tra viên ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đối chất. Nếu quá trình tiến hành đối chất của điều tra viên không tốt thì cuộc đối chất có thể dẫn đến thất bại và mục đích của cuộc đối chất không đạt được. Để làm tốt công tác tiến hành đối chất, điều tra viên cần chú ý:
Một là, cách bố trí người tham gia đối chất vào phòng đối chất: Điều tra viên tùy theo mục đích có thể cho hai người tham gia đối chất cùng vào phòng hoặc theo thứ tự trước, sau (khi cần tạo yếu tố bất ngờ, điều tra viên cho người có lời khai gian dối vào ngồi trong phòng trước theo vị trí đã định, sau đó yêu cầu người có lời khai đúng sự thật vào).
Hai là, thực hiện nghiêm túc việc giải thích quyền, nghĩa vụ và giải thích những quy định cụ thể phải chấp hành trong quá trình đối chất (chỉ được trả lời khi điều tra viên hỏi, không được tự ý hỏi lẫn nhau, nói chuyện với nhau; có ý kiến gì cần trình bày phải xin phép điều tra viên, không được trao đổi với nhau bằng tín hiệu riêng, không được có lời lẽ xúc phạm nhau, không được đánh nhau…).
Ba là, thực hiện đúng trình tự hỏi khi đối chất: Điều tra viên hỏi về mối quan hệ của hai người tham gia đối chất; hỏi lần lượt hai người về tình tiết mâu thuẫn. Trong quá trình hỏi, điều tra viên tính toán đến việc sử dụng chứng cứ khi tiến hành hỏi cung bị can.
4.3. Đổi mới trong xác định chính xác điều kiện cần và đủ để tiến hành đối chất
Xác định được đúng điều kiện cần và đủ để tiến hành đối chất thì điều tra viên mới có thể tổ chức thành công, có hiệu quả. Điều kiện cần ở đây chính là điều kiện về mặt pháp luật để tổ chức đối chất, còn điều kiện đủ là điều kiện về mặt thực tiễn để tổ chức đối chất. Cụ thể như sau:
Xem thêm : CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ
4.3.1. Điều kiện cần
Theo quy định của Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong quá trình điều tra vụ án hình sự khi tiến hành hỏi cung và lấy lời khai mà trong lời khai của hai hay nhiều người có mâu thuẫn đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì điều tra viên mới tiến hành đối chất. Như vậy, điều tra viên chỉ lựa chọn tiến hành đối chất khi đã tiến hành các biện pháp điều tra khác, các biện pháp khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn. Nếu có mâu thuẫn trong lời khai nhưng có thể giải quyết bằng các biện pháp điều tra khác hoặc các biện pháp khác thì không tổ chức tiến hành đối chất.
4.3.2. Điều kiện đủ
Điều tra viên có cơ sở nhận định cuộc đối chất sẽ có triển vọng, có kết quả; bảo đảm an toàn và điều tra viên có khả năng tổ chức thành công cuộc đối chất mới tiến hành đối chất. Trong thực tiễn hoạt động điều tra, không phải mọi trường hợp khi có điều kiện cần điều tra viên sẽ tiến hành đối chất ngay, bởi vì, khi đối chất thường có sự tham gia của người bị tình nghi, bị can; do đó, tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm như bị can khống chế, tấn công, đe dọa người khác. Mặt khác, trong quá trình đối chất, bị can có thể hiểu và nắm được các tài liệu, chứng cứ cơ quan điều tra đã thu thập được, từ đó, có thể làm thay đổi thái độ khi khai báo của bị can, nguy hiểm hơn có thể xảy ra tình huống thông cung, thống nhất lời khai trong quá trình đối chất giữa những người tham gia đối chất. Vì vậy, cần phải bảo đảm điều kiện đủ mới tiến hành đối chất.
Có triển vọng, có kết quả ở đây nghĩa là, điều tra viên phải bảo đảm được cuộc đối chất diễn ra đến kết thúc biên bản, cuộc đối chất có thể giải quyết được các mâu thuẫn hoặc là khai thác được các thông tin, tài liệu để củng cố chứng cứ và xác định phương hướng điều tra; điều tra viên phải bảo đảm cho người tham gia đối chất có lời khai đúng ngang bằng hoặc hơn về mặt lý lẽ người có lời khai sai.
Bảo đảm an toàn cuộc đối chất là việc điều tra viên phải bảo đảm sự an toàn của những người tham gia đối chất, không để cho đối tượng bị tình nghi, bị can tấn công người làm chứng hoặc người bị hại; đồng thời, bảo đảm an toàn về thái độ khai báo của những người tham gia đối chất. Đặc biệt là trong trường hợp người làm chứng, người bị hại là vị thành niên hay người bị hại trong các vụ án xâm phạm danh dự, nhân phẩm thì điều tra viên không nên đưa ra đối chất để tránh gây ra những chấn động về mặt tâm lý không có lợi đối với những người này. Ngoài ra, điều tra viên phải bảo đảm an toàn về tài liệu, chứng cứ sử dụng trong quá trình đối chất.
Điều tra viên có khả năng tổ chức thành công cuộc đối chất là người có khả năng tổ chức và điều khiển cuộc đối chất bằng các “thủ thuật”, “chiến thuật” của mình. Bên cạnh đó, điều tra viên còn phải có khả năng ngăn chặn được các rủi ro có thể phát sinh trong cuộc đối chất.
4.4. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các “chiến thuật” trong đối chất
Trong quá trình tổ chức và tiến hành đối chất, điều tra viên phải tính toán và vận dụng các thủ thuật, “chiến thuật” linh hoạt, phù hợp và sáng tạo để thu được hiệu quả cao nhất. Từ việc lựa chọn đưa người tham gia đối chất vào buồng đối chất đến việc giải quyết các tình huống cụ thể phát sinh trong quá trình đối chất đều phải thể hiện được tính “chiến thuật” của điều tra viên. Tính chiến thuật đó được thể hiện cụ thể như sau:
Thứ nhất, điều tra viên có thể quyết định cho hai người tham gia đối chất vào cùng một lúc hoặc có thể cho người vào trước, người vào sau. Trong trường hợp cần tạo ra yếu tố bất ngờ, điều tra viên cho người có lời khai gian dối vào trước sau đó cho người có lời khai đúng sự thật vào sau.
Thứ hai, điều tra viên lựa chọn người trả lời câu hỏi trước và sau khi tiến hành hỏi. Trong trường hợp điều tra viên đánh giá người có lời khai đúng sự thật không chắc chắn với luận điểm của mình, không chắc chắn họ có thay đổi lời khai hay không do tác động của người còn lại thì để cho họ trả lời trước. Trong trường hợp điều tra viên có đủ cơ sở cho rằng, người có lời khai đúng có tâm lý vững vàng, có khả năng lập luận chắc chắn, rõ ràng thì điều tra viên để cho họ trả lời sau.
Thứ ba, điều tra viên vận dụng linh hoạt các “thủ thuật”, “chiến thuật” khi giải quyết các tình huống cụ thể trong quá trình tổ chức và tiến hành đối chất như: Nguyên nhân của những mâu thuẫn trong lời khai giữa những người tham gia đối chất là do nhầm lẫn thì điều tra viên cần tạo điều kiện cho họ nhớ lại những tình tiết, thông báo trước mục đích, nội dung tiến hành đối chất, có thể đưa ra các tài liệu, chứng cứ có liên quan để cho những người tham gia đối chất có mối liên tưởng, nhớ lại. Còn trong tình huống nguyên nhân của những mâu thuẫn trong lời khai là do một hay cả hai người tham gia đối chất khai báo gian dối thì điều tra viên cần tạo điều kiện cho những người tham gia đối chất vạch trần lời khai gian dối của nhau.
4.5. Đổi mới kiểm tra trong biên bản đối chất theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự
Kiểm tra tính hợp pháp của việc đối chất: Kiểm sát viên phải kiểm tra những người được đối chất đó là ai (bị can, người bị hại, người làm chứng…); trước khi tiến hành đối chất, điều tra viên đã giải thích cho họ biết về trách nhiệm từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối chưa; điều tra viên đã hỏi họ về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất với nhau chưa, điều tra viên đã đọc lại biên bản đối chất cho những người có mặt nghe chưa; việc ký vào biên bản như thế nào, có ai sửa chữa, ghi thêm nội dung nào vào biên bản không?
Kiểm tra về nội dung tính có căn cứ của biên bản đối chất: Kiểm sát viên cần kiểm tra các câu hỏi và trả lời của biên bản đối chất xem nội dung đã giải quyết các mâu thuẫn chưa; những người tham gia đối chất đã trả lời về những tình tiết cần làm sáng tỏ như thế nào, họ đã trình bày và giải thích về những mâu thuẫn giữa lời khai của họ với lời khai của những người khác, giữa lời khai hiện nay và trước đây như thế nào? Qua trả lời của những người tham gia đối chất thì đã giải quyết được mâu thuẫn chưa, nội dung nào chưa được giải quyết? Những nội dung nào đã được giải quyết hoặc chưa được giải quyết, kiểm sát viên cần ghi chép đầy đủ để báo cáo lãnh đạo đơn vị, đề xuất tiến hành các hoạt động tiếp theo để giải quyết vụ án.
Kiểm tra về hình thức: Là kiểm tra biên bản đối chất có được điều tra viên thực hiện đúng theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không, có đầy đủ chữ ký của những người tham gia đối chất không.
ThS. Bùi Trọng Vinh
Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội
Ảnh: internet
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp