Chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất thế giới trong hơn 3 tháng

Video đỉnh núi cao thứ 2 thế giới

Ngày 27/7, Harila cùng hướng dẫn viên người Nepal đã chinh phục thành công núi K2 – cao thứ hai thế giới với 8.611 m – thuộc dãy núi Karakoram ở Pakistan. Đây là một trong 14 ngọn núi cao trên 8.000 được Harila chinh phục trong hơn ba tháng – nhanh nhất thế giới tính đến lúc này.

Giám đốc Điều hành Tashi Lakpa Sherpa của Seven Summit Treks (SST), công ty cung cấp dịch vụ hậu cần cho những người leo núi ở thủ đô Kathmandu (Nepal), xác nhận thông tin này. Một số người leo núi K2 cùng thời điểm nói với Reuters rằng họ đã gặp gỡ Harila trên hành trình và miêu tả quãng đường khó khăn vì thời tiết khắc nghiệt với tuyết rơi dày.

Kristin Harila (phải) và hướng dẫn viên Nepal Tenjen Sherpa sau khi chinh phục đỉnh K2 hôm 27/7. Ảnh: The Himalayan Times

Harila bắt đầu chinh phục núi Shishapangma (8.027 m) ở Tây Tạng, Trung Quốc vào ngày 26/4/2023, rồi leo Everest – cao nhất thế giới (8.848 m), Kangchenjunga (8.586 m), Lhotse (8.516 m), Makalu (8.485 m), Cho Oyu (8.201 m), Dhaulagiri (8.167 m), Manaslu (8.163 m) và Annapurna (8.091 m). Sau đó, cô sang Pakistan leo lên Nanga Parbat (8.126 m), Gasherbrum I (8.080 m), Gasherbrum II (8.034 m), Broad (8.051) và cuối cùng là K2. Tổng thời gian là 92 ngày.

Kỷ lục cũ thuộc về Nirmal Purja của Nepal lập năm 2019 với thời gian sáu tháng và một tuần. Tuy nhiên, kỷ lục của Harila chưa được Sách Guinness thế giới xác nhận.

Chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất thế giới trong vài tháng là kỳ tích đầy thử thách mà nhiều nhà leo núi vẫn cố gắng thực hiện mỗi năm. Tính đến nay, 50 người được xác định chinh phục thành công 14 ngọn núi cao nhất thế giới, theo nhà biên niên sử Eberhard Jurgalski – người nghiên cứu hàng đầu thế giới về dãy Himalaya và 14 đỉnh núi cao nhất thế giới.

Người đầu tiên hoàn thành là Reinhold Messner của Italy từ năm 1970 đến 1986, khi ông 42 tuổi. Người phụ nữ đầu tiên là Gerlinde Kaltenbrunner của Đức thực hiện từ năm 1998 đến 2011. Thành tích này có tranh chấp với Oh Eun-sun làm từ năm 1997 đến 2010, do nghi ngờ nhà leo núi Hàn Quốc chưa chinh phục đỉnh Kangchenjunga.

Trung Thu