Các đối tượng được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh

Các đối tượng được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh

Các đối tượng được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Kiến thức quốc phòng và an ninh là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh 2013, kiến thức quốc phòng và an ninh bao gồm hệ thống quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh; truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc và kỹ năng quân sự.

Trong đó, mục tiêu giáo dục quốc phòng và an ninh nhằm phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

2. Các đối tượng được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh

2.1. Đối với đối tượng trong cơ quan, tổ chức của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội

Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng trong cơ quan, tổ chức của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội được thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước.

Cụ thể, đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh bao gồm:

– Cán bộ, công chức; viên chức quản lý;

– Đại biểu dân cử;

– Người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước;

– Những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã); trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố (sau đây gọi là thôn); trưởng các đoàn thể ở thôn;

– Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

(Khoản 1, 2 Điều 14 Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh 2013)

2.2. Đối với người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập

Cụ thể tại khoản 1 Điều 15 Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh 2013, người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước phải tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh bao gồm:

(i) Doanh nghiệp có quy mô vừa trở lên;

(ii) Doanh nghiệp hoạt động phục vụ quốc phòng và an ninh;

(iii) Doanh nghiệp hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Ngoài ra, người quản lý đơn vị sự nghiệp ngoài công lập phải tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh.

(Khoản 2 Điều 15 Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh 2013)

2.3. Đối với cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư

Cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư thuộc diện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh là chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng họ tộc, nhà hoạt động văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật.

(Khoản 1 Điều 16 Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh 2013)

3. Chế độ, quyền lợi đối với đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh

Theo Điều 18 Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh 2013, đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh được hưởng các chế độ và quyền lợi như sau:

– Đối tượng quy định tại mục 2.1 khi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh được hưởng nguyên lương, phụ cấp; trường hợp xa nơi cư trú được bố trí nơi nghỉ, hỗ trợ phương tiện hoặc thanh toán tiền tàu, xe một lần đi, về và hỗ trợ tiền ăn do ngân sách nhà nước bảo đảm.

– Đối tượng quy định tại (i) và (ii) ở mục 2.2 khi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh được hưởng nguyên lương, phụ cấp, hỗ trợ phương tiện hoặc thanh toán tiền tàu, xe một lần đi, về và hỗ trợ tiền ăn do doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập bảo đảm;

Chi phí bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, nơi nghỉ cho đối tượng xa nơi cư trú do ngân sách nhà nước bảo đảm.

– Đối tượng quy định tại (iii) ở mục 2.2 và mục 2.3 khi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh xa nơi cư trú được bố trí nơi nghỉ, hỗ trợ phương tiện hoặc thanh toán tiền tàu, xe một lần đi, về và hỗ trợ tiền ăn do ngân sách nhà nước bảo đảm.

– Người hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh được cấp giấy chứng nhận.

4. Các nguyên tắc giáo dục quốc phòng và an ninh

Việc giáo dục quốc phòng và an ninh phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 5 Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh 2013, cụ thể như sau:

– Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước.

– Giáo dục quốc phòng và an ninh là trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

– Kết hợp giáo dục quốc phòng và an ninh với giáo dục chính trị tư tưởng, phổ biến, giáo dục pháp luật và gắn với xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện.

– Giáo dục toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm bằng các hình thức phù hợp; kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, giữa lý thuyết và thực hành.

– Chương trình, nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh phải phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng kịp thời tình hình thực tế.

– Bảo đảm bí mật nhà nước, tính kế hoạch, kế thừa, phát triển, khoa học, hiện đại, dễ hiểu, thiết thực và hiệu quả.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY