Chúng ta đang sống trong một thế giới mà hội nhập quốc tế đã và đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ và trở thành một xu thế không thể đảo ngược ở hầu hết các quốc gia, thế giới mà sự tồn tại của quốc gia này không thể tách rời khỏi các quốc gia khác.
Hợp tác quốc tế về mọi mặt giữa các quốc gia là hiện thực tất yếu khách quan trong thời đại ngày nay và là động lực quan trọng thúc đẩy sự phồn vinh của mỗi đất nước. Trong quá trình hợp tác quốc tế ấy, xuất hiện các mối quan hệ đa dạng về nhân thân và tài sản phát sinh từ các lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình v.v. giữa công dân, pháp nhân của các quốc gia với nhau. Các quan hệ này dù xuất hiện ở những lĩnh vực khác nhau nhưng luôn mang hai đặc điểm quan trọng đó là: có “tính chất dân sự và có “yếu tố nước ngoài” (hay yếu tố quốc tế). Bên cạnh các quan hệ nội dung có “tính chất dân sự” như: quan hệ dân sự, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình v.v. trong quá trình giao lưu dân sự, thương mại quốc tế còn xuất hiện các quan hệ tố tụng dân sự quốc tế như: xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế của toà án quốc gia, ủy thác tư pháp quốc tế, công nhận và cho thi hành phán quyết của toà án nước ngoài v… Các quan hệ tố tụng này phát sinh khi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia được yêu cầu giải quyết một vụ việc có tính chất dân sự và có yếu tố nước ngoài.
Bạn đang xem: Đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế
Tư pháp quốc tế là một ngành luật mà đối tượng điều chỉnh của nó bao gồm các quan hệ nội dung “có tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài và các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài. Sự tồn tại của yếu tố nước ngoài trong các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế là minh chứng rõ ràng nhất cho sự khác biệt giữa tư pháp quốc tế và luật dân sự với tư cách là hai ngành luật khác nhau trong hệ thống pháp luật quốc gia. Sự khác biệt giữa đối tượng điều chỉnh của hai ngành luật này còn thể hiện ở chỗ, đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế rộng hơn, bao gồm các quan hệ nội dung có tính chất dân sự và các quan hệ tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài, trong khi đó, đối tượng điều chỉnh của luật dân sự chỉ là các quan hệ dân sự nội địa. Tư pháp quốc tế và công pháp quốc tế cũng có sự khác nhau cơ bản về đối tượng điều chỉnh. Đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế là các quan hệ có tính chất dân sự và tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài còn đối tượng điều chỉnh của công pháp quốc tế, về cơ bản, lại là các quan hệ chính trị giữa các chủ thể của luật quốc tế mà chủ yếu là giữa các quốc gia với nhau.
Đến đây, câu hỏi cần được trả lời tiếp theo là, yếu tố nước ngoài trong các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế được thể hiện như thế nào?
Học lí và thực tiễn về tư pháp quốc tế chưa có sự thống nhất về cách hiểu đối với yếu tố nước ngoài trong quan hệ tư pháp quốc tế, song thường dựa vào ít nhất một trong ba dấu hiệu chính sau đây để kết luận một quan hệ nội dung có tính chất dân sự hoặc quan hệ tố tụng dân sự là có yếu tố nước ngoài hay không, cụ thể là:
Thứ nhất, dấu hiệu chủ thể tham gia quan hệ.
Đây là trường hợp có ít nhất một bên chủ thể tham gia quan hệ là “người nước ngoài”. “Người nước ngoài” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, có thể là cá nhân người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài thậm chí là cả quốc gia nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế …
Ví dụ 1: Nam công dân Việt Nam 25 tuổi kết hôn với nữ công dân Nga 23 tuổi. Hoặc, nam công dân Hoa Kỳ nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.
Ví dụ 2: Trong quá trình giải quyết một vụ việc về tranh chấp quyền sở hữu đối với tài sản giữa nguyên đơn là công dân Việt Nam đang cư trú tại Đà Nẵng và bị đơn là công dân Anh đang cư trú tại Bungari, toà án Việt Nam (toà án đang giải quyết vụ việc) đã yêu cầu Toà án Bungari xác minh một số vấn đề về nhân thân và tài sản của công dân Anh trong thời gian người này cư trú tại Bungari thông qua thủ tục ủy thác tư pháp quốc tế.
Dấu hiệu chủ thể còn có thể được thể hiện ở khía cạnh khác, đó là trong một số quan hệ nhất định, các bên tham gia quan hệ mặc dù có cùng quốc tịch nhưng các bên có trụ sở thương mại hay nơi cư trú các nước khác nhau. Trong trường hợp này, quan hệ phát sinh vẫn là quan hệ có yếu tố nước ngoài.
Ví dụ: Trong một quan hệ hợp đồng mua bán vải, bên bán là thương nhân có trụ sở thương mại tại Việt Nam, còn bên mua là thương nhân có trụ sở thương mại tại Pháp. Theo Điều 1 Công ước Vienna 1980 của Liên hợp quốc về mua bán hàng hoá quốc tế thì quan hệ hợp đồng trên chính là quan hệ hợp đồng có yếu tố quốc tế (yếu tố nước ngoài). Ví dụ khác, việc đăng kí kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau trong đó có một bên định cư ở nước ngoài được thực hiện tại ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thường trú của công dân Việt Nam. Theo pháp luật Việt Nam thì quan hệ này được xem là quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Thứ hai, dấu hiệu đối tượng của quan hệ.
Theo dấu hiệu này, một quan hệ có tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ mà đối tượng của quan hệ này tồn tại ở nước ngoài. Đối tượng của quan hệ có thể là tài sản hoặc lợi ích khác.
Ví dụ 1: Bà M là công dân Việt Nam, khi chết không để lại di chúc. Tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của Bà M vào thời điểm chết là một biệt thự tại Hoa Kỳ. Khi Bà M chết, những người thừa kế đối với tài sản của Bà là các con đẻ và con nuôi của Bà đều là công dân Việt Nam và đang cư trú tại Việt Nam. Trong trường hợp này, quan hệ thừa kế tài sản phát sinh giữa những người cùng quốc tịch nhưng đối tượng của quan hệ là tài sản tồn tại ở nước ngoài nên quan hệ thừa kế này là quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài.
Ví dụ 2: Toà án Việt Nam thụ lí giải quyết một vụ việc tranh chấp về quyền sở hữu tài sản giữa nguyên đơn và bị đơn đều là công dân Việt Nam và đều đang cư trú tại Việt Nam, nhưng tài sản liên quan tới tranh chấp là ngôi biệt thự tại Anh.
Thứ ba, dấu hiệu về căn cứ làm phát sinh, thay đổi, thực hiện hay chấm dứt quan hệ.
Theo dấu hiệu này, quan hệ có yếu tố nước ngoài là quan hệ mà căn cứ (cơ sở) làm phát sinh, thay đổi, thực hiện hay chấm dứt quan hệ xảy ra ở nước ngoài.
Ví dụ: Hai công dân Việt Nam kết hôn với nhau tại Bờ Biển Ngà trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Bờ Biển Ngà, hoặc hai doanh nghiệp của Việt Nam kí kết hợp đồng mua bán hàng hoá tại Lào những hợp đồng được thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam.
Trong tư pháp quốc tế của Việt Nam, “yếu tố nước ngoài” được quy định tại Bộ luật dân sự 2015, Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Luật hôn nhân và gia đình 2014 V.v. song cụ thể và đầy đủ nhất là các quy định tại Bộ luật dân sự 2015 và Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Nhìn chung, những quy định về yếu tố nước ngoài trong tư pháp quốc tế Việt Nam là khá hiện đại và phù hợp với tư pháp quốc tế của nhiều nước trên thế giới. Khoản 2 Điều 663 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Xem thêm : Đơn phân của protein
a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;
b) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
Tương tự, khoản 2 Điều 464 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:
Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài;
b) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
c) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
Như vậy, đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế là các quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động, tố tụng dân sự v.v. có yếu tố nước ngoài. Nói theo cách khác, đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế là các quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp