Công dân từ 18 tuổi có trách nhiệm tham gia đội PCCC cơ sở?

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn, cứu hộ (CNCH) do Bộ Công an chủ trì xây dựng đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Đáng chú ý, dự thảo luật đề xuất công dân từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe có trách nhiệm tham gia vào đội dân phòng, đội phòng PCCC và CNCH cơ sở được lập ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc khi có yêu cầu.

Thành viên tổ liên gia an toàn PCCC, tổ tự quản ở địa phương… tham gia lực lượng dân phòng.

Công dân từ 18 tuổi có trách nhiệm tham gia đội PCCC cơ sở? - 1

Lực lượng chức năng cấp cứu người gặp nạn trong vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Hải).

4 lực lượng nòng cốt trong PCCC và CNCH

Dự thảo luật nêu rõ, lực lượng nòng cốt trong PCCC và CNCH của toàn dân gồm 4 lực lượng: Lực lượng dân phòng; lực lượng PCCC và CNCH cơ sở; lực lượng PCCC và CNCH chuyên ngành; lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.

Để triển khai, Bộ Công an đề xuất thành lập, quản lý các đội này. Trong đó, tại xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) phải thành lập đội dân phòng. Tại thôn phải thành lập Tổ dân phòng. Đội, tổ dân phòng do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thành lập, quản lý.

Tại cơ sở phải thành lập Đội PCCC và CNCH cơ sở – do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định thành lập, quản lý.

Đội PCCC và CNCH chuyên ngành là đội PCCC cơ sở được trang bị phương tiện chữa cháy cơ giới và tổ chức để đáp ứng yêu cầu hoạt động đặc thù của cơ sở do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở quyết định thành lập, quản lý.

Tại các cơ sở sau đây phải thành lập đội PCCC và CNCH:

– Các Kho: Dự trữ cấp Quốc gia, dự trữ cấp Bộ, ngành; Kho dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ dung tích trên 50.000m3;

– Cảng hàng không quốc tế, nội địa; cảng biển Loại đặc biệt, Loại I và Loại 2;

– Cơ sở sản xuất: Nhà máy nhiệt điện công suất từ 200 MW trở; Nhà máy thủy điện công suất từ 300 MW trở lên; Nhà máy điện hạt nhân; Nhà máy giấy công suất trên 35.000 tấn/năm; Nhà máy dệt công suất trên 20 triệu mét vuông/năm; Nhà máy xi măng công suất trên 1 triệu tấn/năm; Nhà máy phân đạm công suất từ 180.000 tấn/năm trở lên; Nhà máy thép công suất từ 300.000 tấn phôi thép/năm trở lên; Nhà máy lọc dầu, lọc hóa dầu, hóa dầu; cơ sở chế biến khí đốt công suất từ 15 triệu m3 khí /ngày đêm trở lên; cơ sở khai thác khoáng sản công suất từ 300.000 tấn/năm trở lên

– Khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp tổng diện tích từ 50 ha trở lên.

Dự thảo luật nêu rõ, quyết định thành lập đội dân phòng, đội PCCC cơ sở, đội PCCC chuyên ngành phải được cơ quan ban hành gửi tới cơ quan Cảnh sát PCCC quản lý địa bàn đó.

Lực lượng dân phòng, PCCC, CNCH cơ sở và chuyên ngành được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ; chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH; đồng thời chịu sự điều động của cấp có thẩm quyền.

Đội trưởng, đội phó và thành viên đội dân phòng, đội PCCC và CNCH cơ sở không chuyên trách được hưởng chế độ hỗ trợ thường xuyên.

Ngoài ra, UBND cấp xã, người đứng đầu cơ sở, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH có trách nhiệm tạo điều kiện, khuyến khích tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia vào công việc này.

“Người tình nguyện tham gia PCCC và CNCH được bổ sung vào đội dân phòng hoặc đội PCCC và CNCH cơ sở”, dự thảo luật nêu.

Công dân từ 18 tuổi có trách nhiệm tham gia đội PCCC cơ sở? - 2

Hội thi thể thao nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ toàn quốc lần thứ II năm 2023 diễn ra ở TPHCM (Ảnh: Hoàng Hướng).

Vì sao đề xuất như trên?

Lý giải đề xuất nêu trên, Bộ Công an cho rằng việc đưa các thành viên của tổ liên gia an toàn PCCC tham gia vào Đội dân phòng ở khu dân cư nhằm bảo đảm về số lượng và chất lượng các Đội dân phòng ở khu dân cư trên địa bàn cả nước.

Thành viên của tổ liên gia an toàn PCCC thường xuyên có mặt tại nơi cư trú, do vậy sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội PCCC dân phòng trong việc phát hiện thiếu sót trong công tác PCCC tại khu dân cư. Từ đó kịp thời tham mưu cho lãnh đạo UBND cấp xã làm tốt công tác PCCC và cứu nạn tại khu dân cư.

Việc đó cũng tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng phương tiện PCCC đồng bộ với quy định Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Đối với tổ chức, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm các chi phí thực hiện các thủ tục hành chính về quản lý chất lượng phương tiện PCCC.

Không những vậy, quy định trên sẽ tạo cơ sở pháp lý về thực hiện lập đội PCCC chuyên ngành, bổ sung thành viên trong tổ liên gia an toàn PCCC tham gia vào Đội dân phòng.

Trang bị phương tiện PCCC đối với cơ sở, thôn, hộ gia đình và phương tiện giao thông cơ giới phù hợp với quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC….