Quy định chung về Quản lý hành chính nhà nước

QUY ĐỊNH CHUNG VỀ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Khái niệm Quản lý hành chính nhà nước

2. Hình thức quản lý hành chính nhà nước

3. Phương pháp quản lý hành chính nhà nước

3.1.Đặc điểm của phương pháp QLHCNN

3.2.Các phương pháp QLHCNN bao gồm phương pháp thuyết phục, phương pháp cưỡng chế, phương pháp hành chính và phương pháp kinh tế

Quản lý hành chính nhà nước và phương pháp quản lý hành chính nhà nước

1. Khái niệm Quản lý hành chính nhà nước

  • Quản lý hành chính nhà nước là một hình thức hoạt động của nhà nước được thực hiện trước hết và chủ yếu bởi các cơ quan hành chính nhà nước, có nội dung là bảo đảm sự chấp hành luật, pháp lệnh và các nghị quyết của cơ quan quyền lực nhà nước, nhằm tổ chức và chỉ đạo thực hiện một cách trực tiếp và thường xuyên công cuộc xây dựng kinh tế, văn hoá, xã hội và hành chính, chính trị của nước ta. Hay nói một cách khác, quản lý hành chính nhà nước là hoạt động chấp hành, điều hành của nhà nước.
  • Chủ thể của quản lý hành chính nhà nước là các cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền, các cơ quan kiểm sát, xét xử và các tổ chức xã hội, cá nhân được nhà nước trao quyền quản lý hành chính trong một số trường hợp cụ thể và quản lý bằng pháp luật.
  • Khách thể của quản lý hành chính nhà nước là trật tự quản lý hành chính. Khách thể của quản lý hành chính nhà nước rất đa dạng, bao gồm rất nhiều loại hành vi, quá trình thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau; đồng thời, liên tục vận động, biến đổi và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau; bên cạnh đó, cũng có tính tách biệt tương đối với chủ thể quản lý nhưng lại có mối quan hệ chặt chẽ với chủ thể quản lý.

2. Hình thức quản lý hành chính nhà nước

  • Hình thức quản lý hành chính nhà nước (với tư cách là cách thức thể hiện nội dung của quản lý hành chính nhà nước trong hoàn cảnh quản lý cụ thể) là hoạt động biểu hiện ra bên ngoài của chủ thể quản lý nhằm thực hiện tác động quản lý.
  • Do tính chất đa dạng của hoạt động quản lý hành chính nhà nước nên việc xác định hình thức quản lý đem lại hiệu quả cao là nhiệm vụ quan trọng và không dễ dàng. Việc xác định hình thức quản lý có hiệu quả phụ thuộc vào những điều kiện khách quan, những chức năng của quản lý, nội dung và tính chất của vấn đề cần giải quyết, những đặc điểm của đối tượng quản lý, yêu cầu cụ thể đặt ra trước chủ thể quản lý,…. và phải căn cứ vào các quy định của pháp luật vì hoạt động quản lý hành chính nhà nước là hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật.
  • Việc xác định hình thức quản lý hành chính nhà nước cần phải được tiến hành trên cơ sở những quy luật nhất định, trong đó có:
    • Quy luật về sự phù hợp của hình thức quản lý với chức năng quản lý.
    • Quy luật về sự phù hợp của hình thức quản lý với nội dung và tính chất của những vấn đề quản lý cần giải quyết.
    • Quy luật về sự phù hợp của hình thức quản lý với những đặc điểm của đối tượng quản lý cụ thể.
    • Quy luật về sự phù hợp của hình thức quản lý với mục đích cụ thể của tác động quản lý.
  • Ngoài ra, để bảo đảm sự xác định đúng đắn, bảo đảm tổ chức quản lý hợp lý và khoa học cần phải phân loại các hình thức quản lý hành chính nhà nước thành những nhóm gồm những hoạt động quản lý giống nhau (hoặc tương tự) về tính chất, nội dung, những biểu hiện bên ngoài,…
  • Những hình thức cụ thể của hoạt động quản lý hành chính nhà nước thường liên quan hữu cơ với những hình thức pháp lý của hoạt động nhà nước nói chung (lập pháp, tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật). Nét đặc trưng của quản lý hành chính nhà nước là những hình thức pháp lý liên kết chặt chẽ với nhau trên cơ sở sự thống nhất của chức năng chấp hành – điều hành. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, các chủ thể của quản lý hành chính nhà nước cần :
    • Xác lập những quy tắc xử sự dưới luật trong những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình.
    • Tiến hành hoạt động điều hành mà nội dung là áp dụng quy phạm pháp luật.
    • Giải quyết những trường hợp không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, đánh giá hành vi xử sự của các bên tham gia quan hệ pháp luật hành chính và áp dụng các biện pháp tác động có tính chất bắt buộc trong những trường hợp pháp luật quy định.
  • Đồng thời, thực tiễn quản lý hành chính nhà nước cũng cho thấy rằng hoạt động quản lý hành chính nhà nước còn có thể được tiến hành dưới hình thức không pháp lý. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cho phép các chủ thể quản lý hành chính nhà nước thực hiện những hành vi trái pháp luật, bởi vì mọi hoạt động của chủ thể quản lý hành chính nhà nước đều phải tiến hành trên cơ pháp luật và để thực hiện pháp luật.
  • Như vậy, ta có thể phân loại các hình thức quản lý hành chính nhà nước thành hình thức pháp lý và hình thức không pháp lý. Hình thức pháp lý bao giờ cũng được pháp luật quy định cụ thể về nội dung, trình tự, thủ tục,… (ví dụ : đối với hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì pháp luật quy định thẩm quyền ban hành văn bản, hình thức văn bản, thủ tục ban hành văn bản,…); còn hình thức không pháp lý thì pháp luật chỉ quy định những thủ tục chung để tiến hành chúng (ví dụ : thủ tục tiến hành hội nghị, hội thảo, tổng kết và phổ biến kinh nghiệm công tác,…).
  • Sự khác nhau giữa 2 loại hình thức này còn thể hiện ở chỗ hình thức pháp lý có thể dẫn đến sự phát sinh, thay đổi hay chấm dứt những quan hệ pháp luật hành chính cụ thể, còn hình thức pháp lý thì không có khả năng ấy. Hình thức không pháp lý có thể được tiến hành trước hoặc sau hình thức pháp lý (quyết định hành chính nhà nước được ban hành trên cơ sở báo cáo hoặc đề nghị của cấp dưới), hoặc đơn giản là tạo điều kiện cần thiết cho việc tiến hành hoạt động mang tính chất pháp lý (chuẩn bị những số liệu, tài liệu cần thiết).
  • Các chủ thể quản lý hành chính nhà nước thường kết hợp sử dụng cả hình thức pháp lý lẫn hình thức không pháp lý trong hoạt động của mình.

3. Phương pháp quản lý hành chính nhà nước

Quy định chung về Quản lý hành chính nhà nước Quy định chung về Quản lý hành chính nhà nước.

  • Phương pháp quản lý hành chính nhà nước (QLHCNN) là cách thức mà chủ thể quản lý hành chính nhà nước sử dụng để thực hiện chức năng quản lý hành chính của mình, là cách thức tác động của chủ thể quản lý hành chính nhà nước lên các đối tượng quản lý nhằm đạt được hành vi xử sự cần thiết.

3.1.Đặc điểm của phương pháp QLHCNN:

    • Phương pháp QLHCNN do các chủ thể QLHCNN (các cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền trong bộ máy hành chính nhà nước…) tiến hành để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
    • Phương pháp QLHCNN là cách thức thực hiện quyền lực nhà nước trong quản lý.
    • Những phương pháp quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước được thể hiện dưới những hình thức QLHCNN nhất định (ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật…) và được tiến hành trong giới hạn do pháp luật quy định. chẳng hạn như:
      • Hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật hành chính
      • Trong quản lý hành chính nhà nước, các chủ thể quản lí nhà nước cần đến Quy phạm pháp luật (QPPL) để định ra các khuôn mẫu xử sự chung cho nhiều cá nhân, tổ chức (đối tượng quản lý) trong những tình huống được dự liệu trước và có thể lặp lại nhiều lần trong thực tiễn. Những quy phạm pháp luật được dùng để điều chỉnh các quan hệ quản lý hành chính nhà nước là các quy phạm pháp luật hành chính. Do đó, có thể hiểu Quy phạm pháp luật hành chính là một dạng cụ thể của Quy phạm pháp luật, được ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước theo phương pháp mệnh lệnh, đơn phương.
      • Hoạt động ban hành văn bản áp dụng QPPL
  • Văn bản áp dụng QPPL là văn bản thi hành của văn bản QPPL, văn bản này được ban hành trên cơ sở văn bản QPPL nhằm giải quyết các công việc liên quan đến cá nhân, tổ chức. Do đó, văn bản ADQPPL có số lượng rất lớn, có nội dụng, tính chất, mục đích sử dụng rất khác nhau. Tuy nhiên, căn cứ vào mục đích áp dụng, chúng ta có thể chia thành 2 nhóm lớn là: Nhóm những văn bản chấp hành pháp luật; Nhóm những văn bản bảo vệ pháp luật.

3.2.Các phương pháp QLHCNN bao gồm phương pháp thuyết phục, phương pháp cưỡng chế, phương pháp hành chính và phương pháp kinh tế.

    • Phương pháp thuyết phục
      • Thuyết phục là làm cho đối tượng quản lý hiểu rõ sự cần thiết và tự giác thực hiện những hành vi nhất định hoặc tránh thực hiện những hành vi nhất định.
      • Phương pháp thuyết phục do chủ thể QLHCNN sử dụng để tác động lên đối tượng quản lý nhằm thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình.
      • Thông qua phương pháp thuyết phục, các chủ thể quản lý hành chính nhà nước giáo dục cho mọi công dân nhận thức đúng đắn về kỷ cương xã hội, kỷ cương nhà nước, động viên họ tự giác thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội. các tổ chức xã hội là chỗ dựa vững chắc của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc nâng cao ý thức pháp luật của công dân, trong việc đảm bảo và mở rộng dân chủ.
      • Phương pháp thuyết phục thể hiện trong việc sử dụng những biện pháp khác nhau như giải thích, nhắc nhở, tổ chức, giáo dục, cung cấp thông tin, tuyên truyền, phát triển các hình thức tự quản xã hội, tổ chức thi đua, khen thưởng,… Những biện pháp này được quy định một cách chung nhất trong thẩm quyền của chủ thể quản lý hành chính nhà nước mà không giới hạn phạm vi áp dụng.
    • Phương pháp cưỡng chế hành chính :
      • Phương pháp cưỡng chế là cách thức tác động mang tính chất bắt buộc, có thể gây thiệt hại về vật chất, tinh thần hay các quyền, lợi ích khác của đối tượng quản lý nhằm thực hiện các yêu cầu quản lý đặt ra.
      • Phương pháp này được pháp luật quy định rất chặt chẽ về thẩm quyền, hình thức, trình tự thủ tục và những hậu quả pháp lý. Trong việc áp dụng phương pháp cưỡng chế, cần chú ý những điểm sau:
        • Chỉ sử dụng biện pháp cưỡng chế trong những trường hợp cần thiết, khi phương pháp thuyết phục không mang lại hiệu quả hoặc không có khả năng đảm bảo hiệu quả;
      • Cần lựa chọn biện pháp cưỡng chế có hiệu quả nhất trong những biện pháp được áp dụng;
      • Không áp dụng biện pháp cưỡng chế trong những trường hợp mục đích đề ra đã đạt được hoặc cả khi những mục tiêu đề ra là không thể thực hiện được;
        • Khi áp dụng biện pháp cưỡng chế cần cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho cá nhân, tổ chức cũng như cho xã hội;
        • Chỉ được áp dụng biện pháp cưỡng chế được pháp luật quy định cho từng trường hợp cụ thể.
      • Trong khi áp dụng biện pháp cưỡng chế cần chú ý đến những đặc điểm của đối tượng bị cưỡng chế.
  • Phương pháp hành chính :
    • Phương pháp hành chính là phương pháp quản lý bằng cách ra chỉ thị từ trên xuống, nghĩa là những quyết định bắt buộc đối với đối tượng quản lý. Đặc trưng của phương pháp này là sự tác động trực tiếp lên đối tượng quản lý đạt được bằng cách quy định đơn phương nhiệm vụ và phương án hành động của đối tượng quản lý.
    • Phương pháp hành chính thể hiện tính chất quyền lực của hoạt động quản lý. Cơ sở của nó là nguyên tắc tập trung dân chủ mà cụ thể là sự phục tùng của cấp dưới đối với cấp trên và tính chất bắt buộc thi hành những chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên đối với cấp dưới. Phương pháp hành chính cần thiết để đảm bảo cho hoạt động quản lý được tiến hành có hiệu quả và đảm bảo kỷ luật nhà nước. Phương pháp này áp dụng khi có mối quan hệ trực thuộc (cấp trên – cấp dưới, thủ trưởng – nhân viên,…)
    • Một vài biểu hiện của phương pháp hành chính là quy định những quy tắc xử sự chung trong quản lý hành chính nhà nước; quy định quyền hạn và nghĩa vụ của các cơ quan dưới quyền, giao nhiệm vụ cho các cơ quan đó; kiểm tra việc chấp hành pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới; áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết,…
  • Phương pháp kinh tế :
    • Phương pháp kinh tế là phương pháp tác động gián tiếp đến hành vi của các đối tượng quản lý thông qua việc sử dụng những đòn bẩy kinh tế tác động đến lợi ích của con người như quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh, thuế suất, lãi suất tín dụng, ưu đãi về đầu tư,….
    • Nội dung của phương pháp kinh tế chính là sự quản lý bằng lợi ích và thông qua lợi ích của con người. Lợi ích là điểm trung tâm của phương pháp kinh tế, là cơ sở của sự phát triển. Do tác động của lợi ích mà hoạt động quản lý hàng ngày thay đổi về cơ bản bởi nó được thực hiện không phải thông qua những chỉ thị trực tiếp, mà thông qua sự quan tâm trực tiếp của người dân vào kết quả lao động của mình.
  • Tham khảo thêm bài viết:Không nộp thuế thu nhập cá nhân có bị phạt. Quyết toán thuế thu nhập cá nhân ở Hàn Quốc và những câu hỏi thường gặp. Các trường hợp cấp chứng từ thuế thu nhập cá nhân. Vai trò của thuế thu nhập cá nhân.

    Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.