Sản xuất vật chất đóng vai trò là cơ sở nền tảng của toàn bộ đời sống xã hội, vậy trình độ phát triển của nền sản xuất vật chất của xã hội căn bản phụ thuộc vào nhân tố nào (nhân tố nào giữ vai trò quyết định)? Quan điểm đó có ý nghĩa phương pháp luận gì?

Ví dụ, sự khác nhau căn bản giữa nền sản xuất vật chất của xã hội phong kiến và xã hội tư bản chính là ở chỗ nền sản xuất vật chất của xã hội phong kiến căn bản dựa trên phương thức kỹ thuật thủ công, còn nền sản xuất vật chất của xã hội tư bản căn bản dựa trên trình độ công nghiệp.

– Khái niệm phương thức sản xuất dùng để chỉ cách thức tiến hành quá trình sản xuất của xã hội ở những giai đoạn lịch sử nhất định.

Ví dụ, xét về phương thức kỹ thuật của quá trình lao động sản xuất: Phương thức sản xuất của xã hội nguyên thủy có đặc trưng là cách thức kỹ thuật đánh bắt tự nhiên còn ở trình độ hết sức thô sơ, còn phương thức sản xuất trong xã hội hiện đại lại có đặc trưng ở trình độ kỹ xảo công nghiệp và công nghệ cao.

– Nội dung của mỗi phương thức sản xuất

Mỗi phương thức sản xuất đều có hai phương diện cơ bản là phương diện kỹ thuật và phương diện tổ chức kinh tế. Hai phương diện đó gắn bó chặt chẽ với nhau. Phương diện kỹ thuật của phương thức sản xuất là chỉ quá trình sản xuất được tiến hành bằng cách thức kỹ thuật, công nghệ nào để làm biến đổi các đối tượng của quá trình sản xuất; còn phương diện tổ chức kinh tế của phương thức sản xuất là chỉ quá trình sản xuất được tiến hành với những cách thức tổ chức kinh tế nào.

Ví dụ, trong các xã hội nông nghiệp truyền thông, phương thức kỹ thuật chủ yếu của quá trình sản xuất là các công cụ kỹ thuật thủ công với quy mô nhỏ và khép kín về phương diện kinh tế. Ngược lại, trong các xã hội hiện đại, quá trình sản xuất lại được tiến hành với phương thức kỹ thuật công nghiệp và tổ chức kinh tế thị trường với những quy mô ngày càng mở rộng và không ngừng phát triển theo hướng phân tách và phụ thuộc vào nhau giữa các khâu kỹ thuật và tổ chức kinh tế của quá trình sản xuất xã hội.

– Ý nghĩa phương pháp luận:

+ Quan điểm trên là cơ sở khoa học để đánh giá trình độ phát triển nền sản xuất vật chất của các thời đại.

+ Căn cứ vào quan điểm trên cũng có thể nghiên cứu lịch sử xã hội loài người theo quan điểm, đó là lịch sử phát triển ỏ trình độ ngày càng cao hơn của các phương thức sản xuất: phương thức sản xuất châu Á, cổ đại, phong kiến và tư sản hiện đại,… (cách nghiên cứu của C. Mác).

+ Để phát triển nền sản xuất vật chất của xã hội (trên nền tảng đó thực hiện sự phát triển các lĩnh vực khác của xã hội) căn bản phải là xây dựng, phát triển phương thức sản xuất ở trình độ ngày càng cao hơn.

Ví dụ, căn bản đối với nước ta hiện nay là cần phải tập trung sức đẩy mạnh quá trình thực hiện công nghiệp hoá theo hướng hiện đại hoá và xây dựng thành công cách thức tổ chức kinh tế theo phương thức thị trường hiện đại, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa như đã được xác định trong các Văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Loigiaihay.com