Vùng Đông Nam bộ bao gồm TP.HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước. Đây là vùng có điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp; nhất là phát triển cây công nghiệp lâu năm và cây ăn trái.
Các doanh nghiệp chế biến nông sản mong muốn vùng Đông Nam bộ liên kết hình thành những vùng sản xuất lớn cây ăn trái phục vụ cho chế biến. Trong ảnh: Chế biến trái cây sấy tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán). Ảnh: B.Nguyên
Bạn đang xem: Để Đông Nam bộ thành vùng sản xuất lớn
Trong giai đoạn hội nhập, vấn đề liên kết vùng, hình thành những vùng sản xuất lớn ngày càng cần thiết. Trong đó, cần tập trung khai thác các lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng; tạo môi trường hợp tác, liên kết giữa các địa phương để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa lớn.
* Dẫn đầu về chăn nuôi
Đông Nam bộ là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu; trong đó, có lĩnh vực nông nghiệp.
Tại diễn đàn trực tuyến kết nối cung – cầu chuỗi thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 8-12, ông Đỗ Hữu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam cho hay, Đông Nam bộ đi đầu cả nước về chăn nuôi, đặc biệt là gia cầm. Hiện nay, nguồn cung thịt, trứng cho thị trường rất dồi dào.
Theo ông NGUYỄN QUỐC TOẢN, Cục trưởng Cục Chế biến – phát triển thị trường nông sản, vùng Đông Nam bộ phải đồng bộ về cơ chế chính sách, huy động được mọi nguồn lực để sản xuất hiệu quả, bền vững; tạo điều kiện cho các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển để hình thành các chuỗi giá trị; mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể, năm 2021, tổng sản lượng thịt gia cầm của vùng trên 320 ngàn tấn, tăng 16,6% so với năm trước. Sản lượng thịt gia cầm của vùng có mức tăng trưởng cao nhất cả nước. Cụ thể, năm 2021, cả nước có mức tăng trưởng 3,1 lần so với năm 2010, vùng Đông Nam bộ có mức tăng trưởng cao nhất là 6,2 lần.
Xem thêm : Navegación
Chăn nuôi của vùng phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng, phương thức tổ chức sản xuất, nhiều nơi khép kín từ chế biến thức ăn, sản xuất con giống, chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ và trở thành ngành sản xuất hàng hóa. Đông Nam bộ cũng đang đi đầu trong xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nổi bật, Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước với tổng đàn heo hiện đạt trên 2,6 triệu con, tăng gần 6,4%; tổng đàn gà đạt 26 triệu con, tăng hơn 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y Đồng Nai cho biết, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng trang trại quy mô lớn. Với 2 vật nuôi chủ lực là heo, gà, chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 90%; khoảng 45% tổng đàn heo, 31% tổng đàn gà của các doanh nghiệp được truy xuất nguồn gốc; duy trì 7 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện. Đồng thời, Chi cục Chăn nuôi – thú y Đồng Nai đang phối hợp với Cục Thú y khảo sát và xây dựng 3 vùng an toàn dịch bệnh đáp ứng tiêu chuẩn OIE phục vụ xuất khẩu.
* Lợi thế phát triển cây công nghiệp, cây ăn trái
Đông Nam bộ là vùng có thế mạnh phát triển cây công nghiệp chủ lực như: cao su, tiêu, điều, cà phê của cả nước. Đây đều là các cây trồng thuộc tốp đầu về xuất khẩu, mang về hàng tỷ USD cho Việt Nam.
Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2022 đến nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam xấp xỉ 1,5 triệu tấn, đạt khoảng 3,2 tỷ USD. Trong những tháng cuối năm, thị trường xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng trưởng tốt. Nếu giá cà phê xuất khẩu tiếp tục giữ ở mức cao như hiện nay, dự báo cả năm 2022, ngành cà phê Việt Nam có thể thiết lập mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD và đà tăng có thể kéo dài sang năm 2023.
Tương tự, năm 2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam có giảm cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái nhưng xuất khẩu hạt điều trong 11 tháng năm 2022 vẫn đạt 505 ngàn tấn, đạt 3 tỷ USD.
Ngoài ra, các tỉnh Đông Nam bộ còn có thế mạnh về phát triển cây ăn trái. Với hơn 74,7 ngàn ha cây ăn trái, Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về diện tích cây ăn trái có lợi thế xuất khẩu như: bưởi, chuối cấy mô, sầu riêng…
* Đẩy mạnh liên kết vùng
Xem thêm : Bảo vệ môi trường có ý nghĩa như thế nào?
Để phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, bền vững, áp dụng quy trình sản xuất an toàn; sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường; sản xuất theo chuỗi từ khâu nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, các tỉnh, thành của vùng Đông Nam bộ đang nỗ lực tạo mọi điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hướng xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất cho đến tiêu thụ, chế biến.
Chuỗi thịt gà xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản của Công ty TNHH Koyu & Unitek tại Đồng Nai (TP.Biên Hòa)
Trong đó, vùng rất quan tâm xây dựng chuỗi liên kết trong trồng trọt, chăn nuôi hình thành vùng nguyên liệu lớn đáp ứng tốt thị trường trong nước và xuất khẩu cũng như cho ngành chế biến. Trước bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới còn nhiều biến động, nhất là do tác động của hậu đại dịch Covid-19, liên kết vùng và kết nối tiêu thụ nông sản phẩm càng trở thành vấn đề cấp bách.
Thời gian qua, chăn nuôi của vùng đã thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các chuỗi sản xuất lớn khép kín. Các chuỗi liên kết này không chỉ tập trung ở một tỉnh, thành mà có sự liên kết với nhau. Theo đó, Đông Nam bộ cũng là vùng đi đầu trong xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Cụ thể, Công ty TNHH Koyu & Unitek tại tỉnh Đồng Nai (TP.Biên Hòa) là doanh nghiệp đi tiên phong xuất khẩu được sản phẩm thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản. Từ đó, Đông Nam bộ đã hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Điển hình như Công ty TNHH CPV Food Bình Phước xây dựng thành công chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh từ nhà máy thức ăn, con giống, trang trại chăn nuôi gà thương phẩm, nhà máy giết mổ, chế biến sản phẩm xuất khẩu. Một số công ty như Japfa, Greenfeed đã khảo sát các vị trí đất ở khu vực để thực hiện các dự án chăn nuôi heo an toàn theo khuyến cáo của OIE để xuất khẩu.
Về phát triển chuỗi liên kết nông sản cho vùng, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến – phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung có nhiều lợi thế hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Trong đó, xây dựng vùng nguyên liệu phải theo nhu cầu thị trường, các điều kiện lợi thế tự nhiên để hình thành phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lớn được ứng dụng khoa học tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sinh học, thông minh, hữu cơ, phát triển tuần hoàn… Ngoài ra, đó còn là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức lại sản xuất; đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất.
Bình Nguyên
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp