Đồng tiền dự thầu đối với hoạt động đấu thầu trong nước

Khi các chủ đầu tư muốn thực hiện một dự án, chủ đầu tư có thể tự mình mở gói thầu và thực hiện mời thầu hoặc thuê một đơn vị thực hiện việc mời thầu. Các bên có nhu cầu thực hiện dự án sẽ tiến hành nộp hồ sơ dự thầu cho bên mời thầu để bên mời thầu xem xét và đánh giá hồ sơ dự thầu. Đối với việc dự thầu, pháp luật còn quy định về cả vấn đề đồng tiền dự thầu đối với hoạt động đấu thầu trong nước. Vậy quy định về đồng tiền dự thầu cụ thể như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ đi vào tìm hiểu các vấn đề nêu trên.

Đồng tiền dự thầu đối với hoạt động đấu thầu trong nước

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài trực tuyến 24/7: 1900.6568

1. Quy định khái quát về dự thầu?

Theo Khoản 12 Điều 4 Luật đấu thầu 2013 thì đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Dự thầu là quá trình các nhà thầu thực hiện việc nộp hồ sơ dự thầu cho bên mời thầu, quá trình này bao gồm cả việc đánh giá hồ sơ dự thầu, cho đến khi nhà thầu được nhà đầu tư lựa chọn sẽ là nhà thầu thực hiện dự án.

Trong quá trình đấu thầu, có hai chủ thể quan trọng là bên mời thầu và bên dự thầu.

Theo đó bên mời thầu là cơ quan, tổ chức có chuyên môn và năng lực để thực hiện các hoạt động đấu thầu, bao gồm các chủ thể sau: chủ đầu tư hoặc tổ chức do chủ đầu tư quyết định thành lập hoặc lựa chọn; Đơn vị dự toán trực tiếp sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên; Đơn vị mua sắm tập trung; Cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức trực thuộc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn. Bên mời thầu có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ mời thầu, hồ sơ mời thầu cần quy định các nội dung cơ bản về dự án và các yêu cầu của từng hạng mục của gói thầu để bên dự thầu đánh giá sự tương thích và tiến hành nộp hồ sơ dự thầu. Trong hồ sơ mời thầu của bên mời thầu phải ghi rõ quy định về việc sử dụng đồng tiền để chào thầu phải quy định về đồng tiền quy đổi, thời điểm và căn cứ xác định tỷ giá quy đổi về đồng tiền chào thầu.

Luật đấu thầu quy định về việc bảo đảm dự thầu, theo đó bảo đảm dự thầu là việc nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam để bảo đảm trách nhiệm dự thầu của nhà thầu, nhà đầu tư trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Bảo đảm dự thầu nhằm tránh các trường hợp rủi ro trong quá trình nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện hợp đồng đấu thầu.

Bảo đảm dự thầu áp dụng trong các trường hợp sau:

– Bảo đảm dự thầu áp dụng với hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và gói thầu hỗn hợp;

– Bảo đảm dự thầu áp dụng với hình thức đấu thầu rộng rãi và chỉ định thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư.

Giá trị bảo đảm dự thầu được quy định tại khoản 3 Điều 11 Luật đấu thầu 2013 như sau: Giá trị để bảo đảm dự thầu khác nhau tùy thuộc vào lựa chọn nhà thầu hoặc lựa chọn nhà đầu tư:

– Đối với lựa chọn nhà thầu, giá trị bảo đảm dự thầu được các bên quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo một mức xác định từ 1% đến 3% giá gói thầu căn cứ quy mô và tính chất của từng gói thầu cụ thể;

– Đối với lựa chọn nhà đầu tư, giá trị bảo đảm dự thầu được các bên quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo một mức xác định từ 0,5% đến 1,5% tổng mức đầu tư căn cứ vào quy mô và tính chất của từng dự án cụ thể.

Khi có rủi ro do các bên vi phạm hợp đồng đấu thầu thì phần giá trị bảo đảm này sẽ được dùng để bù đắp các tổn thất, thiệt hại cho bên còn lại. Vai trò của giá trị bảo đảm dự thầu nhằm bảo đảm dự thầu cho bên mời thầu và bên dự thầu khi trong quá trình thực hiện các thủ tục dự thầu, khi nghĩa vụ của các bên bị bên còn lại vi phạm thì giá trị bảo đảm dự thầu sẽ được dùng để bù đắp những tổn thất đã xảy ra trong quá trình dự thầu.

2. Đồng tiền dự thầu đối với hoạt động đấu thầu trong nước?

Theo quy định của luật đáu thầu thì đấu thầu trong nước là đấu thầu mà chỉ có nhà thầu, nhà đầu tư trong nước được tham dự thầu.

Đấu thầu quốc tế là đấu thầu mà nhà thầu, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài được tham dự thầu.

Khi thực hiện dự thầu, các bên sẽ phải bỏ ra các chi phí để thực hiên gói thầu, đồng tiền để thực hiện dự thầu được quy định thống nhất nhằm đảm bảo quá trình thực hiện gói thầu được chính xác và thống nhất.

Điều 10 Luật đấu thầu năm 2013 quy định về đồng tiền dự thầu như sau:

“Điều 10. Đồng tiền dự thầu

1. Đối với đấu thầu trong nước, nhà thầu chỉ được chào thầu bằng đồng Việt Nam.

2. Đối với đấu thầu quốc tế:

a) Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định về đồng tiền dự thầu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhưng không quá ba đồng tiền; đối với một hạng mục công việc cụ thể thì chỉ được chào thầu bằng một đồng tiền;

b) Trường hợp hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu quy định nhà thầu được chào thầu bằng hai hoặc ba đồng tiền thì khi đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất phải quy đổi về một đồng tiền; trường hợp trong số các đồng tiền đó có đồng Việt Nam thì phải quy đổi về đồng Việt Nam. Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định về đồng tiền quy đổi, thời điểm và căn cứ xác định tỷ giá quy đổi;

c) Đối với chi phí trong nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu, nhà thầu phải chào thầu bằng đồng Việt Nam;

d) Đối với chi phí ngoài nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu, nhà thầu được chào thầu bằng đồng tiền nước ngoài.”

Theo quy định trên thì đấu thầu trong nước sẽ chỉ có nhà thầu, nhà đầu tư trong nước được tham dự thầu, do đó đồng tiền dùng để chào thầu sẽ là đồng tiền Việt Nam

Đấu thầu quốc tế sẽ có sự tham gia của các nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài, do đó đồng tiền dùng để chào thầu có thể là các đồng tiền khác ngoài đồng tiền Việt Nam. Theo quy định trên, hồ sơ dự thầu nước ngoài có thể sử dụng nhiều hơn một đồng tiền nhưng không quá 3 đồng tiền, một hạng mục công việc cụ thể chỉ được chào thầu bằng một đồng tiền. Việc nhà thầu được chào thầu bằng nhiều đồng tiền hay không phụ thuộc vào hồ sơ mời thầu của bên mời thầu.

Hồ sơ mời thầu của bên mời thầu gửi cho bên dự thầu nếu quy định bên dự thầu có thể chào thầu bằng hai hoặc ba đồng tiền thì khi bên mời thầu thực hiện đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất sẽ phải quy đổi về một đồng tiền; trường hợp trong số các đồng tiền trong hồ sơ dự thầu đó có đồng Việt Nam thì phải quy đổi về đồng Việt Nam. Điều này nhằm tạo ra sự thống nhất trong việc đánh giá các hạng mục trong hồ sơ dự thầu. Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định về đồng tiền quy đổi, thời điểm và căn cứ xác định tỷ giá quy đổi để việc quy đổi được thực hiện chính xác.

Đối với từng loại gói thầu thì đồng tiền sẽ được quy định khác nhau, cụ thể đối với chi phí trong nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu, nhà thầu phải chào thầu bằng đồng Việt Nam còn đối với chi phí ngoài nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu, nhà thầu được chào thầu bằng đồng tiền nước ngoài.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, nếu hồ sơ mời thầu cho phép nhà thầu được chào thầu bằng nhiều đồng tiền thì bên dự thầu sẽ được phép chào thầu bằng nhiều đồng tiền và không quá ba đồng tiền, hồ sơ mời thầu quy định một hạng mục công việc thì chỉ được chào bằng một đồng tiền do đó bên dự thầu sẽ không chào thầu bằng cả đồng VNĐ và USD trong một hạng mục công việc được. Việc quy định đồng tiền dự thầu được bên mời thầu quy định trong hồ sơ mời thầu, tuy nhiên đối với một số trường hợp thì sẽ quy định bắt buộc về đồng tiền dự thầu: đó là đôi với chi phí trong nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu, nhà thầu phải chào thầu bằng đồng Việt Nam, và đối với chi phí ngoài nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu, nhà thầu được chào thầu bằng đồng tiền nước ngoài, đặc biệt đối với đấu thầu trong nước, nhà thầu chỉ được chào thầu bằng đồng Việt Nam.