Giá trị hàng hóa là gì? Những hàng hóa nào do Nhà nước định giá?

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Giá trị hàng hóa là gì?

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định giá trị hàng hóa là gì tuy nhiên có thể dựa vào một số định nghĩa sau đây để hiểu về giá trị hàng hóa cụ thể:

– Hàng hóa là sản phẩm có thể trao đổi, mua, bán trên thị trường;

– Giá thành toàn bộ của hàng hóa bao gồm:

+ Giá thành sản xuất hàng hóa; giá mua hàng hóa của tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại; giá nhập khẩu hàng hóa;

+ Chi phí lưu thông hàng hóa.

– Yếu tố hình thành giá bao gồm giá thành toàn bộ thực tế; lợi nhuận (nếu có) hoặc khoản lỗ (nếu có); các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

– Định giá là quá trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa thực hiện xác định giá của hàng hóa.

Như vậy, từ một số định nghĩa trên có thể hiểu giá trị hàng hóa phản ánh mối quan hệ sản xuất và lượng lao động xã hội cần thiết để tạo ra hàng hóa và được xác định thông qua nhiều yếu tố để cấu thành trong đó bao gồm:

– Giá trị hàng hóa được tạo ra bởi lượng lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra hàng hóa đó;

– Giá trị hàng hóa là những gì con người bỏ ra để đổi lấy hàng hóa đó (ví dụ: các chi phí, sức lao động, tài nguyên, máy móc, thời gian,….);

– Giá trị hàng hóa được thể hiện thông qua giá cả của hàng hóa khi mua bán trên thị trường (giá cả phản ánh giá trị thực tế của hàng hóa);

– Giá trị hàng hóa tăng lên khi năng suất lao động xã hội tăng lên, chi phí sản xuất giảm đi.

– Giá trị hàng hóa không phải là giá trị sử dụng của hàng hóa mà là giá trị khi trao đổi trên thị trường.

(Căn cứ Điều 4 Luật giá 2023 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024)

2. Những hàng hóa nào do Nhà nước định giá?

Theo Điều 21 Luật giá 2023 quy định về hàng hóa do Nhà nước định giá cụ thể:

Tiêu chí định giá hàng hóa

Hàng hóa do Nhà nước định giá phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

+ Hàng hóa thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về thương mại và quy định khác của pháp luật có liên quan;

+ Tài nguyên quan trọng theo quy định của pháp luật về tài nguyên;

+ Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước;

+ Hàng hóa thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua, bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hình thức định giá hàng hóa

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá thực hiện định giá theo các hình thức sau đây:

+ Giá cụ thể là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán theo đúng mức giá đó;

+ Giá tối thiểu là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán thấp hơn mức giá đó;

+ Giá tối đa là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán cao hơn mức giá đó;

+ Khung giá là khoảng giới hạn mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán thấp hơn mức tối thiểu và cao hơn mức tối đa của khung giá đó.

Thẩm quyền định giá

Thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định như sau:

+ Thủ tướng Chính phủ định giá đối với hàng hóa đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô, đời sống người dân;

+ Bộ Tài chính định giá đối với hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý; hàng hóa thuộc nhiều ngành, lĩnh vực quản lý và ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước;

+ Bộ, cơ quan ngang Bộ định giá đối với hàng hóa thuộc lĩnh vực, phạm vi chuyên ngành quản lý theo quy định của pháp luật;

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá đối với hàng hóa theo thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý theo địa bàn.

Danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá

Danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật giá 2023. Đặc điểm kinh tế – kỹ thuật của hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan;

Trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.

Mẫu danh mục hàng hóa do nhà nước định giá:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/Danh-muc-hang-hoa-do-nha-nuoc-dinh-gia-2024.docx

Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập văn bản đề nghị điều chỉnh gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá quy định tại khoản 5 Điều 21 Luật Giá 2023.

Có thể thấy những hàng hóa nào do Nhà nước định giá bao gồm:

– Hàng hóa thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất, kinh doanh;

– Tài nguyên thiên nhiên quan trọng;

– Hàng dự trữ quốc gia;

– Sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công;

– Hàng hóa thiết yếu có tính chất độc quyền hoặc thị trường cạnh tranh hạn chế;

– Hàng hóa đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân;

– Các hàng hóa khác thuộc Danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá ban hành kèm theo Luật Giá 2023.

3. Nhà nước định giá hàng hóa dựa trên nguyên tắc nào?

Theo quy định tại Điều 22 Luật giá 2023 thì Nhà nước định giá hàng hóa dựa trên những nguyên tắc sau:

Nguyên tắc định giá hàng hóa của Nhà nước

– Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ; lợi nhuận (nếu có) hoặc tích lũy theo quy định của pháp luật (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường; bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ;

– Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, người tiêu dùng;

– Xem xét, điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Trường hợp điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ công trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư được thực hiện theo từng thời kỳ quy định tại hợp đồng dự án.

Căn cứ định giá hàng hóa của Nhà nước

– Yếu tố hình thành giá của hàng hóa tại thời điểm định giá hoặc thời gian xác định yếu tố hình thành giá trong phương án giá phù hợp với đặc điểm, tính chất của hàng hóa;

– Quan hệ cung cầu của hàng hóa, nhu cầu của thị trường và sức mua của đồng tiền; khả năng thanh toán của người tiêu dùng;

– Giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ.

Như vậy, nguyên tắc định giá của Nhà nước nhằm đảm bảo lợi ích của các bên liên quan, phù hợp với cơ chế thị trường và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.