Định giá giá trị sức lao động

Trình độ lao động

Trình độ lao động thể hiện khả năng thực hiện những công việc có tính phức tạp. Tính phức tạp của công việc càng nhiều thì yêu cầu trình độ lao động càng cao. Trình độ lao động là kết quả của đào tạo và rèn luyện. Để có trình độ, người lao động phải được đào tạo và rèn luyện. Quá trình học tập và rèn luyện thực sự là quá trình lao động, nhưng là lao động không tạo ra giá trị. Đây là một dạng lao động quá khứ. Để thu được kỹ năng hay trình độ lao động, người lao động phải tổn hao sức lao động. Sự tổn hao này chỉ đem đến giá trị cho người lao động và nâng cao giá trị cho người lao động khi người lao động sử dụng trình độ lao động để tiến hành tạo ra sản phẩm, họ đã kết hợp hai sức lao động của bản thân họ là sức lao động hiện tại và sức lao động quá khứ. Sự kết hợp này tạo ra giá trị sức lao động cao hơn giá trị của sức lao động hiện tại.

Trình độ lao động được phân biệt ở ba dạng: đào tạo, rèn luyện và kết hợp cả đào tạo và rèn luyện. Việc đào tạo giúp cho việc nâng cao trình độ diễn ra nhanh, thời gian để người lao động đạt tới một trình độ quy định có thể xác định trước. Để có thể đạt được điều này, người lao động cần có nhiều sự hỗ trợ. Còn quá trình rèn luyện để nâng cao trình độ là quá trình vận động tự thân của người lao động. Quá trình này kéo dài hay ngắn tuỳ thuộc vào từng cá nhân. Quá trình rèn luyện có thể được xen kẽ trong thời gian đào tạo hoặc là sự rèn luyện trong quá trình lao động. Việc rèn luyện trong lao động là việc tạo ra sự thành thục lao động ở một trình độ. Sự thành thục trong lao động có thể làm giảm nhiều chi phí trong quá trình tạo ra sản phẩm. Phần chi phí giảm do sự thành thục này là giá trị sức lao động mới hay giá trị sức lao động gia tăng và thay thế được cho một số giá trị tạo nên giá trị sản phẩm. Sự thành thục giúp cho người lao động thu được hiệu quả lao động cao ở những sản phẩm quen thuộc và nó ít có ý nghĩa ở những sản phẩm mới. (Nếu có ý nghĩa thì đó là quá trình thành thục diễn ra nhanh hơn). Việc được đào tạo và học tập giúp người lao động có sự linh hoạt trong thực hiện các công việc khác nhau, thực hiện được các sản phẩm khác nhau dễ dàng .

– Năng lực cá nhân

Năng lực cá nhân thường được quan niệm bao hàm cả trình độ và một vài phẩm chất riêng của mỗi cá nhân. Đây là một quan niệm mặc dù không sai nhưng nó dễ dẫn đến suy nghĩ rằng chỉ cần có trình độ là đủ. Trong thực tế thì trình độ là cái nhân tạo, mỗi người có thể phấn đấu để giành được. Còn năng lực cá nhân là phẩm chất riêng mà con người không thể tạo ra, con người chỉ có thể phát hiện và khai thác nó trong bản thân người lao động. Vì lẽ đó mà ở đây phân biệt trình độ và năng lực cá nhân. Khai thác năng lực cá nhân trong lao động sẽ thu được nhiều giá trị sức lao động mà không tổn hao thêm về sức lao động. Có nghĩa là sức lao động của những người có năng lực mang giá trị cao. Giá trị sức lao động từ năng lực cá nhân là giá trị được chuyển hoá trực tiếp từ bản thân người lao động. Vì vậy nó làm gia tăng giá trị xã hội. Định giá trình độ lao động để sử dụng, định giá năng lực cá nhân để khai thác.

Năng lực cá nhân thể hiện ở khả năng vận dụng tổng hợp tri thức, kinh nghiệm thực tiễn vào thực hiện những công việc cụ thể. Điều dễ nhận thấy về năng lực cá nhân là sự sáng tạo trong lao động và luôn đổi mới phương pháp làm việc. Nhưng không ít trường hợp năng lực cá nhân không thể hiển rõ bằng trình độ, nó lẩn trong trình độ. Trình độ có thể định giá được thông qua một số tiêu chuẩn. Còn năng lực cá nhân rất đa dạng và có nhiều sự thể hiện khác nhau nên tiêu chuẩn cho năng lực cá nhân khó được xây dựng. Bởi không có tiêu chuẩn định giá nên năng lực cá nhân dễ bị lạm dụng. Để có trình độ, người lao động cần có kinh phí và sự hỗ trợ, còn năng lực cá nhân do bẩm sinh. Năng lực cá nhân giúp cho việc nâng cao trình độ nhanh hơn. Trong nhiều trường hợp, năng lực cá nhân mang đến trình độ cho người lao động mà không phải trải qua đào tạo và rèn luyện. Điều này rất có ý nghĩa bởi xã hội không phải mất thời gian và tiền bạc để đào tạo người lao động.