Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về giai cấp và đấu tranh giai cấp

frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen="">
Video giai cấp là gì trong triết học

ThS. Bùi Thị Vân Anh Khoa Lý luận cơ sở

Có thể nói, tư tưởng về giai cấp và đấu tranh giai cấp được ví như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ lý luận của chủ nghĩa Mác. Sợi chỉ đỏ này nó không tô vẽ cho cái áo mà nó giống như sợi chỉ khâu các tấm áo lại với nhau. Tư tưởng về giai cấp và đấu tranh giai cấp của các nhà kinh điển là cơ sở khoa học cho việc phân tích về sự vận động, phát triển của lịch sử xã hội loài người, nhất là trong xã hội có giai cấp, do đó, tư tưởng này là bộ phận hợp thành nền tảng tư tưởng để các đảng cộng sản và giai cấp công nhân vạch ra đường lối chiến lược, sách lược cách mạng của mình đáp ứng yêu cầu phát triển của từng nước trong từng giai đoạn lịch sử – cụ thể nhất định.

Theo các nhà kinh điển, giai cấp là một hiện tượng mang tính lịch sử – nó có quá trình phát sinh, phát triển và mất đi khi điều kiện tồn tại của nó không còn và sự tồn tại của giai cấp gắn liền với những giai đoạn lịch sử nhất định của sự phát triển xã hội, tức sự phân chia xã hội thành giai cấp trước hết là do nguyên nhân kinh tế mà chủ yếu là do sự phát triển của lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội vào giai đoạn cuối của chế độ cộng sản nguyên thủy.

Trong thời kỳ cộng sản nguyên thủy, khi lực lượng sản xuất còn ở trình độ thấp kém, công cụ lao động thô sơ chủ yếu bằng đá, gậy gộc, cung tên… con người làm ra sản phẩm chỉ đủ để duy trì sự tồn tại của cộng đồng, duy trì nòi giống, chưa có sản phẩm dư thừa tương đối nên chưa xuất hiện chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Do đó, quan hệ sản xuất của chế độ cộng sản nguyên thủy dựa trên chế độ công hữu nguyên thủy với hình thức phân phối theo kiểu “bình quân theo nguyên tắc bằng nhau”. Do vậy, xã hội chưa có sự phân chia giai cấp. Đến giai đoạn cuối của chế độ cộng sản nguyên thủy, sự phát triển của lực lượng sản xuất đưa tới sự phân công lao động xã hội, thúc đẩy lao động lên trình độ chuyên môn hóa, cùng với việc phát hiện ra kim loại và sử dụng phổ biến công cụ bằng kim loại đã làm cho năng suất lao động tăng lên, do đó làm xuất hiện thời gian lao động thặng dư của xã hội, biểu hiện thành sự dư thừa của cải tương đối của xã hội, tức là con người có thể sản xuất ra số lượng sản phẩm vượt hơn nhu cầu tối thiểu để tồn tại. Điều đó tạo ra khả năng và cơ hội cho những người có quyền lực trong bộ lạc, bộ tộc nảy sinh lòng tham lợi dụng địa vị của mình để tìm cách chiếm đoạt lao động của những người khác, chiếm đoạt của cải dư thừa làm tài sản riêng cho riêng mình. Lúc này, quan hệ sản xuất của chế độ cộng sản nguyên thủy không còn phù hợp với lực lượng sản xuất mới. Chế độ tư hữu dần được thay thế cho chế độ công hữu nguyên thủy về tư liệu sản xuất. Từ đó, bắt đầu xuất hiện sự phân hóa xã hội thành giai cấp. Cộng sản nguyên thủy dần tan rã và thay vào đó là xã hội chiếm hữu nô lệ với hai giai cấp đối kháng đầu tiên trong lịch sử nhân loại là chủ nô (giai cấp thống trị) và nô lệ (giai cấp bị thống trị); tiếp đến là giai cấp địa chủ và giai cấp nông dân trong chế độ phong kiến; giai cấp tư sản và giai cấp vô sản trong chế độ tư bản chủ nghĩa. Sự vận động của các mâu thuẫn kinh tế – xã hội và giai cấp trong lòng chế độ tư bản chủ nghĩa lại tạo ra tiền đề cho sự ra đời của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trong tương lai. Đó là tiến trình khách quan của lịch sử.

Như vậy, sự phát triển của lực lượng sản xuất chính là nguồn gốc sâu xa và sự xuất hiện của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất là nguồn gốc trực tiếp dẫn đến việc hình thành giai cấp. Sự ra đời, sự mất đi của xã hội có giai cấp, cũng như sự xuất hiện và mất đi của các giai cấp cụ thể đều do nguyên nhân kinh tế, đều dựa trên tính tất yếu kinh tế. Mặc dù khẳng định như vậy nhưng các nhà kinh điển chưa bao giờ loại trừ sự tác động của những nhân tố phi kinh tế góp phần thúc đẩy sự ra đời của giai cấp chẳng hạn như bạo lực hay chiến tranh… Cụ thể, ở thời kỳ bộ tộc, các cuộc chiến tranh và thủ đoạn cướp đoạt bằng bạo lực giữa các tộc người đã làm cho tù binh trở thành nô lệ phục vụ những tộc người chiến thắng. Chính điều đó đã góp phần đẩy nhanh hơn quá trình phân chia xã hội thành giai cấp. Nói về vấn đề này, Ph.Ăngghen khẳng định: “…điều đó hoàn toàn không loại trừ việc sử dụng bạo lực, cướp bóc, mánh khóe và lừa bịp trong sự hình thành các giai cấp”[1].

Khi xã hội hình thành lối sống, lợi ích riêng, thì lúc đó xã hội bắt đầu có sự phân chia thành giai cấp. Khi bàn về giai cấp, C.Mác viết: “Trong chừng mực hàng triệu gia đình sống trong những điều kiện kinh tế làm cho lối sống của họ, lợi ích của họ và trình độ giáo dục của họ tách riêng và đối lập với lối sống, lợi ích và trình độ giáo dục của các giai cấp khác, thì các gia đình ấy hợp thành một giai cấp”[2]. Tuy nhiên, C.Mác cũng cho rằng, những con người có thể có cùng lợi ích, cùng vị trí xã hội, cùng trình độ giáo dục chưa hẳn đã hợp thành giai cấp. Những con người ấy sẽ trở thành một tập đoàn ô hợp nếu họ không được tổ chức bằng một cách nào đó. Cho nên, “Trong chừng mực giữa những người tiểu nông chỉ có một mối liên hệ địa phương thôi, trong chừng mực sự giống nhau về lợi ích của họ không tạo nên giữa họ một tính chất cộng đồng nào, một mối liên hệ toàn quốc nào, hay một tổ chức chính trị nào – thì họ không hình thành một giai cấp. Bởi vì, họ không có khả năng nhân danh mình đứng ra bảo vệ lợi ích của giai cấp mình, không kể là bằng cách thông qua một Hội nghị quốc ước. Họ không thể tự đại biểu cho mình, những người khác phải đại biểu cho họ. Những đại biểu của họ đồng thời phải là chủ của họ, là một quyền uy đứng trên họ, là một quyền lực chính phủ không hạn chế bảo vệ họ chống lại các giai cấp khác và ban cho họ mưa thuận gió hòa. Do đó, quy đến cùng thì ảnh hưởng chính trị của những người tiểu nông được biểu hiện ra ở chỗ quyền lực hành pháp khống chế xã hội”[3]. Như vậy, theo quan điểm của C.Mác, giai cấp là những cộng đồng người có chung lợi ích, cộng đồng đó phải tự tổ chức hoặc được tổ chức thông qua đảng chính trị, có hệ tư tưởng, chính trị phản ánh lợi ích giai cấp; cộng đồng đó cùng tham gia vào thực hiện mục tiêu chung của giai cấp.

Quan điểm về giai cấp của C.Mác sau này được V.I.Lênin kế thừa, bảo vệ, bổ sung và phát triển trong điều kiện mới, ông đưa ra định nghĩa: “Người ta gọi là giai cấp, những tập đoàn người to lớn gồm những người khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, khác nhau về quan hệ của họ (thường thì những quan hệ này được pháp luật quy định và thừa nhận) đối với những tư liệu sản xuất, về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội, và như vậy là khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phần của cải xã hội ít hoặc nhiều mà họ được hưởng. Giai cấp là những tập đoàn người mà tập đoàn người này thì có thể chiếm đoạt lao động của tập đoàn khác, do chỗ các tập đoàn đó có địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế xã hội nhất định”[4].

So với quan điểm của C.Mác, định nghĩa về giai cấp của V.I.LêNin đưa ra nhấn mạnh đến quan hệ kinh tế, thông qua quan hệ kinh tế quyết định địa vị chính trị – xã hội của các giai cấp. Theo đó, việc phân biệt giữa các giai cấp thông qua khác nhau về địa vị trong một hệ thống sản xuất; khác nhau về quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất; khác nhau về vai trò tổ chức, quản lý sản xuất; khác nhau về cách thức hưởng thụ và phân phối sản phẩm. Những đặc trưng phân biệt giai cấp được nêu ra có quan hệ chặt chẽ với nhau, là tiền đề và điều kiện của nhau, thúc đẩy nhau trong quá trình vận động, phát triển. Do đó, không được tuyệt đối hóa hoặc xem nhẹ bất cứ một đặc trưng nào mà phải xem xét nó trong tính chỉnh thể, thống nhất. Trong những đặc trưng nêu trên thì đặc trưng khác nhau về quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất là đặc trưng chủ yếu khi phân biệt giữa các giai cấp. Giai cấp nào sở hữu toàn bộ hoặc phần lớn những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội thì giai cấp đó giữ địa vị thống trị, quản lý, điều hành, phân phối trong hệ thống sản xuất xã hội; ngược lại, giai cấp nào sở hữu rất ít hoặc không có những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội thì giai cấp đó bị thống trị, bị áp bức, bóc lột.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, trong xã hội có phân chia giai cấp, có sự đối kháng giữa các giai cấp về mặt lợi ích (lợi ích kinh tế) không thể điều hòa được thì tất yếu có đấu tranh giai cấp, đến giai đoạn nhất định – điều kiện chín muồi, tất yếu dẫn đến cách mạng xã hội, tạo ra điều kiện mới cho xã hội phát triển. C.Mác viết: “Tới một giai đoạn phát triển nào đó của chúng, các lực lượng sản xuất vật chất của xã hội mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có, hay -đây chỉ là biểu hiện pháp lý của những quan hệ sản xuất đó – mâu thuẫn với những quan hệ sở hữu, trong đó từ trước đến nay các lực lượng sản xuất vẫn phát triển. Từ chỗ là những hình thức phát triển của lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại một cuộc cách mạng xã hội”[5]. “Đấu tranh giai cấp là đấu tranh của một bộ phận nhân dân này chống một bộ phận khác, cuộc đấu tranh của quần chúng bị tước hết quyền, bị áp bức và lao động, chống bọn có đặc quyền đặc lợi, bọn áp bức và bọn ăn bám, cuộc đấu tranh của những người công nhân làm thuê hay những người vô sản chống những người hữu sản hay giai cấp tư sản”[6].

Trong rất nhiều tác phẩm, đặc biệt là tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, các ông đã trình bày rõ quan điểm của mình khi cho rằng: đấu tranh giai cấp không phải là những cuộc bạo loạn, khủng bố, lật đổ, chỉ có ý nghĩa phá hoại gây chia rẽ, bè phái, gây rối loạn, làm thiệt hại cho xã hội, mà là một quá trình tất yếu, khách quan của xã hội có áp bức giai cấp, là những cuộc đấu tranh rộng khắp của quần chúng nhân dân lao động chống lại giai cấp thống trị bảo thủ. Trong xã hội có áp bức, bóc lột thì có đấu tranh giai cấp, áp bức càng nhiều thì đấu tranh giai cấp càng mạnh – đó là quy luật thép của lịch sử. Đấu tranh giai cấp có nguyên nhân khách quan từ sự phát triển mang tính xã hội hóa ngày càng sâu rộng của lực lượng sản xuất mâu thuẫn với quan hệ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, mà biểu hiện về mặt xã hội đó là mâu thuẫn giữa một bên là giai cấp cách mạng, tiến bộ đại diện cho phương thức sản xuất mới, một bên là giai cấp thống trị, bóc lột, đại diện cho những lợi ích gắn với quan hệ sản xuất lỗi thời, lạc hậu. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tự nó không giải quyết được, mà phải thông qua cuộc cách mạng xã hội, cuộc đấu tranh của giai cấp bị trị lật đổ giai cấp thống trị, sau đó mới xóa bỏ được quan hệ sản xuất cũ xây dựng quan hệ sản xuất mới cho phù hợp với trình độ sản xuất mới của lực lượng sản xuất. Với ý nghĩa đó đấu tranh giai cấp được coi là động lực trực tiếp góp phần thúc đẩy cho xã hội vận động, phát triển, là đòn bẩy vĩ đại của cuộc cách mạng xã hội hiện đại chứ không phải là sự gây rối, phá hoại. Tuy nhiên, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-LêNin không bao giờ coi đấu tranh giai cấp là động lực duy nhất trong xã hội có giai cấp, càng không xem đấu tranh giai cấp là mục đích, là công cụ vạn năng duy nhất để giải quyết mâu thuẫn xã hội. Ngoài động lực này, như C.Mác đã từng chỉ ra, còn một loạt những động lực gián tiếp khác như sự phát triển của lực lượng sản xuất, nhu cầu, lợi ích, lý tưởng, khoa học – kỹ thuật… cũng góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Vì vậy, không được coi nhẹ cũng như không nên cường điệu động lực đấu tranh giai cấp và coi đây là động lực duy nhất của sự phát triển xã hội, mà đó chỉ là phương tiện để giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Đấu tranh giai cấp là quy luật chung của mọi xã hội có giai cấp. Nhưng trong quy luật ấy có những biểu hiện đặc thù trong từng xã hội cụ thể. Điều đó do kết cấu giai cấp của mỗi xã hội và do địa vị lịch sử của mỗi giai cấp cách mạng trong từng phương thức sản xuất quyết định.

Đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản là cuộc đấu tranh cuối cùng trong lịch sử và vì vậy nó sẽ khác hơn về chất so với các cuộc đấu tranh trước đó. Bởi mục tiêu là thay đổi về căn bản sở hữu tư nhân bằng sở hữu xã hội, giải phóng toàn xã hội khỏi ách áp bức, bóc lột, khỏi sự phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp. Do vậy, đây là một quá trình đấu tranh lâu dài, gay go và vô cùng phức tạp nhất trong lịch sử. Cuộc đấu tranh này tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản. Nhưng, chuyên chính vô sản không phải là mục đích cuối cùng của cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản. Nó chỉ là bước quá độ để tiến tới thủ tiêu mọi giai cấp, tiến tới xã hội không có giai cấp. Giai cấp vô sản cần phải sử dụng nền chuyên chính của mình để tiếp tục cuộc đấu tranh trong điều kiện mới, nội dung mới và hình thức mới. Như vậy, ngay từ khi giai cấp vô sản ra đời thì cuộc đấu tranh của nó với giai cấp tư sản và các giai cấp bóc lột khác cũng xuất hiện. Cuộc đấu tranh đó diễn ra thường xuyên, liên tục cả khi giai cấp vô sản chưa giành được chính quyền từ tay giai cấp thống trị cũ, lẫn khi đã thiết lập được chính quyền cách mạng của mình và sử dụng chính quyền ấy như một phương tiện, công cụ chủ yếu để tiến hành cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới – một xã hội thực sự vì con người – xã hội cộng sản chủ nghĩa, trong đó “thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[7].

Tư tưởng về giai cấp và đấu tranh giai cấp của C.Mác, Ph.Ăngghen và sau này được V.I.Lênin kế thừa, bảo vệ, bổ sung và phát triển là kim chỉ nam cho các Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân vạch ra đường lối chiến lược, sách lược cách mạng trong cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ có áp bức, bóc lột, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Xét về mặt lịch sử, từ khi ra đời và phát triển đến nay đã hơn 170 năm nhưng những luận điểm về giai cấp và đấu tranh giai cấp của các nhà kinh điển vẫn còn giữ nguyên giá trị. Vì vậy, quán triệt quan điểm giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin là chỗ dựa vững chắc để chúng ta đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc thực chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp nói riêng.

Tài liệu tham khảo

1. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2004.

2. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2005.

3. C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2017.

4. Hoàng Thu Trang: Quan hệ giai cấp – dân tộc theo quan điểm của C.Mác-Ph.Ăngghen-V.I.Lênin và ý nghĩa đối với Việt Nam hiện nay (Sách chuyên khảo), Nxb. Lý luận chính trị, H.2019.

5. Giáo trình Trung cấp Lý luận chính trị: Nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Nxb. Lý luận chính trị, H.2021.